Tết của người Mường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 6/2/2010 | 9:04:57 AM

YBĐT - Cụ bà Hà Thị Hom, người Mường ở bản Lý 2, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn kể: Năm nào cũng vậy, ngay từ tháng 4, tháng 5 các gia đình đã chuẩn bị gà, lợn để dành đến tết. Nhà giàu có thì lợn to, nhà bình thường thì lợn nhỏ. Thường thì đến tháng 12 Âm lịch, tất cả các gia đình đều đã chuẩn bị đầy đủ từ lợn, gà đến trầu cau...

Làm lễ vào múa Mơi của người Mường xã  Sơn A (Văn Chấn).
(Ảnh: Thanh Chi)
Làm lễ vào múa Mơi của người Mường xã Sơn A (Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Chi)

Trước đêm 30 tết, ngoài cổng, chân cầu thang của các nhà thường dán 2 lát củ ráy thái mỏng để xua đuổi  tà ma đến quấy nhiễu gia chủ những ngày tết.  Ngày 28 – 29 tết các gia đình đều mổ lợn gói bánh chưng, bánh tày. Giống người Kinh, người Mường cũng thờ bánh chưng, bánh dày biểu tượng của đất trời.

Ngoài ra trên bàn thờ tổ tiên của các gia đình không thể thiếu món bánh tày, bởi bánh tày gắn với truyền thuyết khai thiên lập địa xưa kia của tổ tiên họ. Để phân biệt bánh tày của dân tộc mình với các dân tộc khác, người Mường thường buộc từ 3 đến 5 lạt.

Người Mường cũng ở nhà sàn như người Thái, tuy nhiên khác ở chỗ nhà của người Mường thường có 3 bàn thờ, một bàn thờ ông Công ông Táo, một thờ gia tiên và một thờ ông Thần Đất.

Bàn thờ của người Mường thường bố trí xuôi theo phía chân cầu thang lên, tức là gian ngoài cùng, bàn thờ ông Táo cùng phía với bàn thờ gia tiên nhưng cao hơn bàn thờ gia tiên một bậc.

Còn bàn thờ Thần Đất thì ở góc vườn bởi ông sẽ là người cai quản, trông coi đất đai và gia súc cho gia chủ. Người Mường quan niệm rằng ông Táo là người trông coi nhà cửa, gia đình, không có ông trông coi gia đình sẽ không yên tâm làm ăn, vì vậy ông Táo mới to hơn gia tiên.

Sau khi mổ lợn, thủ lợn sẽ được bày lên bàn thờ gia tiên, cùng với bánh chưng, bánh tày và 2 cây mía, vàng, hoa quả và vải vóc. Bàn thờ ông Táo gồm một con gà trống thiến, bánh chưng và hoa quả. Bàn thờ Thần Đất cũng giống ông Táo chỉ có khác là thêm cốc nước.

Đêm 30, khi gà cất tiếng gáy chuyển canh báo hiệu thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, tất cả mọi thứ sau khi đã bày xong, người Mường sẽ cúng ông Táo trước, sau cúng đến gia tiên, cuối cùng mới cúng ông Thần Đất.

Cúng  giao thừa xong, các gia đình sẽ cùng nhau ra con suối đầu làng, chỗ trong và sạch nhất, mỗi gia đình lấy đủ một gánh nước. Trước khi lấy nước, mỗi gia đình phải thắp nén hương trước con suối, đợi cho thày mo của làng cúng xong, các gia đình mới được lấy. Nước lấy về để gột rửa những cái gì được coi là cũ  trong năm, với ý cầu mong một năm mới tốt lành, mới mẻ, sau đó lấy một cốc nước sạch thờ ông Thần Đất với ý nguyện Thần Đất sẽ giữ cho nguồn nước của gia đình quanh năm luôn trong sạch.

Sáng ra, con trâu sẽ được các gia đình cho ăn trước, bởi người Mường cũng quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp, cho trâu ăn trước để trâu còn đi làm. Với người Mường, việc thờ cúng ngoài trời rất quan trọng nên ngay trong sáng mồng 1 tết các gia đình đều chuẩn bị cho mỗi thành viên một cây hương để cúng bản mệnh ngoài trời. Sau khi cúng xong mới đi chúc tết họ hàng.

Trong ba ngày tết, người Mường chỉ đi tết cha tết mẹ, tết thầy cúng - những người quan trọng nhất trong quan niệm của họ. Trong những ngày tết, nếu chưa được phép của già làng thì không ai được ra đồng làm việc. Đến sau ngày 7 tháng Giêng, khi làng mở lễ hội “mở mắt cồng, mắt lệnh” hay còn gọi là lễ hội xuống đồng, người dân mới được ra đồng. 5 giờ sáng hôm đó mọi người trong bản tập trung tại phủ thờ Thành Hoàng, đợi thày mo làm thủ tục cúng các các vị thánh trong làng phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà, cây lúa tốt tươi, ít sâu bệnh.

Thày mo cúng xong, người dân sẽ lại tiếp tục vui chơi. Sau tết Nguyên đán là lễ hội Thẩm Han để tưởng nhớ đến nàng Han, nhân vật truyền thuyết của người Mường Văn Chấn có công đánh giặc giữ đất.

Cứ như vậy, người Mường đón tết vui xuân đến hết ngày 9 tháng Giêng, họ lại ra đồng lao động sản xuất để bắt đầu một năm mới nhiều hy vọng.

Lê Thanh

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục