Yên Bái: Du lịch bứt phá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2016 | 9:22:08 AM

YBĐT - Trên 500.000 lượt khách du lịch, trong đó có gần 21.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng là những con số ấn tượng về phát triển du lịch trong năm 2016, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Hạn Khuống ngày xuân.
(Ảnh: Vũ Đồng)
Hạn Khuống ngày xuân. (Ảnh: Vũ Đồng)

Yên Bái là địa phương có tiềm năng lớn phát triển du lịch và dịch vụ, mỗi vùng, miền đều có những nét độc đáo riêng. Sau Nghị quyết 07 - NQ/TU ngày 18/5/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về đẩy mạnh phát triển du lịch, ngày 18/10/2016, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 35 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đây là cơ sở quan trọng để nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, bản sắc văn hóa tộc người.

Tập đoàn kinh tế Chân Thiện Mỹ  -  là tập đoàn chuyên tổ chức các tua, tuyến du lịch, đưa khách quốc tế đến Việt Nam đã khảo sát các khu vực có tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng của tỉnh ở hồ Thác Bà, Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, rừng nguyên sinh Nà Hẩu....

Qua khảo sát, lãnh đạo Tập đoàn đã đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của Yên Bái trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đặc biệt là việc phát triển du lịch, khám phá vẻ đẹp của Hồ Thác Bà – nơi được ví như một “Hạ Long trên núi”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Chân Thiện Mỹ - Đoàn Xuân Tiếp đã hình thành ý tưởng xây dựng khu phố du lịch để biến những hòn đảo nhấp nhô giữa gương trời hồ Thác Bà thành những viên kim cương, viên ngọc lung linh tỏa sáng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng xây dựng những tua, tuyến du lịch dành riêng cho khách quốc tế để khám phá vẻ đẹp tự nhiên ở khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ để được trải nghiệm những món ăn dân tộc truyền thống, những câu khắp, điệu xòe nồng say. Đặc biệt được thưởng thức và tham gia các điệu xòe cổ của người Thái Mường Lò đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, Yên Bái đã hình thành và phát triển các vùng du lịch, trong đó tập trung vào 4 vùng không gian du lịch trọng điểm: vùng du lịch Mường Lò và miền Tây Yên Bái; vùng du lịch khu vực Hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch Trấn Yên, Văn Yên. Các điểm du lịch chính, các lễ hội văn hóa dân gian hàng năm và cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch, cơ sở lưu trú tại các vùng này đều đã được tỉnh quy hoạch, xây dựng dự án và mời gọi các nhà đầu tư.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch và thực hiện công tác xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút du khách quốc tế được tỉnh quan tâm chú trọng. Để hỗ trợ tối đa các điều kiện cho nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Yên Bái đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư  triển khai các dự án.

Điều đó, thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái trong thu hút đầu tư vào du lịch. Những cải cách, đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư của Yên Bái đã tạo sự tin cậy và hài lòng của các nhà đầu tư.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ chia sẻ: “Tinh thần “trải thảm đỏ” của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái là động lực để Tập đoàn  quyết định triển khai 3 dự án đầu tư, trong đó có 2 dự án đầu tư vào du lịch. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Yên Bái trở thành viên ngọc sáng về phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc”.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, du lịch có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo tiền đề đến năm 2030 du lịch Yên Bái trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm lượng khách du lịch đến Yên Bái tăng khoảng 6 - 7,5%, đến năm 2020 du lịch Yên Bái đón 650.000 khách nội địa, năm 2025 có thể đón 865.000 khách.

Dù còn nhiều khó khăn, song Yên Bái đã sẵn sàng rộng cửa đón các doanh nghiệp, doanh nhân  bằng sự chân tình, chu đáo, làm hài lòng các nhà đầu tư, góp sức đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Mạnh Cường

Các tin khác
Hát Páo dung được thực hiện trong nghi lễ cấp sắc của người Dao Văn Yên.

YBĐT - Cùng với việc sáng tạo ra những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, lạ mắt, hát Páo dung là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Dao Văn Yên, là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày.

Vũ điệu múa rùa.

YBĐT - Vừa qua, tại gia đình ông Đặng Nguyên An ở thôn 2, xã Đại Sơn (Văn Yên) đã tổ chức Lễ Tam Thanh hay còn gọi là Tết Nhảy của người Dao đỏ. Lễ Tam Thanh là một trong những nghi lễ đặc sắc về văn hoá tâm linh của người Dao đỏ. Đối với Đại Sơn đã gần chục năm nay không tổ chức lần nào, còn với gia đình ông An thì hơn một đời người chưa tổ chức lần nào.

Một điệu múa trong phần hội của lễ cầu mùa.

Lễ hội Cầu mùa là một hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Dao đỏ ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Những hình ảnh trong lễ Cấp sắc 12 đèn của đồng bào Dao đỏ tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên được tái hiện trong Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ 2 năm 2016 đã gây ấn tượng mạnh với du khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục