Câu chuyện của Sa - em gái Thái Mường Lò bản địa về bát cơm gạo mới mỗi mùa gặt cứ đầy lên niềm hãnh diện tẻ thơm đất này. Sa bảo: làm nông, thích nhất là những mùa gặt. Chộn rộn gặt hái khắp cánh đồng, ngan ngát mùi rơm rạ suốt từ ruộng tới đường vào bản và nhất là cứ thơm bùi mùi cơm gạo mỗi nếp nhà làng bản.
Làm du lịch cộng đồng, bữa cơm cho du khách của nhà Sa đủ các đặc sản nơi đây và cơm gạo lúc nào cũng phải là thứ gạo ngon nhất đồng đất này. Đơm bát cơm mời khách, Sa chẳng bao giờ quên lời giới thiệu: "Là cơm gạo nổi tiếng quê em đấy. Ai chưa từng ăn thì ăn rồi muốn ăn nữa. Ai từng ăn sẽ muốn ăn lại. Em nói chẳng sai chút nào đâu".
Bát cơm nóng hổi tỏa thơm theo làn khói trắng như đã phần nào minh chứng lời nói nơi khóe miệng tươi rói của cô gái Mường Lò. Sa kể, lần có anh khách Tây cứ ngần ngừ trước bát cơm trắng vì chưa ăn cơm Việt bao giờ.
Ấy thế, hôm rời Mường Lò, lại bảo chẳng biết bao giờ được trở lại nơi đây thưởng thức những bữa cơm thế này. Sa lại kể, những khách ta sành ẩm thực, ngửi mùi cơm đầu bữa đã tra ngay tên gạo, rồi lúc về thể nào cũng la theo chẳng nhiều thì ít, vừa cho mình vừa làm quà cho người. Bởi thế, nói chuyện gạo tẻ quê mình, bảo sao Sa không hãnh diện cho được.
Nghe khách đến nhà khen xôi dẻo, gạo thơm; mê pa pỉnh tộp, lợn sấy; thích rau ban, măng rừng… mà nơi khóe miệng của Sa lại ngọt ngào những câu ca của xứ này: "Muốn ăn gạo trắng nước trong, vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò", "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò"...
Rồi Sa kể câu chuyện mà những người già trong bản vẫn thường hay kể. Rằng, người Thái đen đã định cư tại Mường Lò từ thế kỷ XI và xây dựng nên vùng đất tổ tiên của họ ở đây. Ngày ấy, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đưa người Thái từ Vân Nam (Trung Quốc) xuôi theo sông Hồng xuống phía Nam tìm vùng đất mới.
Khi tới vùng Mường Lò đất rộng tươi tốt đã cùng nhau khai hoang vỡ đất. Sau, Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) dựng bản cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Tạo Xuông ở lại cùng con trai Tạo Lò lãnh đạo người Thái đen khai phá nên đất Mường Lò.
Văn hóa Thái tại Mường Lò gắn liền nền văn minh lúa nước, từ ăn, ở, lễ hội, vui chơi, nhạc cụ… đều gắn với công việc của người trồng lúa. Sa khoe, "pí phương" là loại sáo được làm bằng gốc rạ rỗng lòng, thường được ngân lên réo rắt sau mỗi mùa gặt.
Rồi Sa lại bảo: "Mỗi lời ca, điệu xòe người Thái chúng em đều gửi gắm mong ước của người trồng lúa, mong cho "Lúa tốt như bãi gianh đầu bản, như rừng ngõa đầu mường" hay dân ca Thái có câu rằng: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ"…
Thưởng thức hương vị dẻo thơm cơm gạo, nghe tích xưa đồng đất nơi này từ cô gái Mường Lò mà không biết bao du khách muốn được mục sở thị ngay cánh đồng làm nên vị dẻo thơm hạt gạo ấy. Vòng qua mấy bản làng trên chiếc xe đạp, thả tầm mắt xa tít mù giữa mênh mang đồng ruộng mà du khách cứ ngỡ ngàng bởi chẳng nghĩ giữa vùng núi non lại có cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn làm vậy.
Cánh đồng Mường Lò Văn Chấn- Nghĩa Lộ.
"Nhất Thanh, nhì Lò" - câu ca từ lâu đã khẳng định vị thế quy mô của cánh đồng Mường Lò trong vùng Tây Bắc với diện tích gần 3.000 ha, trong đó diện tích thuộc huyện Văn Chấn là 1.500 ha và thuộc thị xã Nghĩa Lộ là 700 ha. Nhưng đồng đất Mường Lò nếu chỉ rộng lớn thôi thì chưa đủ kết tinh nên hạt gạo dẻo thơm.
"Đây là vùng đất dốc tụ được kiến tạo từ hàng triệu năm trước do ngòi Thia và hàng chục dòng suối lớn nhỏ mang phù sa từ trên các sườn núi bồi đắp nên cánh đồng. Biên độ nhiệt ngày đêm tại đây khá lớn, số giờ nắng cao, tạo điều kiện cho cây lúa tích lũy dược chất khô, nguồn nước trong sạch của các con suối giúp gạo Mường Lò thơm và vị đậm đà. Nhờ những điều kiện địa lý đặc thù, nhiều giống lúa khi trồng tại cánh đồng Mường Lò đều trở lên thơm ngon, đặc biệt là giống lúa Séng cù và Hương chiêm" - những cơ sở khoa học được anh Đỗ Tuấn Anh - cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ cung cấp minh chứng cho chất lượng gạo Mường Lò.
Số liệu từ Phòng Kinh tế thị xã thì sản lượng của cánh đồng Mường Lò từ 30.000 - 32.000 tấn mỗi năm, trong đó các loại lúa đặc sản khoảng 10.000 tấn. Hương chiêm được đưa vào thử nghiệm tại Mường Lò từ sau năm 1990, còn Séng cù là sau năm 1998. Thích nghi thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn đồng đất Mường Lò, từ các giống lúa thuần có nguồn gốc Trung Quốc, Séng Cù và Hương chiêm đã dần thay thế các giống lúa lai hoặc các giống lúa khác tại Mường Lò. Người làm nông ở Mường Lò vẫn ví thứ lúa này là hạt ngọc trời ban cho người dân nơi đây, làm nên đặc sản, danh tiếng cho tẻ thơm Mường Lò.
Nói về độ dẻo thơm của hai loại gạo này, anh Đỗ Tuấn Anh mô tả: "Gạo Séng cù Mường Lò hạt thon, dài, chắc, đều, ít bị gãy vỡ, màu trắng ngà, hơi bóng; mùi thơm đậm; ăn có vị ngọt đậm và bùi, độ dẻo cao, giá trị dinh dưỡng cao. Gạo Hương chiêm Mường Lò thì hạt nhỏ thon dài, cũng ít bị gẫy vỡ; có mùi thơm nhẹ; cơm có vị đậm, hương thơm nhẹ, dẻo và cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Thơm ngon là vậy nên cả Séng cù và Hương chiêm Mường Lò đã được nhiều người sành ẩm thực Việt biết đến".
Nói chuyện được ưa chuộng, nhiều thương nhân kinh doanh gạo ở Mường Lò cho hay, từ Mường Lò, Séng cù, Hương chiêm đã được tiêu thụ ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, sản lượng chẳng đủ cung cấp cho thị trường. Chỉ tính riêng Vinafood nhập hàng năm của một doanh nghiệp địa phương từ 500-600 tấn gạo để cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội và các thành phố lớn. Khách đến Mường Lò cũng đều mua Séng cù hoặc Hương chiêm về làm quà.
Mới đây, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò" cho sản phẩm gạo Séng cù và Hương chiêm, đang đề nghị được công nhận, tiếp tục khẳng định thêm chất lượng, danh tiếng và nâng tầm hạt gạo Mường Lò và để câu ca về xứ này càng thêm đúng:
"Mường Lò gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về".
Thu Hạnh