Hồ Thác Bà - Viên ngọc xanh giữa trời Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/11/2017 | 7:50:49 AM

YBĐT - Trong hành trình khám phá du lịch vùng Tây Bắc của Tổ quốc, hồ Thác Bà là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu của mỗi du khách. 

Hồ Thác Bà - “Hạ Long trên núi”. (Ảnh: Thanh Miền)
Hồ Thác Bà - “Hạ Long trên núi”. (Ảnh: Thanh Miền)

Nơi đây được ví như một viên ngọc quý, một "Hạ Long trên núi" của vùng Tây Bắc. Là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có diện tích rộng khoảng 20.000 ha với trên 1.300 hòn đảo lớn nhỏ đã tạo cho hồ Thác Bà một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.


Đến với hồ Thác, du khách có thể thỏa mãn ngắm nhìn biển nước mênh mông, những đảo cây ngút ngàn soi bóng xuống mặt hồ xanh ngắt. Con người nơi đây cũng hết sức thân thiện và mến khách.

Ai đã một lần ghé thăm hồ Thác Bà chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng và lưu luyến không quên một hồ Thác trong xanh, nên thơ và kỳ vĩ. Không chỉ cung cấp nguồn nước để phát điện lưới quốc gia, hồ Thác Bà còn là khu sinh cảnh thiết yếu bảo đảm không khí trong lành và điểm dừng chân của các tour du lịch tâm linh.
 
Cùng với sự phát triển và nhu cầu của du khách, hiện nay, các đơn vị chức năng đã xây dựng một số tour du lịch như: Thủy điện Thác Bà - Phúc An - Xuân Long; Thác Bà - Ngòi Tu - động Thủy Tiên, Thác Bà - đát Ô Đồ - động Thủy Tiên; các tour du lịch tâm linh tại: đình Khả Lĩnh, chùa Nổi, đền Mẫu Thác Bà… 

Tham gia vào các tour du lịch hồ Thác, du khách có thể tận mắt ngắm nhìn và hòa mình với thiên nhiên trong lành, quên hết những lo toan, mỏi mệt của nơi phố thị.

Từ cảng Hương Lý, sau khoảng một giờ lênh đênh trên sóng nước, thuyền sẽ đưa du khách cập bến ghé thăm động Thủy Tiên. Đây là một trong những hang động lớn nhất trên hồ Thác Bà, có nhiều vẻ đẹp độc đáo khi nằm sâu trong lòng núi đá dài khoảng hơn 100 m. 

Đi sâu vào trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng từng nhũ đá lấp lánh, nhìn từ xa như những ánh sao đêm. Những giọt nước nhỏ từ trên cao xuống được những tia nắng chiếu vào tạo ra ánh sáng muôn sắc màu lung linh, huyền ảo.

Rời hệ thống hang động tuyệt mỹ của vùng hồ, thuyền tiếp tục đưa du khách đến thăm Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam sừng sững hiên ngang ngay trên bát ngát biển hồ. 

Được tận mắt tham quan công trình lịch sử của đất nước, nghe kể câu chuyện về những con người ngày đêm tận tụy xây dựng nên Nhà máy, mỗi du khách sẽ không khỏi xúc động và thêm tự hào về truyền thống dân tộc vẻ vang, sự hy sinh của thế hệ cha anh.
 
Kết thúc hành trình tham quan Nhà máy Thủy điện Thác Bà, du khách còn có thể kết hợp đến thăm đền Mẫu Thác Bà - một địa điểm du lịch tâm linh cách đó không xa. Đền tọa lạc trên núi Hoàng Thi, với thế tựa lưng vào núi, nhìn ra sông Chảy theo hướng Đông Đông Bắc, xa xa là núi Cao Biền. Từ lâu, đền Mẫu Thác Bà đã nổi tiếng là chốn linh thiêng, được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2004.

Trong chuyến hành trình tham quan đặc biệt trên hồ Thác, du khách còn có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất ngọc Lục Yên thăm hang Chùa São, đền Đại Cại... Bên cạnh đó, đối với những du khách thích khám phá thiên nhiên và mong muốn hòa mình vào thiên nhiên, có thể kết hợp tham quan hồ Thác Bà theo tour du lịch cộng đồng Ngòi Tu - hồ Thác Bà.
 
Về với làng văn hóa Ngòi Tu - nơi sinh sống của người Dao, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống thư thái dưới những mái nhà sàn thấp thoáng giữa rừng cọ, tìm hiểu nghề đan rọ tôm truyền thống, ngắm những thiếu nữ Dao má đỏ hây hây trong trang phục dân tộc rực rỡ.
 
Đặc biệt, mỗi khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa trại bập bùng, du khách sẽ được nghe những làn điệu dân ca say đắm lòng người và thưởng thức hương vị tinh tế của những món ăn như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, thịt gà nấu măng chua hay món gỏi cá, nộm tôm... Hầu hết, các bản làng ven hồ Thác giờ vẫn giữ được nét hoang sơ, cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... với nhiều lễ hội đặc sắc.

Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác lần này sẽ là "cơ hội vàng" đánh thức tiềm năng du lịch, đồng thời tạo nền móng vững chắc, mang lại diện mạo mới để du lịch Yên Bái nói chung và du lịch vùng hồ Thác Bà nói riêng phát triển bền vững.

Lê Thương

Các tin khác
Vườn bưởi của gia đình ông bà Nguyễn Văn Đông - Nguyễn Lê Hằng Nga ở thôn Quyết Tiến 11.

YBĐT - Đón bao mùa bưởi chín, ông Khải da diết hoài nhớ mùa hoa khởi đầu của trái ngọt dâng đời: "Em bảo sẽ về thăm quê anh/ Vào giữa mùa xuân ngày lễ hội/ Cùng dòng người rước nước giếng thiêng/ Cùng dâng hương trước ngôi đình cổ/ Được ngắm hoa bưởi trắng làng quê”.

Các thiếu nữ tham gia bóc bưởi trong Lễ hội Bưởi Đại Minh.

YBĐT - Lễ hội Bưởi Đại Minh và Đua thuyền trên hồ Thác Bà sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/11. Đây là hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2017 Lào Cai - Tây Bắc. Để có thông tin cụ thể hơn về Lễ hội, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Thị Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình.

Toàn cảnh Hội thi Khéo tay làm cốm.

YBĐT - Trong 2 ngày 30 và 31/10 (tức 11 và 12/9 năm Đinh Dậu), Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Đông Cuông đã phối hợp với UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên tổ chức lễ hội Cơm mới năm 2017. Đồng chí Dương Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dâng hương tại đền Mẫu Thượng Ngàn và tham quan Hội thi Khéo tay làm cốm.

Khách du lịch tham quan vùng chè cổ thụ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng - homestay hay du lịch sinh thái ở Yên Bái đặc biệt phát triển tại khu vực các huyện, thị miền Tây của tỉnh. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục