Chào mừng Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2017

Độc đáo Hạn Khuống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/9/2017 | 7:59:11 AM

YBĐT - Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái, nơi để cộng đồng giao lưu, tâm sự, chia sẻ, cũng là sân chơi cho nam thanh, nữ tú tìm hiểu, kết duyên. Ngày 23/9 tới đây, Hạn khuống của người Thái Mường Lò sẽ được trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia,

Khi đặt chân đến Nghĩa Lộ - Mường Lò, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, du khách sẽ được hòa mình vào điệu xòe bất tận, ẩm thực riêng biệt của đồng bào Thái. Một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo là sinh hoạt Hạn khuống - nơi trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, nơi các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau, để rồi kết tóc se duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cứ thế, Hạn khuống được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Loại hình nghệ thuật này được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái.
 
Chỉ là một môi trường để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sống, tâm sự nhưng dân bản mà phải cầu kỳ dựng sàn giữa một khu đất trung tâm cho mọi người cùng tham gia, vì trước đây bản làng thưa thớt, rừng núi hoang vu, rậm rạp, nhiều thú dữ nên phải dựng sàn ở ngoài sân, nơi thoáng đãng, đốt lửa lên để tránh thú dữ, côn trùng.
 
Cũng như nhà sàn của cộng đồng vậy, sân chơi Hạn khuống thể hiện đặc thù cộng đồng. Bởi thế, chắc chắn rằng, nghệ thuật này đã ra đời và tồn tại từ rất lâu trong đời sống của tộc người, gắn liền với lịch sử cư trú, bản sắc văn hóa, truyền thống đấu tranh của cộng đồng.
 
Anh Chu Tiến Luật ở xã Nghĩa An nhớ lại: "Hồi còn bé, mình đã được nghe bà, mẹ hát khắp và được đi xem hội Hạn khuống. Ở đây, trai gái đều hát khắp, đối đáp với nhau, giao duyên với nhau. Trong mùa xuân, đặc biệt là ngày lễ tết, bản thân mình cũng tham gia lễ hội Hạn khuống với mong muốn tìm được một người bạn gái để xây dựng gia đình...”.

Theo đó, sàn Hạn khuống được làm từ vật liệu bằng tre, có thể bằng gỗ. Kích thước sàn cũng không bắt buộc phải tuân theo khuôn mẫu nào. Nhưng để tiện dụng, người ta thường làm mặt sàn hình vuông, diện tích khoảng từ 20 - 30 m², cao 1 - 1,5 m. Hình thức giống như phần chái của ngôi nhà sàn Thái, sàn lát bằng tre hoặc phên nứa. Bao quanh sàn là một hàng chấn song bằng tre thưa và cao khoảng 40 – 50 cm, đan hình mắt cáo (bằng tre tươi, còn màu xanh), chủ yếu mang tính trang trí, hoa văn đặc trưng của dân tộc Thái.
 
Sàn gồm 5 - 6 hàng cột bằng tre, lối lên xuống được nối bởi một cầu thang ba, năm hoặc chín bậc trên sàn Hạn khuống có đặt một bếp lửa ở vị trí trung tâm, chu vi chừng 4 m, có 5 cây tre hoặc hóp thẳng, chỉ để lại ít lá trên ngọn gọi là "lắc sáyk” giống như cây nêu ngày tết của người Việt.
 
Trong 5 cây có 1 cây cao hơn, to và đẹp nhất gọi là cây "lắc sáyk cốc” (gốc sàn). Cây này dựng ở vị trí trung tâm, sát với bếp lửa, tượng trưng cho trụ của đất trời. Bốn cây còn lại dựng ở bốn góc sàn Hạn khuống do 4 cô "Sao tổn khuống” làm chủ tượng trưng cho 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên sàn còn đủ thứ đồ cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: vòng quay, kéo sợi, đan lát, thêu thùa…
 
Tham gia Hạn khuống thường có khoảng từ 5 - 10 đôi trai gái. Các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục váy áo cỏm truyền thống, vấn tóc đẹp, đội khăn piêu. Các chàng trai tay cầm khèn cái pí đệm cho những câu khắp tình tứ lúc giao duyên. Khi ánh sáng của bếp lửa bùng lên cũng là lúc bắt đầu đêm Hạn khuống.


Một tiết mục tái hiện sinh hoạt Hạn khuống.

Trước kia, Hạn khuống được tổ chức một đến hai năm một lần, theo mùa vụ nông nghiệp nhưng từ năm 2010, Nghĩa Lộ đã tiến hành khôi phục và tổ chức hàng năm để phục vụ Chương trình Du lịch về cội nguồn diễn ra ở 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai. Từ đó đến nay, Hạn khuống được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân, phục vụ nhu cầu vui tết, chơi xuân của cộng đồng. Ngoài ra, trong tuần văn hóa du lịch Hạn khuống vẫn được tổ chức phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
 
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn khuống, UBND thị xã đã có những giải pháp cụ thể: tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy những bài khắp cho tất cả các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ và một số xã trong vùng lòng chảo Mường Lò; đưa nghệ thuật trình diễn "Hạn khuống vào phục vụ những tuần văn hóa du lịch địa phương. Ngày 23/9 tới đây, vinh dự cho đồng bào Thái vùng Mường Lò, Hạn khuống sẽ được trao bằng công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Mỗi dịp lễ hội, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đến xem và tìm hiểu. Hạn khuống không chỉ toát lên vẻ đẹp tâm hồn của những chàng trai, cô gái Thái mà còn giới thiệu tới du khách những trò chơi dân gian đặc sắc, đặc trưng của người Thái ở vùng đất mê đắm lòng người này.

Trần Minh

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục