Lễ hội đua thuyền thường được tổ chức vào đầu xuân năm mới, dịp lễ hội đền Mẫu Thác Bà hay nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ hội bưởi Đại Minh tổ chức vào dịp tháng 10, tháng 11 hàng năm. Khu vực bến tàu thủy ngay trên bờ đập liền với Nhà máy Thủy điện ở tổ 1, thị trấn Thác Bà trở thành địa điểm lý tưởng để các "tay chèo” so tài.
Dù tổ chức đầu năm hay cuối năm, mưa xuân gió lạnh hay nắng hanh cuối Thu, thì không khí của hội đua cũng chẳng thể thay đổi. Rộn rã của hội, hừng hực của hò gieo, thúc giục của trống và nét rạng rỡ trên khuôn mặt đẫm ướt mồ hôi của những "tay chèo, chân lái” làm cho mỗi người dân, mỗi du khách đều như tự nắm chắc tay hòa vào nhịp rẽ nước của những chiếc thuyền nan.
Niềm vui lan tỏa, thế nên nhiều người dân và du khách đến hội để cổ vũ cho tất cả những ai được gọi là những người dân quanh năm gắn bó với những đảo hồ để trồng rừng, chăn thả đại gia súc, nuôi thủy sản, đánh bắt cá tôm đều có thể tham gia.
Ông Hoàng Công Thành - Bí thư Đảng ủy thị trấn Thác Bà khẳng định: "Phát triển thủy sản là một thế mạnh của chúng tôi. Đua thuyền gắn với bản sắc văn hóa lưu vực sông Chảy nên việc tổ chức lễ hội là thể hiện sự quan tâm để văn hóa truyền thống lưu vực sông Chảy cũng như khu vực Đông hồ ngày một phát triển”.
Những người dân ngày ngày xuôi ngược gắn bó cuộc đời với hồ Thác Bà với sông Chảy nên thành thạo sông nước. Chiếc thuyền là thứ không thể thiếu trong đời sống, sản xuất và đi lại hàng ngày của đồng bào Dao, đồng bào Tày, Cao Lan và cả người Kinh chung sống quanh hồ.
Ở hội đua, những chiếc thuyền của đồng bào được "cân chỉnh” chắc chắn, được đánh số đeo biển, có khi cắm cờ trang trí đôi chút cho ấn tượng. Những vận động viên có đoàn có đội, được tuyển lựa từ xã nên ai cũng có sức khỏe dẻo dai để đạp thuyền hàng giờ trên hồ.
Thường lệ, hội đua tổ chức thi đôi nam, đôi nữ. Trên một thuyền, vận động viên tự bố trí một người chèo tay ở mũi thuyền, một người chèo đôi ở cuối thuyền (chủ yếu là dùng chân đạp thuyền). Đã có những vận động viên đua lần đầu, nhưng cũng có người từng tham gia vài ba mùa giải và lần nào họ cũng hòa trong không khí lễ hội thật vui. Những gì gắn bó với mỗi người dân bấy lâu đã bung ra, tạo khí thế cho cả người đua và người cổ vũ.
Anh Phan Văn Quỳnh ở xã Thịnh Hưng chia sẻ: "Hàng ngày, tôi vẫn đi ra hồ và đạp trên chiếc thuyền ấy nhưng khi tham gia hội thi có sự động viên của mọi người thì như được thôi thúc nên đạp nhanh hơn”.
Được biết, số vận động viên đăng ký tham gia thi đấu đã tăng qua từng năm, hội thi năm nay, các đoàn đều rút kinh nghiệm từ các cuộc thi trước để tổ chức luyện tập, động viên người dân tham gia để đóng góp vào thành công của lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho biết: "Xã có trên 1.100 hộ thì có tới 25% số hộ làm nghề nuôi cá và đánh bắt thủy sản, 70 - 80% số dân của xã có thể đạp thuyền đi lại trên hồ Thác Bà. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn lựa chọn và động viên anh chị em luyện tập để tham gia hội thi tới đây”.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Qua hội đua sẽ giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Yên Bình với du khách thập phương, đồng thời góp phần giữ gìn bảo tồn các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và khuyến khích các địa phương thành lập các đội đua thuyền. Công tác chuẩn bị đã được các đơn vị liên quan tiến hành theo kế hoạch, chờ ngày khai hội”.
Theo chương trình dự kiến, Lễ hội đua thuyền sẽ diễn sáng 3/11 với sự tham gia của các vận động viên đôi nam và đôi nam nữ. Sự hấp dẫn của môn thể thao truyền thống, sự nhiệt thành cổ vũ và hăng say thi đấu của mỗi người dân chắc chắn sẽ tạo điểm nhấn cho mỗi du khách khi đến với danh thắng quốc gia hồ Thác Bà trong những ngày tới đây.
Minh Quang - Trần Thị Du