Yên Bái: Thành công từ gìn giữ các giá trị văn hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2017 | 11:38:01 AM

YBĐT - Từ khi xòe Thái chưa được vinh danh là Di sản phi vật thể cấp quốc gia hay ruộng bậc thang chưa trở thành danh thắng cấp quốc gia thì cả Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải đã là những cái tên được tìm kiếm, muốn khám phá của du khách trong, ngoài nước.

Du khách nước ngoài cùng tham gia vòng xòe.
Du khách nước ngoài cùng tham gia vòng xòe.

Có thể nói, đây là hai địa phương của tỉnh Yên Bái sớm có vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam. Phải khẳng định rằng, chính văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở hai địa phương này đã khiến Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải trở thành những điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch Tây Bắc.

Du lịch ở Nghĩa Lộ không tùy thuộc vào mùa hay thời tiết, bởi đây là du lịch văn hóa. Du khách đến với Nghĩa Lộ không chỉ thưởng thức cảnh đẹp của Mường Lò mà còn bởi bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Từ nếp nhà sàn, thói quen sinh hoạt, dụng cụ lao động, trang phục, cho đến ẩm thực, dân ca, dân vũ đậm bản sắc như một không gian triển lãm văn hóa dân tộc Thái thu nhỏ nhưng sống động, cuốn hút.

Hiện nay, ở thị xã có trên 40 cơ sở lưu trú thì trong đó có trên 20 cơ sở du lịch cộng đồng tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, lượng khách ổn định ở tất cả các mùa trong năm. Chính “chất liệu” văn hóa dân gian từ cuộc sống của người dân bản địa đã giúp những nhà quản lý có chiến lược phát triển du lịch tại đây, mà trước tiên là bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Ấn tượng đầu tiên của mỗi du khách đến với Nghĩa Lộ đó là việc gìn giữ được kiến trúc, trang phục, tiếng nói của người dân địa phương ngay trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tiếp đó là các lễ hội như: lễ hội Rằm tháng Giêng, tết Xíp xí, Xên bản, Xên mường và hội Hạn khuống...

Hàng năm, thị xã tổ chức phục dựng và duy trì các lễ hội này tại cơ sở, trong đó đã khôi phục, bảo tồn lễ hội cấp thị xã đối với hội Hạn khuống và Xên mường. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các nghi lễ, làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian trong các lễ hội được tổ chức, phục dựng và truyền giữ trong cộng đồng dân cư.

Trong đó, đặc biệt là xòe Thái được giữ gìn, bảo tồn hiệu quả thông qua truyền dạy của các nghệ nhân cho lớp trẻ, đưa xòe trở thành thứ như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày của người dân nơi đây. Những nét văn hóa khác như văn hóa ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm, các phong tục, tập quán tốt đẹp đều được Nghĩa Lộ khôi phục. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống được thị xã quan tâm duy trì đưa vào các lễ hội rất thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Với việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đã khơi gợi được lòng tự hào dân tộc của nhân dân trong vùng. Hơn cả, là tiền đề quan trọng làm nên thành công trong phát triển du lịch ở Nghĩa Lộ. Lượng khách đến với Nghĩa Lộ năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng mạnh vào mùa hội xòe.

Năm 2016, Nghĩa Lộ đón 58.000 lượt khách, riêng trong Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò trên 10.000 lượt khách. Dự kiến, năm 2017, thị xã Nghĩa Lộ đón 65.000 lượt khách. Đó chính là thành công trong phát triển du lịch từ việc bảo tồn bản sắc văn hóa của thị xã Nghĩa Lộ. 

Không phải chờ đến đầu năm 2017, khi Mù Cang Chải lọt top những địa điểm tham quan đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch danh giá CNTraveler bình chọn thì Mù Cang Chải mới trở lên “hot” đến như vậy, mà những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ - một vẻ đẹp không lẫn với bất cứ đâu, được tạo nên từ bàn tay, khối óc của biết bao thế hệ người Mông ở Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước từ rất nhiều năm nay. 

Cùng ruộng bậc thang, bản sắc văn hóa độc đáo của người dân tộc Mông tạo nên một tổng thể văn hóa danh thắng ấn tượng đối với du khách. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh bảo tồn, gìn giữ văn hóa canh tác của người dân bản địa, các giá trị văn hóa đặc sắc các lễ hội truyền thống với những sắc thái văn hóa độc đáo, mang tính cộng đồng và giàu tính nhân văn, tinh thần thượng võ. Các lễ hội đã được phục dựng, những nghề truyền thống như nghề rèn, dệt thổ cẩm được đẩy mạnh gìn giữ.

Cùng với đó là các hoạt động văn hóa phi vật thể được khuyến khích trong nhân dân như: dân ca, đàn môi, kèn lá, khèn Mông, các nghi lễ dân tộc, tín ngưỡng, ẩm thực… thu hút du khách. Tất cả cùng với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tạo nên một chuyến du lịch danh thắng, văn hóa hoàn hảo cho du khách.

Du khách đến với Mù Cang Chải đều mong muốn khám phá danh thắng và trải nghiệm văn hóa nơi đây. Vì vậy, dịch vụ du lịch homestay theo đó cũng phát triển. Chưa bao giờ, người dân tham gia tích cực làm du lịch như thời gian gần đây, những hộ gia đình đăng ký làm du lịch homestay tăng lên, chất lượng dịch vụ được nâng tầm. Lượng khách đến với Mù Cang Chải ngày càng tăng. Riêng Tuần văn hóa Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016 đã thu hút trên 10.000 lượt du khách.

Sự phát triển của du lịch đồng hành với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành nền tảng và động lực để hai địa phương này thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ - du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thanh Thủy

Các tin khác
Lễ rước Mẫu sang sông Lễ hội đền Đông Cuông.

YBĐT - Phong tục, tập quán đặc trưng từng dân tộc gắn với địa hình tự nhiên của từng vùng miền đã tạo nên ba vùng văn hóa riêng biệt. Mỗi vùng là một mảng màu độc đáo trong bức tranh văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Hát đối đáp giao duyên của người Cao Lan (Yên Bình).

YBĐT - Giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống ngày càng lan tỏa rộng khắp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng dân tộc rất độc đáo được tổ chức ở những quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các địa phương trong tỉnh.

Đỉnh núi Tà Chì Nhù cao 2.979m, thuộc địa phận xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam.

YBĐT - Là đỉnh núi cao thứ 6 Việt Nam, được mệnh danh là thiên đường nơi hạ giới, Tà Chì Nhù hấp dẫn khách du lịch đặc biệt là các phượt thủ với phong cảnh kỳ ảo như trong câu chuyện cổ tích, bồng bềnh mây trắng, mênh mông bãi cỏ dài như thảo nguyên bát ngát...

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc trong vườn xuân đất nước” tối 11/2/2017 tại Lào Cai.

Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc do Lào Cai và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc đăng cai tổ chức với các sản phẩm du lịch đặc trưng như: trải nghiệm du lịch cộng đồng Tây Bắc; hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang - Tây Bắc; chợ phiên vùng cao; du lịch tâm linh dọc sông Hồng; khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục