Chào mừng Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2017

Miền Tây trước ngày khai hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/9/2017 | 8:18:48 AM

YBĐT - Cứ mỗi độ tháng 9, khi lúa Mường Lò thơm ngát, lúa trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng cũng là dịp để khu khách đến với các Tuần Văn hoá - Du lịch (VHDL) miền Tây. Tuần Văn hoá - Du lịch Mường Lò đã trở thành thương hiệu du lịch của thị xã Nghĩa Lộ, Lễ hội khám phá Danh thắng Ruộng bậc thang là thương hiệu của Mù Cang Chải nói riêng, của tỉnh Yên Bái nói chung. Thời điểm này, mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất.

Biểu diễn nghệ thuật trong Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2016. (Ảnh: KT)
Biểu diễn nghệ thuật trong Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2016. (Ảnh: KT)

Đất trời Mường Lò đương thu. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khuôn mặt người dân nơi đây hiện lên niềm vui chờ đón ngày hội, chờ đón du khách. Trong dòng người hối hả ấy, ở một góc nhỏ của bản làng người Thái, nghệ nhân Lò Văn Biến đang hoàn thành những câu chúc bằng chữ Thái mà đoàn phường Trung Tâm sẽ dành tặng du khách trong đêm diễu diễn trước lễ khai hội. 

Con người đã dành cả cuộc đời của mình cho tình yêu văn hóa dân tộc Thái như ông Biến thì có lẽ, mỗi mùa lễ hội là ông lại thêm phần phấn khởi, bởi những nét văn hóa Thái đang được gìn giữ. Ông chia sẻ: "Vui lắm chứ! Vui vì văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ; vui vì những nét văn hóa ấy là điều thu hút được du khách đến với Mường Lò. Người Mường Lò đón du khách bằng sự chân thành, hiếu khách, bằng tình cảm đầm ấm như đón người thân trở về. Vậy nên, những câu chúc này là tự tận sâu trong tình cảm của người Mường Lò dành cho du khách”. 

Chữ Thái cổ Mường Lò không mới, nhưng cách thể hiện tình cảm của người Mường Lò qua câu chúc bằng chữ Thái cổ lại là điểm mới, là tấm chân tình sẽ mang tới nhiều cảm xúc cho du khách.

Lễ hội Mường Lò phô diễn những nét đẹp chẳng năm nào giống năm nào, bởi sự tìm tòi và những nét mới, đặc sắc trong mỗi mùa lễ hội sẽ mang tới sự khác biệt cho du khách. Chiếc khèn bè lớn đã được dựng ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã và ai đi qua cũng phải trầm trồ, ngắm nhìn, thán phục. 

Chị Lò Thị Đảm ở xã Nghĩa An, ngày nào đi chợ qua đây cũng phải dừng vài phút để ngắm nhìn chiếc khèn mà chỉ ngày mai thôi sẽ xác lập kỷ lục chiếc khèn to nhất Việt Nam. Chị Đảm phấn khởi chia sẻ: "Tôi đã lớn lên trong âm thanh của khèn bè. Những ngày lễ tết, vui hội, múa xòe đều có khèn bè. Nó thân quen lắm! Nhưng các nghệ nhân đã làm chiếc khèn rất to này thì nhìn vừa quen lại vừa lạ. Nghe các bác ấy bảo đây là chiếc khèn bè lớn nhất nước mình thì tự hào lắm. Bọn trẻ thích đến nỗi, cứ khi nào các nghệ nhân tập luyện là chúng lại vây kín để xem”. 

Có lẽ cái đích đến của việc xác lập cây khèn bè lớn nhất Việt Nam của những người tổ chức lễ hội không phải là kỷ lục, mà hơn cả, đó là khơi gợi lại niềm đam mê chế tác khèn bè trong nhân dân; khơi gợi niềm tự hào dân tộc để bảo tồn, lưu giữ nhạc cụ được coi là linh hồn của dân ca, dân vũ dân tộc Thái. Minh chứng là niềm tự hào của người dân, là sự tò mò thích thú của những đứa trẻ nhỏ ở những buổi tập... Còn ngày mai, khi mà chiếc khèn được xác lập kỷ lục, thì có lẽ niềm tự hào đó, mong muốn gìn giữ khèn bè sẽ còn lớn hơn rất nhiều nữa trong lòng những người dân Mường Lò. 

Chị Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ đang hối hả chỉ đạo hoàn thành những công việc cuối cùng chuẩn bị cho lễ khai mạc, phấn khởi chia sẻ: "Các công việc đã hoàn tất. Lễ hội VH - DL Mường Lò năm nay sẽ thực sự khác biệt, hấp dẫn. Đó là món quà của Nghĩa Lộ, Mường Lò dành tặng cho những du khách nhiều năm nay có tình cảm đặc biệt với vùng đất này và dành tặng những du khách lần đầu đến với Nghĩa Lộ. Chắc chắn, du khách sẽ ngợp trong lễ hội lung linh sắc màu các dân tộc vùng Mường Lò”. 

Lời chia sẻ như lời mời gọi ấy của chị Vân, hứa hẹn một bữa tiệc đa sắc màu văn hóa, mãn nhãn, thỏa lòng cả du khách lẫn người dân bản địa.

Mường Lò đã thay áo chờ đón khai hội, bởi trên các tuyến phố chính của thị xã Nghĩa Lộ đã rực rỡ cờ hoa. Bản sắc, đặc trưng trong văn hóa của người Thái đã được phô bày một cách khéo léo trên những dải đèn trang trí ngang đường, trên những tấm pa - nô với những nét họa tiết, hoa văn thổ cẩm, hình "Khau cút” trên nhà sàn truyền thống, hình hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc...
 
Những chi tiết nhỏ ấy, cũng được chính quyền và nhân dân vùng Mường Lò chú ý, bởi đó là văn hóa, là thể hiện sự tôn trọng với khách, tôn trọng với văn hóa của mình. Đối với các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, thì có lẽ sự chuẩn bị cầu kỳ hơn rất nhiều. Những bộ chăn ga thơm phức mùi nắng, những bồ thóc mới, những con gà, con vịt đã nhốt đầy chuồng... tất cả để phục vụ du khách.
 
 
Các hộ kinh doanh dịch vụ cộng đồng sẵn sàng đón khách.
 
Chị Hoàng Thị Chinh - hộ kinh doanh Homestay ở xã Nghĩa An chia sẻ: "Trước hội hơn một tháng, chúng tôi được tập huấn tiếng Pháp chào hỏi cơ bản, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng phục vụ du lịch cộng đồng... Gia đình tôi cũng đã chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất ăn nghỉ để đón du khách, chuẩn bị nguồn thực phẩm sạch, nhiều món ăn truyền thống của dân tộc được các gia đình khai thác và nhận được phản ứng rất tốt từ thực khách”. Có thể thấy, các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội Mường Lò.

Kiểm tra các phần việc cho lễ khai mạc lần cuối, bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất từ màn nghệ thuật trong đêm khai mạc, diễu diễn đường phố, các hoạt động song hành... Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ đã được triển khai có phương án chi tiết cho từng hoạt động”.

Mường Lò khai hội, không đơn thuần là thương hiệu du lịch của một vùng đất, mà đó còn là tự hào của các dân tộc Mường Lò - Yên Bái.

Thanh Vy

Các tin khác
Vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Cứ ngỡ như trời tạo hóa hình thành, sắp đặt nên những tầng nấc ruộng bậc thang, nhưng kiệt tác hiếm có trong nền văn minh lúa nước Việt Nam lại do đồng bào Mông sáng tạo ra. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn thành từng đợt sóng vàng khắp sườn núi, lớp nọ gối lớp kia trải dài đến bất tận…

YBĐT - Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái, nơi để cộng đồng giao lưu, tâm sự, chia sẻ, cũng là sân chơi cho nam thanh, nữ tú tìm hiểu, kết duyên. Ngày 23/9 tới đây, Hạn khuống của người Thái Mường Lò sẽ được trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia,

YBĐT - Thưa quý vị và các bạn! Mường Lò - mảnh đất sinh ra những cô gái Thái da trắng, tóc dài, áo cỏm lưng thon. Những bàn tay khéo léo của người con gái Thái lại dệt nên những hoa văn thổ cẩm đầy màu sắc mà ở đó cảnh sắc thiên nhiên con người đều gửi hồn trong đó như một lời tự tình mời gọi khách phương xa.

Homestay ở bản Thái, xã Kim Nọi là địa điểm hút khách du lịch.

YBĐT - Toàn huyện Mù Cang Chải hiện có 51 nhà hàng ăn uống, 50 nhà nghỉ và nhà nghỉ cộng đồng (homestay) tập trung ở thị trấn Mù Cang Chải, các xã La Pán Tẩn, Nậm Khắt và Cao Phạ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ cho khoảng 1.500 khách.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục