Có người từng nói: "Mù Cang Chải chỉ đẹp vào mùa lúa chín”, nhưng với tôi Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp. Đó là bởi mỗi lần đến đây, vào mỗi mùa khác nhau, Mù Cang Chải lại cho tôi thấy một vẻ đẹp riêng, một cảm nhận khác biệt, một sự chuyển mình mạnh mẽ ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Đặc biệt, ở xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), chưa bao giờ các dịch vụ du lịch trải nghiệm mới mẻ, homestay độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc… lại nở rộ đến vậy.
Tọa lạc trên đỉnh đồi, homestay xinh xắn của anh Giàng A Dê hiện ra giữa mây mù như một bức tranh thiên nhiên được tô vẽ cầu kỳ. Đường đi dốc khó nhưng càng lên cao, du khách càng dễ dàng ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những luống hoa tam giác mạch đang đung đưa theo gió ngay dưới chân.
Thấp thoáng, những chiếc bóng đèn được khéo léo giấu trong ống tre, tối đến, được thắp sáng, lấp lánh như những ngôi sao khắp các sườn đồi. Cứ mải mê ngắm nhìn cho tới khi tiếng cười đùa của đám trẻ nhỏ khiến tôi giật mình. Hóa ra, ngay trong bếp ăn tầng một của homestay là lớp học tiếng Anh vô cùng đặc biệt do anh Giàng A Dê tổ chức.
"Du lịch ở Mù Cang Chải đang ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước. Sự cần thiết của việc thông thạo tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài thực sự là thách thức, khiến tôi trăn trở. Trong khi thường xuyên có một lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến với homestay, tôi đã nghĩ, tại sao mình không tận dụng chính nguồn lực đó, mời khách du lịch nước ngoài làm giáo viên dạy tiếng Anh cho cả người lớn và trẻ nhỏ” - anh Dê tâm sự.
Thật may mắn khi anh Dê đưa ra ý kiến này được du khách nước ngoài vô cùng hào hứng ủng hộ. Công dạy học chẳng có gì ngoài một bữa sáng miễn phí. Từ đó, lớp học tiếng Anh đặc biệt ấy được duy trì đều đặn vào tất cả các buổi tối trong tuần, thu hút khoảng 20 - 25 người tham gia.
Thấy lớp học còn thiếu thốn, một du khách người Pháp sau khi trở về đã gửi tặng anh Dê chiếc tủ sách. Thế rồi, mỗi du khách đến đây, chẳng ngần ngại khi tặng lại cuốn sách, cuốn truyện mình mang theo để đóng góp cho chiếc tủ sách ấy ngày càng phong phú. Cũng vì thế, homestay của anh Dê rất gần gũi với người dân La Pán Tẩn và luôn đầy ắp tiếng cười đùa của trẻ nhỏ.
Giàng A Dê, sinh năm 1989, theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh Marketing tại Trường Đại học Kinh tế Quản trị kinh doanh (Thái Nguyên). Vợ anh - chị Vàng Thị Lỳ, sinh năm 1992, theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật (Thái Nguyên).
Một du khách nước ngoài đang chuyện trò với những cô cậu bé trong lớp học tiếng Anh miễn phí đặc biệt do anh Giàng A Dê tổ chức.
Thật hiếm có cặp vợ chồng người Mông nào ở Mù Cang Chải làm du lịch lại có nền tảng bài bản như gia đình anh Dê. Ra trường, đi làm tại Viettel Mù Cang Chải nhưng anh Dê luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một homestay.
Năm 2017, với số tiền dành dụm được và vay mượn thêm, vợ chồng anh Dê quyết định mua một quả đồi hơn 3.000m2 và chính thức xin nghỉ việc. Ban đầu, ý tưởng xây dựng nhà sàn bao gồm phòng nghỉ, khu sinh hoạt, bếp ăn trên đỉnh đồi của anh Dê chẳng được mấy ai ủng hộ, thậm chí cả người trong gia đình.
Có người còn mỉa mai: "Anh làm nhà du lịch ở mặt đường, dễ nhìn may ra người ta mới đến, chứ làm nhà tận đỉnh đồi, ai mà leo bộ lên được”, nhưng anh Dê vẫn quyết tâm. Trên quả đồi đất đai khô cằn, anh Dê đào đường mòn đi lên quanh co, uốn lượn rồi thuê nhân công vác từng bao xi măng, gỗ, cát sỏi… lên tận đỉnh đồi với chi phí vận chuyển cao gấp đôi mức bình thường. Sát con đường mòn, anh thuê người đánh đất tốt ở nơi khác về bồi thêm, tạo thành những ô ruộng bậc thang nhỏ để mùa nào trồng hoa đó, từ tam giác mạch, cẩm tú cầu cho tới cải dầu…
Sau gần 1 năm xây dựng, ngày homestay hoàn thiện cũng là lúc chị Lỳ - vợ anh hoàn thành khóa học tiếng Anh giao tiếp ở Hà Nội trở về. Hiện, homestay của anh Dê có 10 phòng khách với thiết kế độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông. Khuôn viên trước ngôi nhà sàn, anh dành cho du khách tham gia tiệc nướng ngoài trời, trồng hoa, chụp ảnh, uống trà, học tiếng Anh…
Anh liên hệ với bà con trong bản tổ chức cho du khách cùng tham gia các buổi dã ngoại, trải nghiệm vui vẻ như: trồng lúa, chăn nuôi, chặt củi, bắt cá, hái rau…; tham gia các sự kiện: ăn tết, lễ hội, lễ cưới... nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Anh Dê chia sẻ: "Trung bình mỗi tháng, homestay chúng tôi đón từ 100 - 120 lượt khách du lịch. Năm 2018, tháng ít nhất doanh thu đạt 26 triệu đồng, tháng cao nhất doanh thu đạt 57 triệu đồng. Tôi đang cố gắng tích góp thêm một khoản tiền để đầu tư mở rộng homestay, xây dựng một phòng học riêng để khách du lịch dạy tiếng Anh miễn phí, xây thêm một số phòng nhỏ tại các triền đồi hướng về phía ruộng bậc thang…”.
Được biết, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, anh Dê kết nối với các công ty lữ hành tích cực quảng bá về homestay của mình nói riêng và du lịch Mù Cang Chải nói chung trên nhiều trang web về du lịch uy tín, mạng xã hội facebook, hỗ trợ tư vấn dịch vụ, đặt phòng trực tuyến, kêu gọi vốn đầu tư… một cách chuyên nghiệp.
Thực tế, làm du lịch ở La Pán Tẩn có lợi thế hơn so với một số địa điểm khác bởi đường sá đi lại thuận tiện, địa bàn gần trung tâm xã, lại có Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang nổi tiếng… Hiện toàn xã có 3 hộ đang làm du lịch cộng đồng ổn định và 2 hộ đang trong quá trình xây dựng.
Đến thăm homestay của anh Hảng A Dò, sinh năm 1992 - một trong những người bắt tay vào làm du lịch cộng đồng từ những ngày đầu cho biết: "Sau khi tìm hiểu qua sách báo, Internet, tham quan trực tiếp một số mô hình homestay tại Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái)… từ ngôi nhà sàn đơn sơ, tôi đã sửa chữa, xây dựng thành 10 phòng phục vụ khách du lịch. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Đoàn xã La Pán Tẩn, tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng du lịch, về nấu ăn, thiết kế homestay, trồng cây, hoa…".
"Là người trẻ làm du lịch, tôi luôn mong muốn mình ngày càng có nhiều kinh nghiệm và nhất là sự tư duy, sáng tạo trong cách làm mới, biết cách lựa chọn những gì phù hợp với mô hình của mình và địa phương” - Hảng A Dò nói.
Đặc biệt, homestay của anh Dò có hướng nhìn đẹp và độc đáo khi nằm trên cao, còn ngay trước tầm mắt là cận cảnh những thửa ruộng bậc thang. Các thửa ruộng được anh cùng người nhà tạo hình vô cùng sáng tạo, khi thì làm hình ngôi sao, khi thì hình trái tim rồi cả tạo chữ…
Giàng A Dê và Hảng A Dò cũng là hai trong số 25 thành viên của Câu lạc bộ "Đoàn viên thanh niên phát triển du lịch cộng đồng” do Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Mù Cang Chải thành lập tháng 10/2018 vừa qua. Anh Phạm Đức Thịnh - Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải khẳng định: "Câu lạc bộ được thành lập sẽ tạo sân chơi và cơ hội để các đoàn viên thanh niên có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn cũng như tìm tòi, học hỏi cách làm mới, sáng tạo trong phát triển du lịch cộng đồng”.
Anh Hảng A Dò dọn dẹp phòng homestay đón khách du lịch.
Không bó hẹp trong suy nghĩ làm du lịch cộng đồng đơn thuần, thế hệ trẻ ở La Pán Tẩn nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung đã không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, vận dụng khoa học kỹ thuật, dám nghĩ dám làm, thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết được cống hiến và tự khẳng định năng lực, trách nhiệm của tuổi trẻ trên quê hương vùng cao hôm nay.
Tôi tin, họ sẽ thực sự là những chủ nhân năng động trong thời đại công nghệ 4.0, sớm đưa vùng cao Yên Bái đến với bạn bè quốc tế trong tương lai gần.
Mai Linh