YênBái - Khi cả nước đã và đang chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19 thì ý thức, trách nhiệm của mỗi người được đề cao. Ý thức không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, bảo vệ cho gia đình, bảo vệ khu dân cư mà còn là bảo vệ cả cộng đồng. Có biết bao câu chuyện diễn ra trong cuộc sống tưởng như rất bình thường nhưng lại vô cùng thiết thực.
|
Tranh cổ động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
|
Chuyện thứ nhất: Có nhóm chị em trong một gia đình gồm cả chị em ruột, chị em họ, chị em dâu đã tạo một nhóm Zalo để trao đổi thông tin vì sống xa nhau về mặt địa lý. Gặp thời Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, họ liên tục gửi cho nhau thông tin, diễn biến, tình hình dịch bệnh cũng như dặn dò nhau thực hiện tốt hướng dẫn của ngành y tế, địa phương.
Một hôm, cô em họ ít tuổi nhất trong nhóm chưa lập gia đình có đăng lên một đoạn ngắn ngắn, ý là chớ lo lắng quá về con virus corona ấy nhưng cách nói thì lại mang chút cười cợt.
Ngay lập tức, các chị em góp ý luôn và nhắc cô gỡ bài nếu như trót chia sẻ ở các nhóm, các trang khác. Cô em cũng nhanh chóng nhận ra và xin lỗi các chị.
Chuyện thứ hai: Khi Việt Nam công bố bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 ở Hà Nội, một số người dân thành phố đã đi mua dự trữ gạo, mì tôm… và một số nhu yếu phẩm khác. Chồng chị bạn cũng nằng nặc đòi vợ phải mua dự trữ ít nhất một tạ gạo cho yên tâm. Chị nói không cần thiết nhưng lý do anh đưa ra là "riêng con trai mình tuổi 17 mỗi bữa ăn bằng cả anh, cả em, cả chị nó gộp lại thì phải lo chứ”.
Chị phải mở điện thoại cho tận mắt anh đọc, tận tai anh nghe thông tin của Chính phủ, của địa phương về việc luôn bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân. Nhân chuyện này, chị "phê bình” chồng suốt ngày game với game mà không chịu xem ti vi, nghe thời sự.
Chuyện thứ ba: Trong khu dân cư nhỏ, nhà hàng xóm có cô con gái vừa từ Hà Nội về thăm bố mẹ. Mọi người biết tin liền nhắc gia đình nói cô con gái phải thực hiện khai báo y tế. Bà mẹ bảo con gái mình vẫn khỏe mạnh bình thường, không có dấu hiệu, triệu chứng dịch bệnh nên cũng không cần thiết.
Thấy vậy, mọi người lại nhắc bà rằng bản cam kết thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã ký thì phải nghiêm túc chấp hành. Việc khai báo y tế trực tuyến cũng hết sức đơn giản theo hướng dẫn có ngay ở mặt sau bản cam kết. Cho chắc chắn, một ông trong khu còn xin bà mẹ số điện thoại của cô con gái để trực tiếp nhắc nhở.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Sức khỏe và tính mạng của người dân là quan trọng nhất”, tinh thần "Chống dịch như chống giặc” và "Càng khó khăn càng quyết tâm, cố gắng” nên mỗi người dân càng phải nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng. Mỗi người chủ động, tích cực phòng chống dịch Covid-19 bằng sự lạc quan nhưng không chủ quan và chỉ đơn giản là "Hãy ở yên một chỗ khi Tổ quốc cần”.
Nguyễn Thơm
Tags
Cốt lõi
ý thức
trách nhiệm
xã hội
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân 52 tuổi đi chuyến bay TK 162 ngày 10-3, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Đến 19h00 ngày 18/3/2020, tại tỉnh Yên Bái chưa phát hiện ca nhiễm bệnh nào. Có 20 ca nghi ngờ nhiễm được cách ly điều trị, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính với COVID-19, đã được điều trị khỏi và xuất viện. Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19 tỉnh Yên Bái ra Thông cáo báo chí số 09 về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 (tính đến 19h00 ngày 18/3/2020:
Từ hôm nay- 18/3, tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan có nhiều khách đến giao dịch phải đo thân nhiệt và áp dụng các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 tại các sân bay khi lượng người Việt về nước tăng mạnh.