Sau bao nhiêu bộn bề công việc, nên mãi đến cuối năm ngoái tôi mới lại có dịp trở lại Trạm Tấu. Nhiều cảm xúc thật mới lạ, nên phóng tay viết mấy kỳ về du lịch và tiềm năng du lịch ở Trạm Tấu.
Thế rồi, lại ngẫu hứng đăng bài của mình lên facebook và kết cục là liên tục nhận được comment, điện thoại của bạn bè gần xa hẹn sau tết sẽ lên Yên Bái để du xuân Trạm Tấu, với mong muốn được tôi làm "hướng dẫn viên".
Chẳng thể từ chối nhã ý của bạn bè, bởi đấy là cái tình, cái ưu ái của bè bạn dành cho mình trước thềm xuân. Nhưng thú thực, cái công việc biên tập mà người ta vẫn ví "bận hơn nuôi con mọn", nhất là dịp sau tết, nên mình đành thất hứa với bạn bè trong vai trò làm hướng dẫn viên.
Thay vào đó, chỉ còn cách là tôi nhờ mấy anh em thân cận ở Trạm Tấu giúp mình đón khách du xuân. Anh em lên đó vui lắm, bởi được chiêm ngưỡng cảnh sắc nơi đây đẹp lạ thường và đẹp hơn tất thảy những gì họ tưởng tượng trước khi đến. Và họ càng viên mãn hơn ở cái tình người Trạm Tấu.
Giờ ăn cơm, anh em cứ tíu tít điện về: "Anh ơi! Em đang ăn tối và các anh ở Trạm Tấu nhờ em uống giúp cho anh chén rượu xuân đây này!"; "Anh ơi! Tối nay chúng em ngủ trong bản và múa xòe anh ạ!"...
Trở về thành phố Yên Bái, anh em quây quần bên mâm rượu và bao nhiêu cảm xúc như thể vỡ òa. Nhã Văn - cô bạn ở tận Ninh Bình đi cùng các bạn từ Hà Nội bảo rằng: "Em cứ ngỡ đi lên Trạm Tấu xa và khó đi lắm. Ai dè, tinh mơ đi từ Hà Nội qua Thanh Sơn, Tân Sơn của Phú Thọ thì lên đây mới quá trưa một chút. Đường rất dễ đi".
Thế rồi, hết người này, người khác lôi điện thoại ra khoe: "Em còn rất nhiều kiểu ảnh cực đẹp chưa kịp đưa lên "phây" đây này". Tôi cứ gọi là mỏi mắt để xem ảnh của bạn bè. Người thì khoe được chụp chung với cô gái Mông rõ là xinh; người khoe có kiểu ảnh được ngoắc tay uống rượu cùng cô gái Thái trong bản nhà sàn; rồi là ảnh chụp tắm suối nước nóng, chụp bên rừng đào khoe sắc thắm mùa xuân; ảnh chụp bên những cánh đồng bậc thang mới cấy; bên nương hoa cải vàng hoe trong nắng mới...
Đang say sưa trò chuyện, khoe những tấm hình đẹp và độc lạ, Quách Minh Tuấn - người gốc Thanh Hóa đang làm công tác ở Hà Nội cất lời: "Nói chung là mãn nhãn một chuyến "phượt" ông ạ! Chỉ tiếc là chưa lên được đỉnh Tà Chì Nhù, bởi theo các anh em ở Trạm Tấu bảo rằng, thời điểm ngay sau tết mà lên đó thì chưa có biển mây vì tiết trời đang có mưa phùn nên trên đó mù mịt lắm. Thêm nữa, trời mới qua đông nên rừng còn khô xác, cây chưa nảy lộc nhiều và nở hoa. Thế nên, tôi đành phải hẹn các bạn ở trên đấy là vào thời điểm khí hậu, thời tiết thích hợp, tôi sẽ quay lại Trạm Tấu. Anh trên đó cũng mong như vậy".
Chia tay những người bạn đã lâu ngày gặp lại, thì ngay lập tức mấy đứa cháu học chuyên ngành du lịch lại điện lên: "Chú ơi! Chúng cháu muốn lên trên ấy làm đề tài thực tập. Chú quen địa bàn, chú chỉ giúp chúng cháu xem đi đâu ạ!".
Tôi bảo: "Các cháu cứ lên Trạm Tấu ấy! Tha hồ cái hay, cái đẹp, cái đặc thù mà vùng vẫy".
Bọn trẻ nghe có vẻ chưa tự tin lắm. Nhưng khi lên đó vài ngày là điện về tíu tít khoe chỗ này, chỗ kia thích lắm. Điều kiện sinh hoạt rất tiện lợi, giá cả tiêu dùng rất rẻ và nhất là những món ăn của đồng bào Mông, Thái chế biến theo hương vị ngày tết thì hấp dẫn vô cùng. Chúng quay những clip có nội dung quảng bá về du lịch Trạm Tấu gửi về nhờ tôi xem và nhờ góp ý.
Phải thừa nhận bọn trẻ bây giờ khá thật. Được học bài bản, góc nhìn về quảng bá, khai thác du lịch rất nhạy cảm, năng động và có chút can thiệp từ công nghệ nên các cháu đã làm được những clip dù chỉ là thực tập những nội dung đã tạo được sự hấp dẫn về tổng quan du lịch ở Trạm Tấu, với đỉnh Tà Chì Nhù, những cánh đồng bậc thang, thác nước, suối khoáng, đời sống cộng đồng các tộc người...
Mâm cỗ của đồng bào Thái, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.
Tuy nhiên, tôi vẫn góp ý với các cháu rằng, nội dung quảng bá cần tạo được sự cân đối cho các loại hình du lịch ở đây, kết hợp với việc tạo nên các điểm nhấn. Chẳng hạn, phải làm rõ được du lịch cảnh quan; du lịch cộng đồng là hai thế mạnh ở Trạm Tấu nhưng không chỉ quá chú trọng đến hình ảnh thực tế đang có mà cần lưu tâm đến các yếu tố tiềm năng, trong đó, có cả tiềm năng về du lịch mạo hiểm. Cần phải làm rõ được nét đặc thù văn hóa đặc sắc và đa dạng trong du lịch cộng đồng đối với tộc người Thái, người Mông là hai tộc người chiếm đa số ở Trạm Tấu. Trong đó, lưu ý quảng bá những nét đẹp trong kiến trúc, văn hóa, trang phục, lễ hội, ẩm thực, dân ca, dân nhạc và dân vũ...
Đồng thời, đừng quên lồng ghép hình ảnh của thiên nhiên tưởng như vô thường, nhưng đó lại là nét rất đặc trưng riêng có ở đất này, bởi đây là xứ sở của hoa đào, hoa mận, hoa ban, hoa cải, hoa tớ dày, hoa dã quỳ, hoa mua trên đỉnh Tà Chì Nhù cùng muôn loài kỳ hoa dị thảo ở trên rừng.
Các cháu nhận được những lời góp ý thì mừng lắm và thông báo: "Ở đây đang độ vui lắm chú ạ! Người dưới xuôi lên cũng đông, còn người bản xứ thì sau giờ lao động, đêm về lại xúng xính trong những bộ trang phục của người Mông, người Thái tụ về phố huyện vui xuân thật là náo nhiệt. Nghe các cháu kể chuyện đã thấy hấp dẫn, muốn lên ngay để hưởng cái không khí xuân ở vùng cao Trạm Tấu.
Và rồi, lại may mắn ngẫu nhiên được gặp những bạn bè ở Trạm Tấu tại một đám cưới, trong đó, có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu - Trịnh Văn Xuê. Anh Xuê phấn khởi cho hay: "Từ sau tết đến giờ, ngày nào cũng có khoảng 500 đến 700 người từ mọi nơi lên Trạm Tấu du xuân anh ạ!".
Tôi nói vui: "Một vài tết nữa thì con số ấy chắc chắn phải được tính bằng đơn vị hàng nghìn người". Chúng tôi cười vui, cùng nâng nâng ly rượu trong ngày xuân ấm, bắt tay nhau với cùng một niềm tin về những dự cảm của mình sẽ thành hiện thực tất yếu đối với một miền quê non xanh nước biếc đẹp tươi, mến khách và giàu tiềm năng du lịch.
Hoàng Nhâm