Hưởng ứng Năm du lịch Yên Bái 2017 và Năm du lịch quốc gia 2017- Lào Cai - Tây Bắc

Thân thiện và hấp dẫn

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/5/2017 | 6:44:43 AM

YBĐT - Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Yên Bái là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc. Bằng cách làm đúng hướng, hiệu quả, những năm gần đây, du lịch Yên Bái ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Mù Cang Chải mùa lúa chín.
Mù Cang Chải mùa lúa chín.

Nói đến Yên Bái, người ta nghĩ ngay đến Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Với tổng diện tích ước tính gần 2.300 ha, ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là thành quả hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao.

Những kinh nghiệm lâu đời và sự sáng tạo của họ được thể hiện rõ nét từ việc lựa chọn vùng đất tới quá trình khai khẩn công phu, hình thành nên phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa nương rẫy và ruộng nước.

Vào tháng 8, tháng 9, khi những thửa ruộng vàng tít tắp, uốn lượn, gối kề lên nhau, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú, những nấc thang vàng như lớp lớp sóng núi bất tận làm mê đắm du khách. Đến với Mù Cang Chải những ngày này, du khách được thỏa sức “bay trên mùa vàng”, được đắm say trong những lễ hội, trò chơi cổ truyền vui nhộn, đậm bản sắc.

Cách huyện Mù Cang Chải gần 100 km, Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây Yên Bái nằm giữa cánh đồng Mường Lò bao la. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27.000 người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44%.

Tại đây, du khách sẽ được đến thắp hương tưởng niệm, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cũng ở mảnh đất này, du khách còn được tắm mình trong suối nước nóng và thưởng thức những đặc sản và thứ rượu nấu từ gạo ngon Mường Lò để rồi tay trong tay, nối bước vào vòng xòe bất tận cùng người dân địa phương.

Từ thị xã Nghĩa Lộ, chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ chinh phục cung đường đèo giữa những đồi chè bạt ngàn, du khách đã có mặt ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, nơi có độ cao trên 1.400 m so với mặt nước biển, với diện tích tự nhiên 5.922 ha.

Ngoài khí hậu được thiên nhiên ưu đãi mát mẻ quanh năm, Suối Giàng còn là nơi có vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, một trong những đặc sản của Yên Bái. Những cây chè cổ thụ cao tới 3 m, thân cây to có đường kính tới 1 m, tuổi thọ 300 năm có lẻ. Những búp chè to, xanh, dày dặn càng đậm đà hương vị vùng cao.

Thưởng thức hương vị chè Shan tuyết được các cô gái Mông hái từ thân chè cổ thụ vùng cao sẽ khiến du khách ấm lòng trong tiết trời mát lạnh Suối Giàng. Đây cũng là một phần trong các tour du lịch cộng đồng để bạn được "ba cùng" với đồng bào, hòa mình vào sinh hoạt dân gian truyền thống, giàu bản sắc, sự hòa quyện của quá khứ, hiện tại, tương lai, của đất trời và của lòng người Yên Bái mộc mạc, thủy chung.

Có lẽ, ít có tỉnh nào mà tiềm năng du lịch lại trải khắp các địa phương như ở Yên Bái. Mỗi vùng, miền có những nét riêng, độc đáo trong chuỗi hành trình của du khách. Từ thành phố Yên Bái, chỉ mất ít phút chạy xe, du khách đã có mặt tại hồ Thác Bà, một “vịnh Hạ Long” thu nhỏ trên núi với 1.331 đảo lớn nhỏ.

Đi giữa mênh mang biển hồ, du khách được chiêm ngưỡng những phong cảnh sơn thủy hữu tình, tận hưởng không khí trong lành giữa làn gió mơn man mạn thuyền sóng vỗ. Sau những tháng ngày ồn ã nơi thị thành ngột ngạt, nếu muốn tìm về cõi hoang sơ, để thiên nhiên gột rửa bụi trần, bạn có thể cắm trại nghỉ ngơi thư giãn trên những đảo cây xanh mát và thưởng thức hương vị những loại cá đặc sản.

Bên cạnh những danh thắng nức tiếng, Yên Bái còn có tài nguyên rừng phong phú với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm. Điển hình trong số này phải kể đến Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, cách thành phố Yên Bái 50 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận các xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có hệ thống núi cao từ 1.788 m, với tổng diện tích 16.950 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.700 ha, có trên 15.000 ha rừng tự nhiên, nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, nhiều suối, thác nước và nhiều cảnh quan hang động. Nơi đây còn có các dân tộc Mông, Dao cư trú từ lâu đời và cách biệt với các địa phương khác nên còn giữ được nhiều phong tục, tập quán và các nét văn hóa bản địa chưa bị pha tạp.

Ngoài ra, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải cũng có tính đa dạng và đặc hữu cao về thực vật với 788 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 488 chi, 147 họ và 5 ngành. Trong số 788 loài ghi nhận được có 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Động vật của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải cũng rất phong phú và cho thấy tính đặc hữu cao, hiện có 241 loài, 74 họ, 24 bộ động vật xương sống. Có 42 loài quý hiếm cho Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu được ghi nhận trong Khu bảo tồn.

Cùng với đó, Yên Bái còn được biết đến với những tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, giàu bản sắc. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 86 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 73 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Qua tổng kiểm kê di sản, có 746 di sản phi vật thể và gần 574 di sản vật thể. Tiêu biểu trong số này phải kể đến Khu di tích lịch sử lăng mộ Nguyễn Thái Học (phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái), Quần thể di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên), Khu di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ (phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ), đền Nhược Sơn (Châu Quế Hạ, Văn Yên), đền Đông Cuông (Đông Cuông,Văn Yên)...

Ngoài ra, Yên Bái còn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc với những lễ hội truyền thống đặc sắc. Đó là Lễ hội đền Mẫu Thác Bà thường được tổ chức vào đêm mùng 8 và ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội diễn ra với lễ rước kiệu hoa, kiệu võng và kiệu bát cống, rước lễ vật gồm 8 mâm từ hồ Thác Bà lên gồm chè kho, bánh, hoa quả và rước cá từ hồ Thác Bà vào.

 

Thi đấu vật tại Lễ hội đền Đông Cuông (Văn Yên). 

Lễ hội đền Mẫu Thác Bà hội tụ những sắc thái văn hóa của cư dân bản địa lâu đời tại vùng hồ Thác Bà. Bên cạnh đó, phần hội cũng diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tày, Kinh, Nùng, Dao, Cao Lan vùng Thác Bà, sông Chảy như ném còn, đánh yến, chọi gà, vật, hội đánh đu...

Ngược về phía Tây Bắc của tỉnh Yên Bái, Lễ hội đền Đông Cuông cũng là lễ hội lớn mà tới đây sẽ là nơi tổ chức Festival tín ngưỡng thờ Mẫu - loại hình văn hóa vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Lễ hội được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm để tưởng nhớ đến Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn và các vị anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thời Trần.

Ngoài ra còn có các hoạt động thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn, chọi gà… Hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương, vãn cảnh đền và cầu nguyện một năm gặp nhiều may mắn... Ngoài ra, đến với Yên Bái, du khách cũng có thể khám phá, tìm hiểu những lễ hội khác như: Lễ hội đền Đại Cại, Lễ hội đền Tuần Quán, Lễ hội chùa Tùng Lâm…

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã và đang có nhiều chính sách ưu đãi, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Tin tưởng rằng, với những tiềm năng du lịch thiên nhiên, nhân văn sẵn có cùng giải pháp phát triển đúng hướng, bền vững, Yên Bái sẽ trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn của du khách trong thời gian tới.

Hùng Cường

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục