Được khởi công xây dựng năm 1982 và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày sinh của Bác, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có khuôn viên rộng hơn 2 ha. Tại đây, ngôi nhà sàn mộc mạc, xinh xắn được thiết kế phỏng theo nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội ở vị trí trung tâm thị xã Nghĩa Lộ.
Ngay trước ngôi nhà sàn là ao cá Bác Hồ được thiết kế theo sơ đồ địa lý hành chính của huyện Văn Chấn cũ. Ngoài cùng là vườn cây trĩu quả với gần 500 loại.
Theo chân chị Nguyễn Thu Phong – tuyên truyền viên của Khu tưởng niệm, tôi cùng đoàn các em học sinh đã thắp nén hương thơm, tỏ lòng thành kính và báo cáo với Bác về những thành tích trong công việc đã đạt được trong thời gian qua.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ là địa chỉ đỏ trong tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của Bác đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Tạm chia tay ngôi nhà sàn với nhiều cảm xúc, hướng sang phía bên phải là Bảo tàng Hồ Chí Minh Nghĩa Lộ. Đây là 1 trong 13 chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nơi đây đang lưu giữ và bảo quản gần 200 cuốn sách và trên 1.000 tranh ảnh, bút tích, các thước phim tư liệu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác.
Các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Quang Bích tìm hiểu về lịch sử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Nghĩa Lộ.
Trong số những tài sản quý giá ấy có một bộ quần áo ka-ki, chiếc mũ, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, chiếc gậy trúc được làm phỏng theo những hiện vật của Bác trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương. Là nơi nhân dân bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác, nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Căng và Đồn là điểm đến thứ hai trong hành trình thăm các địa chỉ đỏ tại thị xã miền Tây của chúng tôi.
Nhà bia tưởng niệm khắc tên 403 liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ.
Đây là nơi đã từng diễn ra cuộc bạo động phá Căng của các chiến sĩ cộng sản chốn lao tù ngày 17/3/1945, ghi nhận chiến công của quân và dân ta trong trận đánh Phân khu quân sự Nghĩa Lộ của thực dân Pháp năm 1952, giải phóng Nghĩa Lộ, mở đường tiến vào giải phóng hoàn toàn Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Khuôn viên Khu Di tích rộng 2,5ha rợp bóng cây xanh với 3 khu chính: khu tượng đài chiến thắng, khu nhà bia khắc tên 403 liệt sỹ, khu mộ và đài tưởng niệm 9 liệt sỹ tù chính trị hy sinh trong cuộc bạo động phá Căng vượt ngục ngày 17/3/1945. Kính cẩn thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, ghi ơn các anh hùng liệt sỹ và được nghe kể về những chiến công của quân và dân ta, tôi như được sống trong thời khắc lịch sử hào hùng ấy.
Xứng đáng là địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nhiều năm qua, Ban quản lý Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với phòng giáo dục - đào tạo các huyện, thị miền Tây cũng như các trường học trên địa bàn tổ chức các chương trình hoạt động giáo dục ngoại khóa, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và nhân dân tham gia.
Những địa chỉ đỏ tại thị xã miền Tây không chỉ là điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào cho các thế hệ trẻ, giúp các em có thái độ, hành vi tích cực bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như thêm nỗ lực học tập, rèn luyện, trưởng thành để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương.
Thu Trang – Văn Tuấn – Hoài Văn