Nghề đan rọ tôm ở Xuân Lai
- Cập nhật: Thứ ba, 30/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có đến Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái mới thấy người người đan rọ. Các bà, các chị đan rọ, trẻ em đan rọ. Người Tày đan, Người Dao đan, người Kinh cũng đan rọ. Cả xã có 630 hộ dân thì có trên 590 hộ đan rọ tôm.
Nghề đan rọ tôm gắn bó với bà con trong xã như việc trồng lúa, trồng màu hay nuôi con gà con lợn. Trồng cấy còn có thời vụ, nhưng đan rọ tôm thì quanh năm suốt tháng. Ngày nào họ cũng đan, chuẩn bị ra đồng tranh thủ đan, ngồi xem truyền hình đan, mưa đan, nắng cũng đan.
Rọ tôm đồng bào đan chủ yếu là để bán, bởi xã chỉ có 2 trong số 13 thôn tiếp giáp với nước hồ, số hộ đánh bắt tôm không nhiều. Vả lại rọ tôm Xuân Lai có tiếng lắm, ai mua về thả cũng nói bắt được nhiều tôm. Được khách nên cứ khi rỗi chân, rảnh tay là người ta lại tranh thủ đan rọ bán.
Để đan rọ tôm không thể thiếu được cây giang và nứa hoặc sợi cây tế. Từ những nguyên liệu này mà sinh ra 2 loại rọ là rọ tế và rọ nứa (hay còn gọi là rọ tống). Rọ tế khi đánh người ta cắm xuống bùn, rọ nứa thì thả dây. Cũng chính vì thế rọ bắt tôm cũng cơ bản theo mùa nước hồ Thác Bà. Từ tháng giêng đến khoảng tháng sáu, nước hồ rút người ta cắm rọ tế; tháng bảy tháng tám trở đi người ta thả rọ nứa.
Rọ tôm như một đặc sản ở chợ quê Xuân Lai, huyện Yên Bình
Đan rọ tôm không khó, nhưng cũng phải trải quan những công đoạn khá tỷ mỷ, cầu kỳ. Bà con tự vào rừng chặt nứa, lấy giang, tìm tế nhưng cũng có khi tìm mua trong những phiên chợ. Cây giang, cây nứa phải già, cây tế thì phải lấy đúng vụ. Giang nứa mà non hoặc vừa chớm bánh tẻ đan rọ sẽ bị ngót, tế già thì giòn.
Đang mùa nước, đồng bào tập trung đan rọ nứa. Nan nứa phải được chẻ đều, giang để làm nan hom. Mỗi cái rọ có 2 hom, một cái ngoài một cái trong, khi đan gọi là hom ngắn và hom dài. Đan hom người ta cần một chiếc khuôn thế này thì nan hom mới đều và dẻo nhưng vẫn cứng sắc. Nếu có nhiều người cùng đan sẽ hình thành dây chuyền, chẻ nan người đan hom, người đan rọ.
Rồi những chiếc rọ nhanh chóng hình thành nhờ đôi bàn tay nhanh nhẹ của các bà các chị. Đan vào những lúc nông nhàn nên nếu chuẩn bị sẵn nguyên liệu người nhanh tay, thạo việc có thể đan ba chục rọ mỗi ngày. Những em bé này quanh quẩn bên mẹ, lúc nan lúc rọ, chỉ vài ba năm nữa cũng trở thành những người tiếp thu nghề của người lớn. Các cụ già không đan thấy buồn tay, trẻ em đan rọ đỡ đần cha mẹ. Chẳng thế mà không một người dân nào của xã lại không biết cái nghề này.
Thông thường, rọ được xâu 20 chiếc một, xếp thành tầng vài chục hoặc cả trăm cái chuyển ra chợ. Điều đặc biệt là một số xã ở khu vực đông hồ có đan rọ tôm cũng đều mang tới đây bán. Rồi chính người dân của các xã này lại tới đây mua. Chợ Xuân Lai có khi sắp thành "Chợ Rọ". Dân Phúc An, Yên Thành, Mỹ Gia, Cảm Nhân và nhiều nơi khác đến Xuân Lai mua rọ. Mua rọ ở đây bắt được nhiều tôm, điều đó được coi như niềm tin hay có một sự linh nghiệm nào đó. Có người còn tìm đến đặt những chiếc rọ dài hơn để bắt tôm to. Lại có tin rọ tôm của Xuân Lai đã có mặt ở Hồ Hoà Bình, hồ Thủy điện Na Hang tỉnh Tuyên Quang.
Một tuần 2 phiên vào thứ tư và thứ bảy, chợ tan bà con lại về nhà để tranh thủ chuẩn bị đan rọ cho phiên chợ tới. Mỗi cái rọ chỉ một hai ngàn đồng, số tiền thu được không nhiều chỉ đủ chi tiêu hàng ngày. Nhưng với đất thuần nông như Xuân Lai, cái nghề này với đồng bào thật đáng gắn bó lắm. Và biết đâu, tới đây không phải đơn thuần là rọ tôm, người dân ở đây lại sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì giá trị mang lại sẽ lớn biết bao?!
Quang Tuấn