Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Rome, sắc lệnh mới đã này mở rộng một số biện pháp đã được áp dụng trước đó để đảm bảo tính thống nhất trên toàn lãnh thổ, triển khai các phương án dự phòng và quản lý tình trạng khẩn cấp của dịch COVID-19.
Theo sắc lệnh mới, Italy được chia thành 3 khu vực can thiệp, áp dụng ít nhất đến ngày 8/3. Ngoài các biện pháp áp dụng với vùng "đỏ", gồm 10 thị trấn điểm dịch tại vùng Lombardia và 1 thị trấn vùng Veneto, vùng "vàng" gồm Emilia Romagna, Lombardia, Veneto, tỉnh Pesaro, Urbino và Savona, các biện pháp mới cũng được bổ sung với vùng còn lại trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong vùng đỏ vẫn tập trung cấm người dân ra vào vùng dịch, đình chỉ các sự kiện, đóng cửa các trường học, ngừng các hoạt động giao lưu giáo dục, đóng cửa các bảo tàng, tạm ngưng hoạt động của các cơ quan hành chính, trừ các dịch vụ thiết yếu, các dịch vụ vận tải.
Về các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong vùng vàng, sắc lệnh đình chỉ các sự kiện, các hoạt động thi đấu thể thao, đóng cửa các trung tâm thể thao, văn hóa, trường học… Áp dụng quy tắc "giọt bắn" (droplet), nhằm giữ khoảng cách an toàn với mọi người, cách nhau ít nhất 1m trong các quán bar, nhà hàng, bảo tảng và nhà thờ.
Trong khi đó, các biện pháp phòng ngừa, thường xuyên rửa tay, khử trùng tại các cơ quan công sở… cũng được khuyến cáo với các vùng còn lại.
Ngoài ra, bất kỳ trường hợp nào trở về từ Trung Quốc hoặc vùng đỏ kể từ ngày 14/2 đều phải thông báo cho cơ quan y tế địa phương.
Về tình hình lây nhiễm Covid-19, tính đến 18h00 ngày 1/3 (giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ Dân sự nước này cho biết, tổng số người được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là 1.694, trong đó có 83 người đã hồi phục, số ca tử vong đã tăng lên đến 34 trường hợp.
Tốc độ lây lan của dịch Covid-19 tại các nước Tây Âu không có dấu hiệu suy giảm khi Italia có thêm gần 600 ca nhiễm mới và 5 người tử vong.
Các con số do Bộ Y tế Italia công bố trong tối ngày 1/3 cho thấy, tốc độ lây lan hàng ngày của virus Sars-CoV-2 tại nước này đã ở mức ngang với 2 ổ dịch lớn nhất tại châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc, với tổng cộng gần 550 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 1/3, nâng tổng số ca nhiễm virus Sars-CoV-2 tại nước này lên con số 1.688 ca. Thêm 5 nạn nhân nữa tử vong, nâng số người thiệt mạng tại nước này từ khi dịch bùng phát lên con số 34.
Tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm buộc nhà chức trách Italia đưa ra thêm các biện pháp mới, trong đó tại các vùng dịch, người dân được yêu cầu đứng cách xa nhau ít nhất 1m.
Nhằm xoa dịu sự tức giận của dân chúng ở 11 địa phương đang bị phong toả ở vùng Lombardy và Veneto, chính quyền các vùng này dự kiến sẽ cho mở cửa lại một số địa điểm công cộng như bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát nhưng hạn chế số người và yêu cầu tuân thủ chặt chẽ việc giữ khoảng cách. Ngoài ra, trường học ở các vùng này sẽ tiếp tục đóng cửa ít nhất là đến ngày 8/3.
Tại Đức, dịch Covid-19 cũng đang bùng phát. Số ca nhiễm virus Sars-CoV-2 tại Đức đã tăng gần gấp đôi trong ngày 1/3, từ 66 ca trong ngày 29/2 lên 129 ca. Hơn một nửa số ca nhiễm tập trung ở bang Bắc Rhine-Westphalia ở phía Tây, nơi có các đô thị lớn như Cologne và Dusseldorf. Tổng cộng đã có 9/16 bang tại Đức có các ca nhiễm virus Sars-CoV-2.
Trong ngày 1/3, chính phủ Đức đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp và ra quyết định huỷ bỏ một loạt các sự kiện lớn diễn ra tại nước này, đồng thời yêu cầu tất cả những công dân có triệu chứng cảm cúm ở nhà. Bộ trưởng Nội vụ Đức, Horst Seehofer không loại trừ khả năng Đức sẽ phong toả các thành phố nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm tăng lên 80 ca, trong đó có một ổ dịch mới ngay sát thủ đô Madrid. Tại Anh, trong ngày 1/3 cũng đã phát hiện thêm 12 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 35.
Điều đáng ngại là một trong số các bệnh nhân bị phát hiện dương tính mà không có bất cứ một triệu chứng nào, khiến giới chức y tế Anh nhận định, nước này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một đợt bùng phát trong những ngày tới.
(Theo Tin tức - VOV)