- Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng!
- Thưa quý vị khách quý, quốc tế!
- Thưa đại biểu cùng toàn thể đồng chí, đồng bào!
Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho phép tôi gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các cấp ủy, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ vinh danh và đón nhận Bằng của UNESCO được tổ chức tại mảnh đất Nghĩa Lộ - Yên Bái giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, bán sắc. Đây là sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa to lớn và nhiều cảm xúc với tất cả chúng ta. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh và chúng ta cần làm gì? Có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa rất dân tộc Việt Nam và rất dân tộc Thái này.
Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu sâu sắc giữa con người với con người, không phân biệt giữa già, trẻ, gái, trai, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.
Thưa quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam.
Tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam.
Lời ca: "Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi” ngân vang giữa rừng hoa Ban, hoa Mận, hoa Đào vùng Tây Bắc, bên dòng sông Mã, sông Chảy, Mường Hung đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày vui của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng, của dân tộc...
Chúng ta vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên "Dải đất hình chữ S” tươi đẹp; qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đối với thế giới.
Với loại hình du lịch kết nối giữa thiên nhiên - văn hóa - con người thì Xòe Thái là nét chấm phá đặc sắc của những địa danh thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Tây Bắc như Cao nguyên Mộc Châu, Đèo Khau Phạ, Hồ Pá Khoang, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Thác Tác Tình, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu đặc sắc...
Có được niềm vui hân hoan hôm nay, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua nghệ thuật Xòe Thái đến cộng đồng quốc tế, chúng ta rất trân trọng sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái đã nâng niu, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc vô giá này. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu đã đóng góp tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, các di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung.
Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và mong muốn các tổ chức quốc tế, nhất là cơ quan Đại diện UNESCO tiếp tục dành cho Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy và giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại.
Thưa quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào!
Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Văn hoá là bản sắc dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất là dân tộc mất. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị du lịch và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với sự kiện quan trọng hôm nay, nghệ thuật Xòe Thái đã được đón nhận và vinh danh là di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, tôi đề nghị:
Thứ nhất, chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả "Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta hãy làm bằng tâm huyết, bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng niềm tự hào, bằng nội lực để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được nuôi dưỡng, phát triển và lan tỏa ra cộng đồng các dân tộc anh em.
Thứ hai, giá trị cao đẹp của nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Chúng ta cần nhận thức rõ đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời có hành động ứng xử xứng tầm. Các cấp, các ngành có liên quan cần có chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cần vượt qua biên giới Việt Nam để nghệ thuật này mãi mãi trường tồn và đời đời bền vững; để thế giới biết đến nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh Xòe Thái là hội tụ của nét đẹp văn hóa, nên quảng bá Xòe Thái là trách nhiệm của tất cả chúng ta; góp phần thúc đẩy giao lưu giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa nhân loại.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Chúng ta hãy cùng nhau dành sự quan tâm xứng đáng đối với đời sống mọi mặt của các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản; đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi về môi trường diễn xướng để thực hành Xòe Thái phù hợp với các điều kiện phát triển mới của đất nước.
Một lần nữa, tôi xin chúc sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của cha ông ta phát triển vững chắc, đạt được nhiều thành tựu; để nền văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở.
Chúc các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý, các nghệ nhân cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!