Ngỡ ngàng Tú Lệ

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/2/2021 | 7:57:52 AM

YênBái - Là quê hương của loại nếp Tan đặc sản, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là nơi có vẻ đẹp huyền bí được ví với nhan sắc của nàng tiên nữ miền sơn cước. Người ta biết đến khung cảnh hùng vĩ của Tú Lệ vào mùa nước đổ, biết đến vẻ đẹp và sự rộn ràng của Tú Lệ vào mùa gặt. Nhưng ít ai biết vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của Tú Lệ ngày xuân.

Tú Lệ hôm nay.
Tú Lệ hôm nay.

Theo dòng người, đoàn xe vượt quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, trong những ngày đầu xuân mới, trước lúc vượt "sừng trời” Khau Phạ, thung lũng Tú Lệ hiện ra. Tú Lệ vào xuân thật đẹp! Cánh đồng được mẹ thiên nhiên khoác cho lớp áo mỏng được dệt từ những hạt sương trong suốt. Giữa lòng thung rộng, dòng Nậm Lung như mái tóc của nàng tiên nữ thả vào bồng bềnh mây nước. Những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ cheo leo thoáng ẩn, thoáng hiện giữa đỉnh trời. Những bản làng mờ ảo trong sương sớm.  

Bên những con đường bê tông mới đổ dẫn vào bản Chao, bản Côm, bản Phạ hay lên Khau Thán, những hàng đào, hàng ban đua nhau đâm chồi, nảy lộc, nụ hoa trắng hồng, phớt đỏ. Trai làng, gái bản nhộn nhịp vui xuân, sắm tết rực rỡ trong những bộ xiêm áo mới làm không khí mùa xuân thêm rộn rã. Khói lam bảng lảng bao phủ những mái nhà sàn đang thậm thịch tiếng chày giã bánh. Chúng tôi đến thăm đảng viên lão thành Hoàng Văn Túi ở bản Phạ Dưới. 

Trong căn nhà sàn khang trang bên con đường liên xã dẫn vào xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, cụ Túi không ngớt chuyện về những đổi thay của quê hương. Ấy là bản trên, bản dưới đều đã có đường bê tông, nhà văn hóa, lưới điện văn minh.

Đó là câu chuyện sản phẩm nếp Tan đã trở thành hàng hóa. Nhưng hơn cả là đồng bào Thái Tú Lệ bao đời nay sống hòa hợp với thiên nhiên và tiếp tục xây dựng quê hương bằng lối sống, văn hóa riêng của họ. Đó chính là tác động từ quyết tâm xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc mà Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Trời chuyển về trưa, sương dần tan, mặt trời rải nắng vàng lên núi rừng. Tọa lạc bên sườn đồi Khau Thán nhìn xuống thung lũng ruộng bậc thang và dòng suối Nậm Lung trong xanh, với diện tích hơn 7 ha, Le Champ Resort Tú Lệ không chỉ là điểm nhấn trong không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc mà còn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Đúng vào dịp xuân mới, nơi đây vừa khánh thành khu vui chơi giải trí Aeris Hill với nhiều trò chơi mạo hiểm, tạo trải nghiệm thú vị cho du khách đến tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tú Lệ.

Chiều xuống Tú Lệ mang một vẻ đẹp bình lặng. Những chàng trai cô gái vẫn tranh thủ ra các dòng suối nóng ngâm mình thư giãn. Những mỏ nước nóng xưa đã được người dân tôn tạo, lát đá rộng rãi nhưng người dân vẫn giữ tục "tắm tiên” như một nét văn hóa độc đáo.  

Điện đã về các bản làng xua đi màn đêm núi rừng. Đâu đó, tiếng hát ngân vang: "Ơi vùng cao, sao mà mến yêu! Mỗi khi xuân về, cho dòng điện sáng lung linh trên triền cao”. Rồi tiếng khèn hòa vào tiếng khắp mời bạn chơi xuân của các chàng trai, cô gái. Đó là những tiết mục văn nghệ của các đội văn nghệ bản Chao, bản Phạ đang luyện tập chuẩn bị cho chương trình Lễ hội Lồng tồng mừng xuân mới Tân Sửu. Trong ánh sáng lung linh, huyền ảo, những chàng trai, cô gái Thái miền sơn cước say sưa luyện tập, gương mặt tươi sáng đầy vẻ hân hoan.   

Xuân này, những bản văn hóa - du lịch của người Thái ở bản Chao, bản Phạ đã hình thành. Những mái nhà sàn đã được sửa sang, trở thành nhà nghỉ cộng đồng. Nhiều hộ liên kết sản xuất các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ để phục vụ du khách. 

Những con đường đã được dọn dẹp, tôn tạo phong quang, sạch đẹp để đời sống thực sự văn minh. Chủ trương xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc đã được nhân dân Tú Lệ hưởng ứng bằng việc chuyển dịch dần từ kinh tế nông, lâm nghiệp sang du lịch và thương mại, dịch vụ và xây dựng đời sống văn hóa. Diện mạo xã nông thôn mới vùng cao đầu tiên của huyện Văn Chấn dần hình thành. 

Tú Lệ hôm nay không chỉ có đặc sản xôi nếp, có tục tắm tiên mà khắp các bản làng đều là những điểm tham quan du lịch hấp dẫn với những nét văn hóa truyền thống, độc đáo được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Trần Van

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục