Điểm dù lượn Khau Phạ được giới vận động viên dù lượn đánh giá là 1 trong 4 điểm bay đẹp trên cả nước và là điểm bay đẹp nhất trong 10 điểm bay của thế giới.
Năm 2019, di tích ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Thủ tướng công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Những điều ấy, tiếp tục khẳng định vị thế của ruộng bậc thang trong phát triển du lịch cũng như cho thấy thành quả đến hôm nay của Mù Cang Chải trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của những "nấc thang vàng”.
Trong các sự kiện du lịch trên địa bàn huyện thì các sự kiện gắn với ruộng bậc thang luôn là tâm điểm thu hút du khách. Đến nay, gắn với những "nấc thang vàng” ở đây, cơ bản hình thành nên hai mùa du lịch: mùa nước đổ và mùa lúa chín; trong đó, Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ” và "Bay trên mùa vàng” - loại hình du lịch mạo hiểm đã trở thành sản phẩm du lịch có "tên tuổi” ở vùng Tây Bắc. Tới đây, huyện còn khai thác thêm điểm bay dù lượn tại khu vực đồi mâm xôi xã La Pán Tẩn.
Các sản phẩm du lịch khác gắn với ruộng bậc thang cũng đã và đang hình thành ngày một rõ nét, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắm ruộng bậc thang; du lịch theo mùa gắn với du lịch nông nghiệp - làng nghề; du lịch cộng đồng.
Trong tổng thể các hoạt động nhằm phát triển du lịch của huyện những năm qua, nhất là trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của ruộng bậc thang được huyện quan tâm đầu tư và thực hiện.
Huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tôn tạo các quần thể danh thắng ruộng bậc thang; xây dựng đường lên ruộng Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn; triển khai dự án hạ tầng điểm du lịch dù lượn xã Cao Phạ; đầu tư hạ tầng giao thông, đường điện, các điều kiện cần thiết khác để khai thác các điểm du lịch các xã có ruộng bậc thang dọc quốc lộ 32, nhất là đối với 3 xã Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn...
Huyện cũng chú trọng hướng dẫn, tạo môi trường và cơ chế để người dân làm du lịch. Quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch ngày càng được mở rộng, đổi mới, độc đáo, tạo điểm nhấn đặc trưng như: du lịch mùa nước đổ (tháng 5, 6); lễ hội Khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tháng 9, 10) gắn với Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng”, "Bay trên mùa nước đổ”...
Huyện cũng đã tăng cường quảng bá hình ảnh Mù Cang Chải qua nhiều kênh thông tin, như tổ chức họp báo tại Hà Nội để tuyên truyền cho lễ hội khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; xây dựng và đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử của huyện tăng cường quảng bá về du lịch, lấy du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch thắng cảnh ruộng bậc thang là sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù...
Qua đó, thắng cảnh ruộng bậc thang đã góp phần quan trọng vào con số 100.000 lượt người/năm đến với Mù Cang Chải để du lịch, mang lại doanh thu lớn cho huyện. Năm 2019, đã có trên 250.000 lượt khách du lịch đến Mù Cang Chải (khách quốc tế 30.000 lượt), mang lại doanh thu 95 tỷ đồng từ du lịch, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015.
Tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích; tôn tạo cảnh quan, môi trường nhằm đưa Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải và của tỉnh chính là mục tiêu hướng tới trong Kế hoạch bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang trong phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030 của huyện.
Theo đó, huyện sẽ thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn di tích, đặc biệt là trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ phối hợp xây dựng hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Cùng đó, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đưa vẻ đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày càng lan tỏa và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc khi nhắc đến du lịch Mù Cang Chải.
Phạm Thu