Về Bản Hốc mùa xuân
- Cập nhật: Thứ tư, 27/1/2016 | 10:11:44 AM
YBĐT - Nằm hiền hòa bên dòng suối Ngòi Nhì, Bản Hốc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn từ lâu đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là điểm du lịch văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc.
Ảnh minh hoạ.
|
Đến bản Hốc mùa nào cũng đẹp, nhưng ấn tượng và thú vị nhất có lẽ vẫn là dịp đầu xuân. Khác hẳn với những ồn ào náo nhiệt nơi phố thị, tại dây, du khách không chỉ được hưởng một bầu không khí trong lành, bình yên mà còn được thưởng ngoạnnhững cảnh đẹp do bàn tay con người và thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, Bản Hốc hiện ra với những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong những vườn nhãn xanh tốt, từ xa đã vang tiếng thoi dệt vải lách cách, những cô gái trong trang phục áo cỏm khăn piêu, má đỏ hồng thấp thoáng bên khung cửi. Thú vị hơn, khi được ngâm mình và thư giãn trong làn nước của dòng suối khoáng và nghe truyền tích của dòng suối đầy kỳ bí này.
Chuyện kể rằng thuở xưa, Ma Long Vương vốn là một con thuồng luồng của đất mường Bảnh, tính nóng như lửa, biết ngòi Nhì (đoạn chảy qua bản Hốc) lắm cá, tôm nên nảy sinh lòng tham chiếm giữ. Sau mấy ngày giao tranh dữ dội với Ma Long Vương ngòi Nhì, Ma Long Vương mường Bảnh thua trận, không kịp chạy về phải lặn sâu dưới đáy nước trốn biệt. Kể từ ấy, suối Nhì chảy qua bản Hốc nước nóng rát, sủi tăm sùng sục suốt ngày đêm. Người ta bảo rằng, đó là hơi thở dữ dội của kẻ bại trận.
Truyền tích khiến cho suối nước nóng bản Hốc mang đậm màu sắc huyền hoặc, thần bí, cuốn hút du khách thập phương. Không chỉ vậy, khi đến với vùng đất này, du khách sẽ được khám phá nhiều nét đặc sắc của văn hoá Thái. Đó là những điệu dân vũ nồng say như múa xoè, múa sạp, múa nón... Buổi tối, bên bếp lửa nhà sàn, ăn cơm lam với cá suối nướng, rêu suối nướng, bát canh rau rừng mát lành. Với lòng mến khách của gia chủ, mỗi lần nâng chén, chủ nhà lại cất tiếng hát mời rượu khiến bạn không thể từ chối.
Về khuya, người già trong bản hát cho bạn nghe thiên tình sử bất hủ của người Thái Đen “Tiễn dặn người yêu”, “Cô chị, cô em”, rồi chuyện ông Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, hay tướng quân Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nhân dân chống Pháp sục sôi... ở Bản Hốc, các hoạt động văn hoá, văn nghệ như thế này được tổ chức khá thường xuyên. Những nét văn hoá truyền thống được các nghệ nhân lưu giữ và truyền bá.
Điểm du lịch bản Hốc đã được Bảo tàng tỉnh Yên Bái kết hợp với ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn tiến hành khảo sát, xây dựng thành khu bảo tồn văn hoá với đặc thù bản sắc của người Thái Đen ở Tây Bắc. Trong đó những điểm nhấn là nhà sàn cổ, nét thuần phong mỹ tục, thú ẩm thực, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, y học dân gian, nghề truyền thống và suối khoáng nóng được chú ý khôi phục, bảo lưu và tôn tạo.
Đồng chí Lê Gia Thuần - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh cho biết: "Việc phát triển du lịch cộng đồng không những tạo cho xã một vị thế mới mà còn mở ra hướng thoát nghèo và làm giàu cho người dân, giải quyết lao động nông nhàn của địa phương, thúc đẩy các ngành nghề sản xuất truyền thống như thủ công mỹ nghệ phát triển. Để tiến tới xây dựng một điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách thập phương, điều đầu tiên là mỗi người dân trong bản phải nâng cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh, môi trường cảnh quan trong lành. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hoàn thiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho bản Hốc ngày một hoàn thiện, để Bản Hốc thực sự là một khu du lịch sinh thái lý tưởng.
Về bản Hốc, về với truyền tích xưa của một vùng đất đẹp, du khách chẳng những tìm được cho mình những giây phút thư thái trong bồn nước khoáng nóng hay những bãi “tắm tiên” thơ mộng mà còn được tận hưởng cảnh đẹp của núi rừng Tây Bắc, với những cô gái Thái thoải mái tắm trần trên dòng suối. Để rồi say mềm trong chén rượu ngô thơm nồng, trong điệu khắp, điệu xoè xao xuyến lòng người, được mời nghỉ lại trong ngôi nhà sàn xinh xắn, cùng thưởng thức những món ăn dân dã của người Thái hiếu khách.
Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ gợi cho du khách những ấn tượng về nét hoang sơ một thuở của suối khoáng nóng bản Hốc, nơi đang được chọn làm điểm đến thú vị của nhiều người.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Chỉ mới mở cửa đón khách được khoảng 10 ngày nhưng trảng hoa tam giác mạch của gia đình anh Vàng A Khua, thôn Bản Mới, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã đón tới trên 20.000 lượt khách trong tỉnh cũng như các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ... đến tham quan, thưởng ngoạn.
YBĐT - Những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất Yên Bái đều cảm thấy hài lòng bởi những trải nghiệm ấn tượng nơi mảnh đất đa sắc màu văn hóa này. Phải chăng, thiên nhiên, nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc cùng sự chân chất, nồng hậu mến khách của những con người nơi đây chính là sức hút đưa chân nhiều du khách đến với mảnh đất cửa ngõ miền Tây Bắc Tổ quốc?
YBĐT - Đến với Mù Cang Chải vào mùa gặt, bạn không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên ngút ngàn hay thả hồn trên những triền ruộng bậc thang tít tắp đến tận lưng trời mà còn được tham dự, tìm hiểu lễ cúng cơm mới của người Mông. Lễ cúng cơm mới tiếng Mông gọi là “Nào máo blề xa”. Đây là nghi lễ nhằm cảm ơn tổ tiên, trời đất cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh...
YBĐT - Ẩn chứa trong mình những giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống đặc sắc linh thiêng, đền Đông Cuông (Văn Yên) luôn là điểm đến của đông đảo du khách thập phương trong hành trình tâm linh trở về cội nguồn. Ngoài lễ hội chính vào ngày Mão tháng Giêng đầu năm, Đền Đông Cuông còn có lễ hội vào ngày Mão đầu tiên của tháng Chín Âm lịch, còn gọi là Lễ hội Cơm mới với những nghi thức độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.