Lễ hội xuân năm 2017: Vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc
- Cập nhật: Thứ ba, 11/4/2017 | 6:56:54 AM
YBĐT - Đầu xuân, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 18 điểm lễ hội, trong đó có 3 lễ hội được tổ chức ở các khu di tích cấp quốc gia và 15 lễ hội diễn ra thường niên ở các di tích cấp tỉnh, ở các xã, phường.
Du khách thập phương du xuân, chiêm bái đền Đông Cuông trong dịp lễ hội xuân năm 2017.
|
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu xuân 2017, ngay từ cuối năm 2016, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2016 - 2017. Trong đó, đặc biệt không cấp phép cho các lễ hội có hành vi phản cảm, bạo lực, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội. Do đó, dịp lễ hội đầu xuân năm nay đã được các địa phương tổ chức tốt, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển.
Đầu xuân, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 18 điểm lễ hội, trong đó có 3 lễ hội được tổ chức ở các khu di tích cấp quốc gia và 15 lễ hội diễn ra thường niên ở các di tích cấp tỉnh, ở các xã, phường, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, của từng địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Liệu - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), lễ hội đầu xuân năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, các địa phương đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo củng cố kiện toàn ban tổ chức, ban quản lý lễ hội ở các đình, đền, chùa, chỉ đạo sửa sang đường sá, khuôn viên, vệ sinh môi trường, công tác an ninh trật tự để phục vụ tốt lễ hội. Tiêu biểu cho công tác tổ chức lễ hội là các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
Là một trong những địa phương thực hiện tốt sự chỉ đạo của tỉnh về công tác tổ chức lễ hội đầu năm, huyện Văn Yên đã sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng, các ban quản lý di tích trên địa bàn huyện hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội năm 2017, hướng dẫn thành lập ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ lễ hội, đồng thời cử cán bộ trực tiếp tham gia hướng dẫn thực hiện các nội dung phần lễ và phần hội theo đúng kịch bản đã được phê duyệt; chỉ đạo đội kiểm tra liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa - thông tin tại các khu vực diễn ra lễ hội, nhất là các hoạt động đánh bạc dưới hình thức vui chơi có thưởng, việc đổi tiền lẻ Việt Nam đồng tại các lễ hội…
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lễ hội đã được chính quyền các địa phương triển khai sâu rộng bằng các hình thức, nội dung phong phú, bảo đảm đúng các quy định của Nhà nước, góp phần giáo dục nhân dân địa phương và du khách tham gia lễ hội chấp hành mọi nội quy, quy chế lễ hội; ý thức giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự công cộng; đồng thời, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu các giá trị của lễ hội.
Vì vậy, các lễ hội được tổ chức theo đúng kịch bản, bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm không khí trang nghiêm trong phần lễ, vui tươi, lành mạnh trong phần hội.
Các lễ hội được nâng tầm hơn so với trước đây, phù hợp với kinh tế của địa phương. Ước tính lượng du khách đến với Văn Yên tham gia các lễ hội đầu năm đạt khoảng trên 190.000 lượt người.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên, lễ hội được phục dựng theo hướng bảo lưu các yếu tố tích cực của lễ hội truyền thống kết hợp với một số yếu tố mới để phù hợp với yêu cầu của văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Trong phần hội, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được đầu tư khôi phục, tổ chức đã góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân.
Đặc biệt, nghi lễ tế trâu trong Lễ hội đền Đông Cuông năm nay đã đổi mới được người dân và du khách đồng tình.
Qua đó, các lễ hội đầu xuân ở Văn Yên đã phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, giải trí của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.
Ngoài ra, lễ hội được tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn và trùng tu lại di tích, tránh sự xuống cấp.
Tập trung tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đầu xuân, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, phối hợp với các cơ quan liên quan, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tổ chức lễ hội năm 2017, nên qua 13 lượt kiểm tra các lễ hội, các địa phương đều cơ bản thực hiện theo đúng Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các quy định của tỉnh và các quy định của pháp luật.
Các lễ hội đều thành lập ban tổ chức, ban quản lý, ban chỉ đạo trước khi tổ chức lễ hội; các hoạt động trong lễ hội không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan, các hoạt động mang tính chất cờ bạc.
Không gian lễ hội được trang trí bảo đảm phù hợp với các hoạt động của lễ hội; kịch bản, nội dung, ma-két trang trí lễ hội đều được cấp thẩm quyền duyệt; đồng thời, bảo đảm tốt vấn đề an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian truyền thống như: thi biểu diễn văn nghệ, đàn hát dân ca dân tộc, các môn thể thao kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đu dây, đi cà kheo, vật trên cát, ném còn, đánh yến, bịt mắt đánh trống, chọi gà, chọi dê, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền nan… đều vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, những hoạt động văn hóa trong lễ hội đã bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá các dân tộc của các địa phương.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong dịp lễ hội đầu xuân 2017 vẫn còn một số lễ hội có nội dung còn sơ sài, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống chưa có sự đổi mới; tình trạng đốt đồ mã, vàng mã, mất vệ sinh vẫn còn diễn ra tại một số lễ hội. Ban quản lý một số lễ hội chưa sát sao trong hướng dẫn khách đến thắp hương, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định; trên địa bàn tỉnh còn 2 địa phương tổ chức chọi trâu trái phép…
Để các lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, thời gian tới, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. P
hối hợp với các địa phương chỉ đạo các ban quản lý lễ hội các cấp tuyên truyền nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc, thực hiện ứng xử văn hóa trong lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của các di tích lịch sử, giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, có hình thức xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội ở cơ sở...
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, một "Hạ Long trên núi", Thác Bà lung linh, huyền ảo qua ống kính nhiếp ảnh.
YBĐT - Vùng chè cổ thụ Suối Giàng với hàng vạn gốc chè hàng trăm năm tuổi cùng nhiều nét văn đặc sắc của đồng bào Mông.
YBĐT - Đã thành truyền thống, ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch là ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Muôn dân đất Việt dù ở đâu, làm gì, đến ngày này cũng hướng lòng mình về nơi nguồn cội với niềm tự hào là “Con Lạc cháu Hồng”.
YBĐT - Từ những tiềm năng, thế mạnh tự nhiên cùng những giải pháp căn cơ, đồng bộ mà lĩnh vực du lịch của Yên Bái đã phát triển khả quan. Yên Bái giờ đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước với số lượng năm sau cao hơn năm trước.