“Pho sử sống” của văn hóa Thái Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2022 | 7:31:17 AM

YênBái - Đến thị xã Nghĩa Lộ, nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm không ai là không biết. Ông được người dân nơi đây tự hào phong là “pho sử sống” của văn hóa Thái và của những điệu xòe cổ. Bởi ông đã dành gần hết cuộc đời để yêu, lan tỏa tình yêu văn hóa Thái cùng những điệu xòe đến với các bản làng...

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến cùng các diễn viên trong Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò.
Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến cùng các diễn viên trong Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò.

Mái tóc bạc trắng, nụ cười hồn hậu, Nghệ nhân Lò Văn Biến vẫn luôn say mê khi nói về văn hóa Thái, về những điệu xòe. Với ông, xòe là hồn cốt văn hóa của dân tộc Thái mà ông đã dành gần hết cuộc đời để nghiên cứu, truyền dạy. 

Chia sẻ về cơ duyên của việc nghiên cứu văn hóa Thái, nhất là tình yêu với những điệu xòe, ông kể, bố ông là một trong những trí thức ở Nghĩa Lộ và có lưu giữ rất nhiều sách chữ Thái cổ. 

Năm ông lên 7 tuổi, bố ông đã gửi con sang nhà thày mo Lò Văn Phớ - người giỏi chữ Thái nhất, biết hát nhiều điệu hát của người Thái nhất để học chữ. Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, nên chỉ sau vài buổi học, ông Biến đã biết đọc, biết viết chữ Thái. 

Khi biết đọc, biết viết chữ Thái, ông thường lục tìm những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ ra đọc, ở đó ông thấy không chỉ có các bài thơ, bài hát của người Thái mà còn dạy rất nhiều điều hay, nhiều bài học có ích trong cuộc sống nên càng mê thích. 

Sau này, ông vẫn vừa học chữ quốc ngữ, vừa tự học chữ Thái. Khi mới 13-14 tuổi, ông đã thuộc nhiều tác phẩm văn học lớn của dân tộc Thái. 

Năm 20 tuổi, ông đã am hiểu về lịch sử, nguồn cội của người Thái từ đâu đến, phát triển như thế nào… và uyên thâm về văn hóa người Thái. 

Từ những hiểu biết sâu rộng về văn hóa Thái, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến đã có nhiều đóng góp trong việc khôi phục, gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo như sinh hoạt Hạn khuống hay cách làm, thổi khèn bè… 


Trong những đóng góp của ông thì đáng ghi nhận hơn cả là việc ông khôi phục 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò. 

Từ năm 1953, ông Biến đã bắt đầu xây dựng đội văn nghệ để truyền cho bà con những giá trị của xòe Thái, trong đó có 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt vùng đất Mường Lò là: xòe Khắm khen (Nắm tay nhau), Đổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bổ bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu) và Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn).

Những điệu xòe cổ được sắp xếp theo ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong đời sống của  người Thái, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, các thái cực tình cảm của gia chủ với khách mời và trong không gian giao lưu văn hóa cộng đồng… 

Từ năm 1995 đến nay, nghệ nhân Lò Văn Biến đã đi khắp các bản làng, truyền dạy về nghệ thuật xòe cho các thế hệ người Thái. Nhờ vậy, từ chỗ nhiều người không nắm hết được những tinh hoa trong các điệu xòe cổ, thì nay không khí của xòe, tinh thần của xòe đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Thái Mường Lò, để giờ khắp bản làng của thị xã miền Tây đều có đội xòe, ở mọi lứa tuổi từ thiếu nhi đến thanh niên, trung niên và cả những người già. 

Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết: "Điều đặc biệt của xòe là khi âm nhạc cất lên, tất cả đều vui và bước vào vòng xòe, không phân biệt giàu nghèo, cao thấp, quan chức hay nông dân. Tất cả cùng chung nhịp đập trái tim mà xòe. Tôi sẽ đem hết sức lực và tâm huyết để tiếp tục truyền dạy, thắp lên ngọn lửa tình yêu với xòe. Bản Thái còn, xòe Thái còn, vì thế cần phải duy trì tình yêu đó bằng cách quảng bá di sản, đưa vào các trường học cho lớp trẻ. Làm như vậy thì không lo mai một…”. 

Mang xòe đến với các thế hệ của cộng đồng dân tộc Thái là động lực để ông không quản ngại khó khăn, tự nguyện nghiên cứu, sưu tầm và viết về những động tác xòe để gìn giữ, phát huy. Với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể; của ông Lò Văn Biến và những người Thái yêu xòe, năm 2015, xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và đến nay "Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng người Thái nói chung và người Thái Mường Lò nói riêng. Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến cùng với cộng đồng sẽ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của mình, đoàn kết, đồng lòng bảo vệ và phát huy Di sản "Nghệ thuật Xòe Thái”. 

Cá nhân ông Biến sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá, truyền dạy để nghệ thuật Xòe Thái mãi mãi lan tỏa, trường tồn và thực hành trong cộng đồng.                                                                                 
Thu Hiền

Tags Pho sử sống văn hóa Thái thị xã Nghĩa Lộ Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến nghệ thuật Xòe Thái

Các tin khác
Vòng đại xòe tại Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh

Đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn tự hào và ý thức để gìn giữ, lưu truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Chiều 10/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 ngày 24/9/2022 tại thị xã Nghĩa Lộ.

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 (Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội) là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa và quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với tỉnh Yên Bái và các tỉnh có di sản. Với những nỗ lực cao nhất có thể, Yên Bái đã làm nên một lễ hội thành công về mọi mặt, ghi ấn tượng mạnh trong lòng người dân và du khách.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng kế hoạch đưa 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái vào chương trình giảng dạy ngoại khóa cho học sinh; qua đó khơi dậy tình yêu và trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục