Về miền cổ tích Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/4/2017 | 6:39:25 AM

YBĐT - Đẹp tựa miền cổ tích, nằm ở độ cao gần 1.400 m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được bao bọc bởi những vách đá và rừng nguyên sinh với hàng ngàn gốc chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Du khách tham quan vùng chè Suối Giàng.
Du khách tham quan vùng chè Suối Giàng.

Từ lâu nay, Suối Giàng đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng với những truyền thuyết về sự tích của cây chè tổ Shan tuyết cùng với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Mông.

Truyền thuyết của người Mông kể rằng, một sớm có nàng tiên nữ đã đến đây và gieo loại hạt lạ xuống vùng đất này. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nẩy mầm và mọc thành cây xanh tốt, tán cây ngày càng rộng, lá cây xanh ngắt to bằng nửa bàn tay, còn búp cây ngậm sương trắng như tuyết.

Khi ấy có một nhóm người Mông di cư đến đây, do loạn lạc đường xa, thiếu đồ ăn thức uống lại bị bệnh sốt rét hoành hành. Họ thấy cây xanh tốt lại mọc giữa chốn non cao liền hái lá cây ăn và kỳ lạ thay, sau khi ăn xong họ thấy tỉnh táo lạ thường.

Thấy vậy, họ liền lấy lá cây đun với nước suối uống. Ngày này qua ngày khác, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều hết sốt và khỏe khoắn trở lại. Cho là có trời cứu giúp, mọi người quyết định ở lại đây với loài cây lạ và đặt tên nơi này là Suối Giàng. Từ đó, cây chè Shan tuyết đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây.

Lịch sử cây chè ở Suối Giàng xuất hiện từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa xác định được, với diện tích gần 400 ha, mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây chè cổ thụ nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được.

Mỗi khi nhắc đến Suối Giàng, những ai đã từng đặt chân lên mảnh đất này hẳn sẽ không thể quên vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng của thiên nhiên nơi đây. Trong đó, những hàng chè cổ thụ Shan Tuyết vài trăm năm tuổi với thân cây nhuộm màu trắng mốc, to lớn là một trong những hình ảnh ấn tượng nhất mà du khách nhớ về Suối Giàng.

Suối Giàng tuy không đẹp mơ màng, huyền ảo và lung linh như những vùng đất khác song là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với truyền thuyết về cây chè Suối Giàng mà hẳn nhiều người chưa từng biết.

Suối Giàng mùa nào cũng đẹp nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là những dịp đầu xuân, khi chút se lạnh còn vương vấn trên những triền đồi, hòa quyện trên những nương chè cũng là lúc người dân nơi đây tổ chức lễ cúng nhằm tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng, gắn với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực nhằm tôn vinh nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông với truyền thống yêu lao động sản xuất.

Trong tiết trời se lạnh, du khách có thể thưởng thức những tách chè Shan tuyết bất kỳ lúc nào. Trong làn khói mỏng từ những tách trà nóng, nhấp từng ngụm, vị ngọt thanh tao của riêng chè Shan tuyết mà không loại thức uống nào có được sẽ khiến du khách nhớ mãi.

Ở mảnh đất này, du khách còn được tận hưởng bầu không khí trong lành giữa không gian bình yên phần nào xua đi những phiền muộn, lo toan trong cuộc sống thường nhật ở phố thị ồn ào, sầm uất. Nơi đây còn giúp du khách tận hưởng những khoảnh khắc của riêng mình.

Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, hàng chục năm qua, cây chè Suối Giàng còn được người dân ở đây khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Suối Giàng có tới 98% dân cư là người Mông. Mỗi sân nhà đều có vài gốc chè, mỗi gia đình đều có người làm nghề chè. Vì vậy, chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chính của những người dân nơi đây. Với sản lượng khoảng 500 tấn búp tươi/năm, chè là nguồn thu nhập chính của 60% số hộ dân trong xã.

Để bảo tồn và phát triển giống chè Suối Giàng đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng, nhãn hiệu “Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012.

Cùng với đó, quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi của xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.

Ngoài ra, huyện Văn Chấn đang triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu bảo tồn và khai thác có hiệu quả các diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 600 ha chè Shan tuyết tại 6 xã vùng cao của huyện.

Sự kiện này một lần nữa vinh danh và khẳng định giá trị, vị thế của cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng với bạn bè trong và ngoài nước, là tiền đề, động lực để huyện Văn Chấn và nhân dân xã Suối Giàng phát triển, nâng cao hơn nữa giá trị của vùng chè Shan tuyết trong cuộc sống của đồng bào Mông cũng như việc thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Việc công nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Shan tuyết và công nhận quần thể chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng là cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh và giá trị cây chè Suối Giàng.

Mặt khác, cổ vũ, động viên nhân dân tích cực chăm sóc, bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị của cây chè và sản phẩm chè Suối Giàng, đồng thời giúp địa phương khai thác tốt hơn những tiềm năng, thế mạnh về du lịch gắn với thương hiệu đặc trưng chè Suối Giàng.

Thanh Quang

Các tin khác
Du khách nước ngoài thích thú với cảnh đẹp ở La Pán Tẩn.

YBĐT - Phát triển kinh tế du lịch những năm gần đây được xem là hướng mở trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Bất kể thời gian nào trong năm, Mù Cang Chải đều có những nét riêng để khám phá. Hãy xách ba lô lên và đi! Để trải nghiệm, để khám phá và hòa mình với thiên nhiên núi rừng, hòa mình với cuộc sống bình dị của bà con vùng cao giữa đại ngàn Tây Bắc...

Du khách nước ngoài cùng tham gia vòng xòe.

YBĐT - Từ khi xòe Thái chưa được vinh danh là Di sản phi vật thể cấp quốc gia hay ruộng bậc thang chưa trở thành danh thắng cấp quốc gia thì cả Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải đã là những cái tên được tìm kiếm, muốn khám phá của du khách trong, ngoài nước.

Lễ rước Mẫu sang sông Lễ hội đền Đông Cuông.

YBĐT - Phong tục, tập quán đặc trưng từng dân tộc gắn với địa hình tự nhiên của từng vùng miền đã tạo nên ba vùng văn hóa riêng biệt. Mỗi vùng là một mảng màu độc đáo trong bức tranh văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục