Lễ tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái sẽ được diễn ra như một vở đại nhạc kịch dân gian Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2022 | 2:28:21 PM

YênBái - Đây là khẳng định của bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO và Khai mạc lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Yên Bái.

Màn Đại Xòe tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019.
Màn Đại Xòe tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019.

- Thưa bà, xin bà cho biết việc tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản phi vật thể của nhân loại có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Yên Bái nói chung và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ - Mường Lò nói riêng?

Như chúng ta đã biết, ngày 15 tháng 12 năm 2021, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris - Cộng hòa Pháp, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Tỉnh Yên Bái - với vai trò trưởng nhóm (cùng với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, đã khẩn trương và cẩn trọng trong việc tổ chức Lễ đón nhận. Sau khi được Tỉnh ủy nhất trí chủ trương, UBND tỉnh Yên Bái đã báo cáo và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý để đại diện các tỉnh có di sản đăng cai tổ chức Lễ đón nhận. Tỉnh cũng đã lựa chọn thời gian phù hợp theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể là ngày 24/9/2022 tới đây.

Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là sự kiện hết sức quan trọng đối với Việt Nam và mang ý nghĩa quốc tế để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo sức sống mới cho di sản văn hóa này đồng thời sẽ là khởi đầu quan trọng cho hành trình tiếp theo để bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị tốt đẹp của Nghệ thuật Xòe Thái trong tương lai.

Giây phút Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 - 18/12/2021 tại Pháp. (Ảnh: Tin Tức)

Đối với tỉnh Yên Bái, việc tổ chức Lễ đón nhận nhằm tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xoè Thái" được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Thái các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái nói riêng. 

Thị xã Nghĩa Lộ và vùng Mường Lò là nơi Nghệ thuật Xòe Thái được lưu truyền sẽ thêm nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng trong xã hội hiện đại. 

Cùng với Lễ đón nhận, tỉnh Yên Bái tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, tạo sư kiện thu hút đông đảo du khách, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh.

- Xin bà cho biết khái quát nhất Chương trình Lễ đón nhận sẽ diễn ra trong tháng 9 tới và những lễ hội ở địa phương khác từ nay đến hết năm 2022?

Chương trình Lễ đón nhận sẽ diễn ra vào 20h00’ ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ. Kịch bản đảm bảo theo Quyết định số 11 của Ủy ban Quốc gia UNESCO ngày 30/10/20218 về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, lưu giữ và tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu UNESCO. Trọng tâm của Lễ đón nhận là phần nghi lễ trao và đón nhận Bằng của UNESCO và Chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp trên VTV1 và một số đài truyền hình các tỉnh trong khu vực. 


Bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức thông tin với báo chí những nội dung chính tại Lễ đón nhận.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” hứa hẹn rất đặc sắc, có sự khác biệt với những lễ hội đã được tổ chức. Thay chỉ vì có một sân khấu chính như mọi năm thì toàn bộ sân vận động sẽ trở thành một sân khấu biểu diễn ngay trên thực cảnh. Toàn bộ chương trình sẽ được diễn ra như một vở đại nhạc kịch dân gian Tây Bắc, trong đó kể về câu chuyện cội nguồn của người Thái gắn với câu chuyện về cuộc đời của một cô gái Thái đầy sinh động và đặc sắc qua những màn trình diễn nghệ thuật dân gian xen kẽ với âm nhạc và những câu chuyện cùng bối cảnh và ánh sáng huyền ảo. 

Dự kiến gồm 3 chương: Chương 1: Thiên di – Dựng bản, lập mường; Chương 2: Chuyện người Thái; Chương 3: Tinh hoa nghệ thuật xòe. Màn đại xòe với 2.022 nghệ nhân, diễn viên trình diễn những nét văn hóa truyền thống đại diện cho cộng đồng người Thái có chung di sản nghệ thuật xòe gồm các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Để tạo ra chuỗi sự kiện và các hoạt động hưởng ứng Lễ đón nhận, trong dịp này, tỉnh Yên Bái cũng đồng thời khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022. Đây là sự kiện văn hóa - du lịch được tổ chức thường niên, mang thương hiệu riêng của tỉnh Yên Bái. 

Tại thị xã Nghĩa Lộ sẽ có 4 hoạt động chính có sự tham gia của các tỉnh Tây Bắc. Đó là hoạt động diễu diễn đường phố; Trưng bày, triển lãm ảnh di sản Nghệ thuật Xoè Thái Việt Nam và "Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc" mở rộng; Hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP; các gian hàng giới thiệu sản phẩm đá quý Lục Yên và văn hoá ẩm thực; Không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc.

Cùng với đó, các địa phương khác của tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để hưởng ứng việc đón nhận bằng của UNESCO (tổng cộng có trên 50 hoạt động, sự kiện diễn ra từ tháng 8 đến hết tháng 12/2022). Tiêu biểu là các hoạt động: Festival Dù lượn, Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa tớ dày (huyện Mù Cang Chải), Lễ hội Gầu Tào (huyện Trạm Tấu), Lễ hội giã Cốm (huyện Văn Chấn), Lễ hội Cắc kéng (huyện Lục Yên), tổ chức hoạt động múa Xoè tại Quảng trường 19/8 và nhảy sạp tại phố đi bộ Hào Gia (thành phố Yên Bái)…

- Thưa bà, với kế hoạch tổ chức như vậy cho thấy quy mô và tầm cỡ của sự kiện quan trọng này. Vậy Nghĩa Lộ và các địa phương miền Tây Yên Bái đã triển khai công tác chuẩn bị ra sao?

Các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch triển khai kế hoạch của tỉnh, trong đó nhấn mạnh công tác chỉnh trang đô thị; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trang trí đèn, trong hoa, cây xanh đảm bảo cảnh quan xanh sạch đẹp, tạo ấn tượng với du khách; đảm bảo giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về các hoạt động du lịch và dịch vụ được tăng cường; rà soát, tổng hợp hệ thống cơ sở lưu trú phục vụ du khách, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở củng cố cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dịch vụ...

Đối với thị xã Nghĩa Lộ - địa điểm tổ chức Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội cũng như các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đã rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất tại Sân vận động thị xã đảm bảo an toàn, sạch sẽ; chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất khác để tổ chức các hoạt động, sự kiện khác diễn ra trên địa bàn. 

Thị xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án hậu cần và thực hiện việc tổ chức đón tiếp, bố trí ăn, nghỉ của các đại biểu về tham dự Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội; sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho đoàn của các tỉnh phối hợp tham gia các hoạt động.

Huy động lực lượng diễn viên, nghệ nhân, phương tiện cần thiết để luyện tập chương trình diễu diễn; chương trình nghệ thuật, màn đại xoè trong Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội theo yêu cầu và tổ chức tập luyện, hợp luyện, tổng duyệt, biểu diễn đảm bảo đúng yêu cầu đề ra.

Thị xã cùng với với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch tổ chức các gian hàng tại Hội chợ trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, tái hiện chợ đá quý Lục Yên và văn hoá ẩm thực. Chủ trì hoạt động giới thiệu ẩm thực tại khu vực Hội chợ cũng như các điều kiện cần thiết xây dựng không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc đảm bảo diện tích, mỹ quan và an toàn, hiệu quả. 

Phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức triển lãm Triển lãm Ảnh di sản Nghệ thuật Xoè Thái Việt Nam và "Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc" mở rộng.

Với tất cả sự chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến những trải nghiệm và cảm xúc thật trọn vẹn về một Yên Bái cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, sự thân thiện cùng văn hóa đặc sắc đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

- Xin trân trọng cảm ơn bà đã dành cho Báo Yên Bái cuộc phỏng vấn!

Minh Quang (thực hiện)

Tags Lễ tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái đại nhạc kịch dân gian Tây Bắc

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục