Đặc sắc Lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/8/2022 | 7:45:22 AM

YênBái - Những năm gần đây, Lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải đã để lại nhiều dấu ấn cho du khách sau trải nghiệm. Năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chứng nhận nghi lễ này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi thức cúng trong Lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải.
Nghi thức cúng trong Lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải.

Đối với người Mông Mù Cang Chải, lễ mừng cơm mới là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, mang đậm sắc thái văn hóa riêng có.

Cụ Giàng A Lềnh ở xã Nậm Khắt cho biết: "Theo lời các cụ truyền lại thì người xưa quan niệm cây cối, núi, đồi, sông, suối... đều có thần linh ngự trị. Bởi vậy, để có được mùa màng bội thu là nhờ có các vị thần linh phù hộ, làm cho mưa thuận, gió hòa, chim chuột không phá hoại mùa màng... nên sau mỗi mùa vụ cần thực hiện nghi lễ cúng mừng cơm mới để tỏ lòng thành kính, cảm ơn tổ tiên, các vị thần linh. Đồng thời, cũng mời gọi hồn lúa sau một năm ra đồng phơi nắng, phơi mưa, bị chim chuột công tha đi trở về hội tụ ở nhà để nghỉ ngơi và cầu mong vụ mới lại tiếp tục nhận được sự phù hộ của tổ tiên, thần linh để mùa màng bội thu”. 

Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ mừng cơm mới còn là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ, láng giềng đoàn tụ, biểu thị cho sự gắn kết. Lễ mừng cơm mới không bắt buộc về điều kiện lễ vật dâng cúng hay thời gian tổ chức trong từng gia đình, song đều có điểm chung là người chủ trong gia đình sẽ kiêng không được ăn cơm nấu từ gạo của vụ lúa mới cho đến khi gia đình tổ chức lễ mừng cơm mới và thực hiện nghi thức cúng tổ tiên, thần linh, trời đất. 

Ngày tổ chức lễ mừng cơm mới, tùy theo điều kiện từng gia đình mà dự định mời khách đến chung vui để những người phụ nữ nấu cơm cho đủ, đàn ông, con trai sẽ lo chế biến các món ăn từ lợn, gà cùng các loại thực phẩm khác như thịt trâu, bò, dê... Mâm lễ cúng tổ tiên được chủ gia đình bày giữa nhà, gần bàn thờ tổ tiên. 

Lễ vật cúng chính chỉ sử dụng thịt lợn hoặc gà; cơm nấu từ gạo mới và cơm phải được xới từ nồi mới nấu; trong mâm cúng có đủ canh và rượu. Tùy theo từng dòng họ mà trên âu cơm làm lễ sẽ cắm 2 chiếc thìa hoặc nhiều hơn. Người trực tiếp thực hành nghi lễ cúng mừng cơm mới là ông chủ nhà.

Nghi thức cúng trong Lễ mừng cơm mới, chủ nhà cúng mời trước tiên là ông, bà tổ tiên, tiếp đến là các vị thần nhà, thần lửa... theo thứ tự từ cao xuống thấp, từ lớn đến bé, từ trong ra ngoài với ý niệm là chứng giám lòng thành và phù hộ cho gia đình có thêm những mùa vụ bội thu... Kết thúc lễ cúng, chủ nhà và khách cùng chung vui bên chén rượu. 

Anh Phạm Đức Hùng - khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần lên Mù Cang Chải, được trải nghiệm Lễ hội giã bánh dày, Tết cổ truyền, Tết Độc lập..., nhưng mỗi lần trải nghiệm Lễ mừng cơm mới tôi đều có cảm nhận mới, bởi mỗi hộ lại có quy mô tổ chức khác nhau, nhưng đặc biệt là nghi thức, thủ tục tuy ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ ý nghĩa, đạo lý làm người, hướng về cội nguồn, trời đất; thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng lên cùng niềm vui của dân bản khi mùa màng bội thu”. 

Với sức hấp dẫn và ý nghĩa tâm linh của Lễ mừng cơm mới, năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Phát huy giá trị của Lễ mừng cơm mới trong phát triển du lịch, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch ngoài nhân dân tự tổ chức tại gia đình, tại xã La Pán Tẩn sẽ tổ chức làm điểm Lễ mừng cơm mới vào sáng ngày 25/9/2022 theo đúng nghi thức cúng mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải tại đồi Mâm xôi vừa là để tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vừa để quảng bá, giới thiệu đến du khách khám phá và trải nghiệm.  

A Mua

Tags Lễ mừng cơm mới người Mông Mù Cang Chải

Các tin khác
Người dân Nghĩa  Lộ- Mường Lò hăng say tập luyện các điệu xòe chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh

Tăng cường tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 và kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9.

Nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ truyền dạy những điệu xòe cho các em nhỏ.

“Sáng lúa, chiều ngô, tối múa xòe”- đó không chỉ là câu chuyện đơn thuần về đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái ở Nghĩa Lộ - Mường Lò mà chứa đựng trong đó là cả tình yêu, niềm tự hào về bản sắc văn hóa. Đó cũng là lẽ tự nhiên để những người nông dân chân chất, hồn hậu nơi đây đưa nghệ thuật xòe ra thế giới.

Múa xòe là nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội của người Thái Mường Lò.

Biết đến Mường Lò qua màn ảnh nhỏ. Lâng lâng, xao xuyến một niềm mong! Chỉ mấy khổ thơ, tác giả giúp chúng ta cùng đặt bước trên đất Mường Lò để cảm nhận “tinh hoa từ huyền thoại” qua nhịp đại xòe, qua tiếng ca Ing lả vang vọng núi rừng, qua chiếc khăn piêu phấp phới bay trên những thửa ruộng bậc thang trải dài Mù Cang Chải...

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 23/8, tại tỉnh Yên Bái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với UBND 4 tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục