“Săn mây, cưỡi gió” trên đỉnh Tà Chì Nhù
- Cập nhật: Thứ năm, 18/5/2017 | 2:25:37 PM
YBĐT - Chạm tay vào khối inox đánh dấu đỉnh 2.979 mét, cảm xúc thật đặc biệt, lâng lâng khi mình đã vượt qua chính mình, nghèn nghẹn, ngẩn ngơ rồi miên man bất tận trước thiên nhiên. Cả một biển mây dưới chân và chúng tôi như đang đứng giữa tầng trời. Cảm giác ấy chỉ có ở đỉnh Tà Chì Nhù ở huyện Trạm Tấu, đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam.
>> Cổ tích trên đỉnh Tà Chì Nhù (phần 1) >>> Cổ tích trên đỉnh Tà Chì Nhù (phần 2)
Thật may mắn khi tôi được tham gia Hội nghị triển khai Nghị quyết 35 của tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái, tại đây, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo phát triển du lịch mạo hiểm khám phá đỉnh Tà Chì Nhù ở huyện Trạm Tấu. Thông tin ban đầu, đây là đỉnh núi cao thứ 6 ở Việt Nam, có cảnh đẹp và nhiều điều kỳ thú khi khám phá.
Ngần ấy thôi, cùng với niềm tự hào quê hương cũng đủ thôi thúc tôi muốn được trải nghiệm, khám phá. Rồi cũng dịp ấy, trên mạng xã hội râm ran truyền tin: “Tà Chì Nhù là địa điểm nhất định phải ghé qua một lần trong đời” càng thôi thúc chúng tôi - những kẻ ưa khám phá và thử thách lên đường chinh phục Tà Chì Nhù.
Kế hoạch chinh phục Tà Chì Nhù được xây dựng. Với sức của cả đoàn toàn... con gái, chúng tôi quyết định nhờ người quen ở Trạm Tấu tìm giúp 2 porter - những người đi rừng chuyên nghiệp để khuân vác đồ. Chiều thứ Sáu cả hội háo hức bắt xe từ thành phố Yên Bái đi Trạm Tấu, tối muộn tới thị trấn thuê phòng nghỉ.
5h sáng ngày thứ Bảy, như đã hẹn trước, hai anh khuân đồ đã có mặt tại sảnh khách sạn, chúng tôi chia đồ, chủ yếu là mang theo nước, đồ ăn khô dùng cho bảy người trong hai ngày... Cách thị trấn Trạm Tấu hơn 10km, đường vào chân núi Tà Chì Nhù giống như bao con đường ở vùng núi Yên Bái, gập ghềnh bởi những ổ voi, đá cuội lớn lô nhô...
Gần một giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy mới tới được chân núi, chúng tôi gửi xe và bắt đầu cuộc hành trình. Những bước chân đầu tiên đang hồ hởi thì ôi thôi trước mặt là vách đá thẳng đứng, không có điểm bám nhưng muốn lên đỉnh Tà Chì Nhù thì chỉ có duy nhất con đường này.
Không phải là lần đầu tiên leo núi, nhưng tôi dự cảm việc chinh phục núi Tà Chì Nhù rất khó khăn, đòi hỏi phải có một tinh thần tốt, một ý chí quyết tâm và cả một bản lĩnh tuyệt vời. Chúng tôi cứ động viên nhau bằng tinh thần lạc quan rằng không có thành công nào là dễ dàng cả.
Hết đoạn leo ngược dốc thẳng đứng đầu tiên, chúng tôi tới một bãi cỏ rộng mênh mông - đặc trưng địa hình của những ngọn núi cao bậc nhất ở miền Bắc. Ai đã từng leo Phan Xi Păng thì có lẽ không xa lạ gì với những trảng cỏ dài tít tắp như thảo nguyên và ở Tà Chì Nhù cũng vậy - con đường mòn giữa cánh đồng hoa trắng tinh đã mở ra trước mắt chúng tôi.
Đi giữa cánh đồng hoa trắng, cảm xúc dâng trào, nhất lại là tâm hồn của những cô gái trẻ, bỗng chốc như mình hóa thành nàng công chúa đi vào câu chuyện cổ tích mà lúc nhỏ được nghe kể. Bước sang phía đầu kia của con đường cổ tích, chúng tôi trở về với thực tại.
Con đường mòn nhỏ, trơn dẫn qua những vách núi dựng đứng cứ nối nhau dài như vô tận tiếp tục thử thách chúng tôi. Hai bên là núi non trùng điệp, không ai bảo ai, bất giác cùng đưa máy lên để ghi lại khung cảnh hùng vĩ ấy. Mọi góc máy, mọi ngôn từ đều không diễn tả được sự hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng Tà Chì Nhù. Chỉ trong tích tắc, ánh sáng “rẽ” mây chiếu xuống thảm rừng xanh tuyệt đẹp.
Lần đầu tiên tôi được thấy nắng “chạy” theo gió trên triền xanh ngát, trông giống như ánh đèn chiếu trên sân khấu xanh mướt cho mây “nhảy” vũ điệu của gió, khiến cho người khách lữ hành ngất ngây mải miết. Vũ điệu ấy chưa kết thúc nhưng chúng tôi phải hò nhau đi trong tiếc nuối bởi đường còn dài lắm. Bước đi rồi mà dường như mây vẫn còn “đuổi bước” chúng tôi trên con đường mòn nhỏ xíu.
"Đặc sản" núi rừng.
Đường đi vẫn là vắt từ ngọn bên này sang lưng chừng ngọn bên kia, có đoạn như đang đi trên sống núi chỉ cần sơ sảy thôi thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sợ là thế nhưng cảm giác thật tự hào như đang được chế ngự và cưỡi trên lưng con hổ dũng mãnh. Qua sống núi với niềm tự hào của kẻ “cầm cương” chúng tôi đi xuyên qua khu rừng già đương mùa hoa đỗ quyên và lối mòn lát đầy hoa cỏ.
Khẽ nhón bước chân như sợ một cái cựa mình mạnh cũng làm hỏng kiệt tác thiên nhiên ấy, niềm ngất ngây chưa hết thì cả một rừng trúc mở ra trước mắt. Những cây trúc hai bên đường đan vào nhau tạo thành vòm đến lạ.
Đúng lúc gió qua rừng trúc, những cây cao vươn dài va thân, va lá vào nhau tạo thành một bản nhạc riêng có. Mới đi được một phần tư đoạn đường mà chúng tôi đã được thưởng thức nhiều “đặc sản” đến vậy. Bởi Tà Chì Nhù sòng phẳng lắm! Khó khăn, hiểm nguy là thế, nhưng đổi lại là thiên nhiên nơi này dành tặng cho chúng tôi những cảnh đẹp, những trải nghiệm không nơi nào có được. Bất giác, một bạn trong đoàn cất tiếng hát: “Tôi đang ở một nơi rất xa - nơi không có khói bụi thành phố, một nơi đẹp như mơ... Vượt suối thác, vượt núi dốc dù chênh vênh có sá gì. Có biết bao thứ tươi đẹp vẫn cứ ở đó đang chờ tôi”. Tất cả cùng cười giòn tan, xoa dịu đi cái mệt đang ngự trị.
Cứ qua những “món ngon” thì người lữ khách phải trả công cho “món ngon” tiếp theo. Chúng tôi đã xác định được quy luật ấy nên cứ thế mà đi, mà gắng sức. Cứ leo được một lúc, bất biết dưới chân là gì, mọi người có thể ngồi sụp xuống để nghỉ. Quá trưa mà không thể tìm được nơi để hạ “bàn” ăn, chúng tôi quyết định ăn trưa ngay trên con đường mòn nhỏ xíu, rồi lăn ra đất mà nằm nghỉ một vài phút, rồi lại hô hào nhau dậy và đi tiếp. Qua rất nhiều phép thử cả ý chí và lòng dũng cảm của thiên nhiên, đến 15h chúng tôi cũng đã tới vị trí có độ cao 2.600m so với mực nước biển. Bạn dẫn đường bảo: “Đây là điểm duy nhất có thể hạ trại được nếu không chúng ta đi quá chút nữa lên tới lán dê xin ngủ nhờ. Nhưng điểm đó không có nước”.
Sau một hồi bàn thảo, chúng tôi quyết định hạ trại tại đây. Nhanh tay, hai chiếc lều được dựng lên, rồi kiếm củi, dựng bếp để làm nóng đồ ăn mang theo. Về chiều, không khí càng lạnh, càng thấy quý giá cái bếp lửa.
Ngồi bên bếp, chúng tôi nhâm nhi ly cà phê tan, đón hoàng hôn xuống. Chao ôi, cái cảm xúc ấy thật đắt giá, không gì có thể mua được bởi nó được đánh đổi bằng lòng dũng cảm, ý chí của con người và chúng tôi tự hào về điều đó! Hoàng hôn xuống rất nhanh, nhưng ở đây, trên ngọn núi trong khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn này ánh trăng sẽ vừa kịp tới khi tia nắng cuối cùng tắt sau ngọn núi xa.
Chúng tôi khoe nhau những tác phẩm nghệ thuật trên đường đi, những cành lộc, những bông hoa nhỏ xíu vươn lên từ thân cây trụi trơ sau một đám cháy đã lâu như biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của núi rừng Tà Chì Nhù, hay những bông hoa đỗ quyên dịu dàng như làn môi của thiếu nữ...
Trong ánh sao đêm lung linh và niềm háo hức được chạm vào “giấc mơ mây” chúng tôi thiếp đi cùng tiếng ru của đại ngàn. Để rồi bừng tỉnh lúc 4h sáng, vội vàng thu đồ và tiếp tục hành trình lên đỉnh.
Chao ôi! Mới đi những bước đầu tiên thôi, chúng tôi đã bị gió gạt ngay tức thì. Chưa bao giờ tôi gặp gió mạnh đến như vậy, cảm giác như nếu chúng tôi không ngồi thụp xuống, bám vào mỏm đá thì người có thể bay ngay được. Không khí loãng, gió mạnh khiến việc thở thôi cũng khó khăn. Trong tiếng gió rít gào, cô bạn đồng hành quay sang thều thào: “Chỉ ước gió ngừng một phút thôi để em có thể thở”.
Tranh thủ lúc lặng gió 2-3 phút chúng tôi bước thật nhanh trên con đường dốc. Cho đến lúc này, tôi hiểu rõ ràng nhất câu: “Khi khó khăn tột cùng, con người ta sẽ tự tìm cho mình được lối thoát”. Ấy là lúc gió không ngừng, hết cơn gió này đến cơn gió khác, gió từ trái qua phải, phải qua trái, từ trên đỉnh xuống, từ dưới lên trên hay có khi là chéo sang... Chúng tôi bắt đầu biết chế ngự những cơn gió, tận dụng hướng gió. Những cơn gió như con ngựa bất kham và ta là người thuần phục xuất sắc “cưỡi gió” mà đi lên. Mây cũng theo những cơn gió mà xà xuống như thể chỉ cần với tay ra là có thể hái được mây.
Rồi chúng hòa vào nhau tạo thành “đại dương trắng” lửng lơ giữa trời. Thế mới nói, cái thú của chuyến đi xuyên rừng, men theo con đường độc đạo dẫn lên đỉnh núi kỳ vĩ là cảm xúc vỡ òa khi “cưỡi” được gió, ngắm những sóng mây phiêu lãng đãng. Rồi chúng tôi lại tiếp tục băng qua sống núi đá hai bên là vực sâu xanh mướt, lác đác đàn dê thong thả... Hình ảnh ấy chỉ có thể thấy trên phim ảnh, nhưng giờ lại chân thực ngay trước mắt chúng tôi - trên đỉnh Tà Chì Nhù này.
Chỉ còn một chút là tới đỉnh, nhưng cứ đi mươi bước thì phải nghỉ. Ngồi ở độ cao 2.885 mét so với mực nước biển, quay lại nhìn quãng đường đã qua. Tít cao, trời vẫn xanh lồng lộng, xa ngút tầm mắt vẫn là những biển mây, những dãy núi trập trùng vô tận. Cảm giác như tất cả đã ở đây từ ngàn vạn năm rồi, gửi tặng riêng cho chính mình vậy. Suy nghĩ ấy đã khiến mấy đứa con gái lôi son tô cho thắm môi, đi nhận món quà nghìn năm của Tà Chì Nhù.
Đặt chân lên tới đỉnh, Từ đây, nhìn về bốn phía chỉ toàn là mây, những đỉnh núi Tà Y Chơ, Tà Xùa nhô lên giữa biển mây ấy thật đẹp. Mây trôi xa đến tận chân trời dần đổi màu xanh ngọc bích, lại ngược dòng chảy lên tận trên cao, tích tụ rồi đổ tràn lai láng xuống cõi trần gian. Dường như mây của ngàn năm, vạn năm vẫn giữ nguyên đến tận lúc này.
Trước khung cảnh ấy, bất kể ngôn từ nào dùng để diễn tả cũng trở nên thô kệch. Chúng tôi như cùng phiêu diêu với gió, mây để cùng tan ra trong đất trời này, cùng với tiếng gió gào rít như tiếng gọi của ngàn xưa vọng về.
Cũng đến lúc phải quay về, thời gian không còn nhiều nữa, chúng tôi phải chạy đua với thời gian để xuống núi. Cuộc gặp gỡ đất trời, của quá khứ và thực tại ở Tà Chì Nhù như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh, thêm vào hành trang xuống núi của chúng tôi là những kỷ niệm quý giá, là ý chí vượt lên chính mình, là chinh phục thiên nhiên, là “cưỡi gió”, “săn mây”... Thời gian không bao giờ trở lại và chúng tôi biết mình phải luôn nắm chặt những thứ quý giá ấy để bước về phía trước!
Thanh Ba - Lê Thương - Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Những ngày giữa tháng 5 lịch sử này, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang hướng về Lễ khai mạc Năm Du lịch Yên Bái 2017, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc. Những khâu cuối cùng cho công tác chuẩn bị đã hoàn tất, để sắc màu Yên Bái sẵn sàng tỏa sáng lung linh trong đêm khai mạc.
YBĐT - Sự nổi tiếng của Thác Bà chắc không phải bàn đến nữa vì nói về Yên Bái đã nghĩ ngay đến Thác Bà và ai đã đến với mảnh đất Yên Bái mà chưa đến thăm Thác Bà có thể coi là một thiếu sót vì đây không chỉ có công trình thủy điện nổi tiếng - đứa con đầu lòng của thủy điện Việt Nam, mà hồ thủy điện nhân tạo này còn là nơi sơn thủy hữu tình với những nét văn hóa độc đáo của cư dân bản địa.
YBĐT - Sẽ diễn ra 3 sự kiện chính: Lễ khai mạc Năm Du lịch; Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; lễ hội Bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà.
YBĐT - Cách thành phố Yên Bái chừng 80 km về phía Đông Bắc, qua cầu Tô Mậu, đặt chân lên xã Tân Lĩnh (Lục Yên), du khách sẽ bắt gặp ngay một quần thể di tích lịch sử văn hóa linh thiêng và độc đáo, đó là Di tích chùa Tháp Hắc Y - đền Đại Cại.