Nhà lãnh đạo này cho rằng, không một quốc gia nào có thể đối mặt một mình với đại dịch. Hơn bao giờ hết, chính phủ các nước phải hợp tác để hồi sinh các nền kinh tế, mở rộng đầu tư công, thúc đẩy thương mại và bảo đảm sự hỗ trợ cho người dân cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tới nay, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn khẳng định, mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của việc bùng phát đại dịch và cách thức phản ứng của chính phủ các nước.
Tới sáng 16-3 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 169.354 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 6.500 người thiệt mạng, 76.618 trường hợp hồi phục.
Châu Âu:
Lục địa già tiếp tục là điểm nóng, trong đó Italia hiện đã trở thành tâm dịch khi ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục, tăng tới 3.590 ca chỉ sau một đêm, khiến nước này hiện có tới 24.747 trường hợp nhiễm Covid-19. Đây là con số rất lớn bởi đất nước hình chiếc ủng chỉ có hơn 60 triệu dân, trong khi Trung Quốc là hơn 1,4 tỷ dân nhưng tới nay mới chỉ có 80.849 ca nhiễm.
Gây bất ngờ không kém là Tây Ban Nha, với 1.452 ca nhiễm mới. Hiện quốc gia này xếp ở vị trí thứ hai châu Âu về số người bị nhiễm SARS-CoV-2 với 7.843 trường hợp, vượt qua Đức với 5.813 ca (trong đó có 1.214 ca nhiễm mới) và Pháp với 5.423 ca (trong đó có 924 ca nhiễm mới).
Đức trở thành quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) mới nhất đóng cửa biên giới từ ngày 16-3 đối với người đến từ Pháp, Áo và Thụy Sĩ, trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của Covid-19.
Chính phủ Hà Lan đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, quán bar, nhà hàng và một số địa điểm giải trí để ngăn chặn đại dịch. Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Arie Slob cho biết, từ ngày 16-3 đến 6-4, các trường phổ thông và nhà trẻ sẽ đóng cửa, nhưng những em nhỏ có bố mẹ làm công việc quan trọng sẽ được trông giữ ở trường.
Diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến EU quyết định áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế, trong mục tiêu bảo đảm nguồn cung cấp riêng của khối cho cuộc chiến chống đại dịch. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo, việc các nước EU áp đặt kiểm soát biên giới đang đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt. Các hạn chế được áp dụng với một loạt các trang thiết bị như khẩu trang, kính, mặt nạ bảo vệ, tấm chắn mặt, bảo vệ mũi và quần áo bảo hộ. Chủ tịch EC nhấn mạnh sự cần thiết đối với các nước EU là phải chia sẻ trang thiết bị với nhau.
Bên ngoài EU, tại Nga, Bộ Khoa học và Giáo dục đại học nước này đã khuyến nghị các trường đại học tổ chức việc học tập từ xa cho sinh viên, bắt đầu từ ngày 16-3, nhằm ngăn chặn lây lan vi rút SARS-CoV-2. Bộ này cũng yêu cầu lãnh đạo các tổ chức khoa học và giáo dục kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp vệ sinh và phòng chống dịch.
Châu Á:
Trung Quốc có 80.849 ca nhiễm, trong đó có 5 ca nhiễm mới và Hàn Quốc có 8.162 ca nhiễm với 76 ca nhiễm mới. Hai nước này đang dần khống chế được dịch bệnh.
Trong khi đó, một số quốc gia khác vẫn gia tăng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nhằm bảo đảm khả năng khống chế dịch Covid-19.
Cụ thể, Saudi Arabia đã quyết định đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại, trừ các cửa hàng thực phẩm và dược phẩm, đồng thời, cấm phục vụ đồ ăn tại các nhà hàng và quán cà phê. Còn Qatar quyết định đình chỉ tất cả các chuyến bay tới nước này, ngoại trừ các đường bay quá cảnh và vận tải hàng hóa, đồng thời ngừng các dịch vụ giao thông công cộng, coi đây như biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chính phủ Iraq đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad kể từ ngày 17-3 cho đến ngày 24-3.
Châu Mỹ:
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan trên toàn nước Mỹ. Lãi suất đã giảm xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng đã kêu gọi người dân Mỹ không tích trữ hàng nhu yếu phẩm hằng ngày, đồng thời khẳng định giới chức địa phương và liên bang đang làm việc với các chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa đầy đủ. Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người dân Mỹ đổ xô tới các siêu thị để mua hàng sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có thể sử dụng khoản viện trợ liên bang trị giá 50 tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch. Nhu cầu tăng cao đột biến của người dân khiến một loạt các siêu thị của Mỹ rơi vào tình trạng không cung cấp kịp hàng thực phẩm và một số mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày khác.
Trong ngày 15-3 (giờ địa phương), Thị trưởng New York Bill de Blasio đã thông báo quyết định đóng cửa các trường học công từ ngày 16-3 đến 20-4 tại thành phố lớn nhất nước Mỹ nhằm ngăn chặn dịch lan rộng. Hiện số ca nhiễm tại New York đã vượt quá 300.
Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo, nước này có thêm 7 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, đồng thời ban bố lệnh cách ly đối với 7 bang trên lãnh thổ nước này. Tổng thống N.Maduro cho hay, toàn bộ các ca nhiễm mới đều nhập cảnh từ nước ngoài, với 4 người đến từ châu Âu, 1 người từ Colombia và 2 người khác đến từ các nơi khác trên thế giới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 17 người.
Không chỉ Venezuela, nhiều nước Trung và Nam Mỹ cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn lây lan Covid-19. Tại Honduras, ngay sau khi ghi nhận 3 ca dương tính với SARS-CoV-2, chính phủ nước này đã ban bố lệnh báo động đỏ trên toàn lãnh thổ, bao gồm cả lệnh cấm các cuộc hội họp với 50 người tham gia trở lên, đồng thời thành lập các đơn vị y tế để chăm sóc những người nhiễm bệnh.
Chính phủ Panama cũng tuyên bố hủy tạm thời các chuyến bay thương mại xuất phát từ châu Âu và châu Á, trừ những trường hợp liên quan tới vận chuyển thuốc men, cung cấp bác sĩ và viện trợ nhân đạo. Trong khi đó, Chính phủ Guatemala kêu gọi người dân không tham gia tụ tập đông người nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời ban bố tình trạng cảnh báo cấp cao nhất trên cả nước.
(Theo HNMO)