COVID-19 ngày 24/3: Dịch bệnh đang tăng tốc, Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, Myanmar có 2 ca nhiễm đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2020 | 8:53:06 AM

"Sự lây lan mạnh của SARS-CoV-2 cho thấy sự điên rồ của chiến tranh", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Hơn 370.000 người nhiễm bệnh, hơn 16.000 ca tử vong

"Đại dịch COVID-19 đang tăng tốc, nó mất 67 ngày từ khi ca đầu tiên được ghi nhận để lên tới mốc 100.000 ca lần đầu, mất 11 ngày để cán mốc 100.000 ca lần thứ hai và chỉ mất có 4 ngày để đạt mốc 100.000 ca lần thứ ba", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.

Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus đã kêu gọi đưa ra một cam kết chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh và cho biết trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến vào tuần này, ông sẽ kêu gọi họ phối hợp với nhau nhằm thúc đẩy việc sản xuất thiết bị bảo hộ thiết yếu phục vụ nhân viên chăm sóc y tế.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh đang tăng tốc

Cảnh báo của Tổng Giám đốc WHO đưa ra trong bối cảnh, số người nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh bất chấp nỗ lực mạnh tay đến từ các quốc gia.

Hiện dịch bệnh đã lan rộng đến hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thống kê mới từ Worldometers cho thấy đã có hơn 378.000 ca nhiễm bệnh, trong đó có hơn 16.491 người tử vong vì COVD-19 trên toàn thế giới.

Những ổ dịch lớn bên ngoài Trung Quốc đại lục có thể kể đế như: Italy - hơn 63.000 ca nhiễm, Mỹ - hơn 43.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha – hơn 35.000 ca nhiễm...

Myanmar ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên

Bộ Y tế và Thể thao Myanmar ngày 24/3 thông báo, nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phòng xét nghiệm y tế quốc gia (Yangon) đêm 23/3 thông báo, 2 nam công dân Myanmar vừa trở về từ Mỹ và Anh, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nguồn tin nêu rõ, một bệnh nhân 36 tuổi từ Mỹ về nước hôm 13/3 đã được điều trị cách ly tại bang Chin do sốt cao, và một bệnh nhân 26 tuổi từ Anh về nước hôm 22/3 cũng được đưa vào phòng cách ly ở Yangon để điều trị sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn toàn cầu

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 23/3 đã kêu gọi một lệnh "ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức" nhằm bảo vệ những người dân thường dễ bị tổn thương tại các vùng chiến sự khỏi sự hoành hành của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra.

Trong một bài diễn văn ngắn tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ông Guterres nêu rõ: "Sự lây lan mạnh của SARS-CoV-2 cho thấy sự điên rồ của chiến tranh… Đó là tại sao mà hôm nay tôi kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở mọi ngõ ngách trên toàn thế giới".

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu để đối phó với đại dịch COVID-19

Theo Tổng thư ký Guterres, đã đến lúc ngừng xung đột vũ trang, chấm dứt giao tranh, pháo kích và oanh tạc, thay vào đó hãy cùng nhau tập trung vào cuộc chiến thực tế giải cứu sinh mạng của chúng ta.

Anh phong tỏa toàn quốc

Trong khi đó tại nhiều quốc gia, đã có thêm nhiều những lệnh phong tỏa hay giới nghiêm được phát đi để hạn chế sự lây của COVID-19.

Theo diễn biến mới nhất vào sáng sớm nay (24/3) theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3 (theo giờ Anh).

Quyết định được Thủ tướng Boris Johnson công bố được cho là vô cùng "khắt khe", xa lạ, ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống hàng ngày của người Anh. Tuy nhiên, ông Johnson nói không còn cách nào khác nếu như nước Anh muốn ngăn chặn đại dịch, mối đe dọa lớn nhất cho nước Anh trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Theo thống kê, hiện Anh đang có 6.650 ca nhiễm, trong đó có 335 người tử vong vì dịch bệnh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần

Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc và đến cơ quan làm việc những việc không thể làm được tại nhà. Lệnh phong tỏa cũng cấm tụ tập gặp gỡ từ 2 người trở lên, tuy nhiên 2 người ở cùng một nhà có thể đi cùng nhau.

Mọi người có thể ra ngoài tập thể dục như chạy, đi bộ. Mọi hoạt động như gặp gỡ bạn bè, lễ cưới, cúng lễ đông người đều không được phép, trừ trường hợp đám tang. Cảnh sát Anh có quyền hỏi và bắt phạt các trường hợp vi phạm.

Tương tự Anh, Nam Phi cũng đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, trong bối cảnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 những ngày qua đã biến quốc gia này thành ổ dịch lớn nhất tại châu Phi.

Theo thống kê sơ bộ của hãng tin AFP trong ngày 23/3, khoảng 1,7 tỷ người tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã được yêu cầu ở yên trong nhà

Theo thống kê sơ bộ của hãng tin AFP trong ngày 23/3, khoảng 1,7 tỷ người tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã được yêu cầu ở yên trong nhà, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực đối phó với dịch COVID-19. Ít nhất 34 quốc gia như Pháp, Italy, bang California của Mỹ, Argentina, Iraq và Rwanda... đã áp đặt các biện pháp phong tỏa bắt buộc. 

Ít nhất 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Burkina Faso, Chile, thủ đô Manila của Philippines, Serbia và Mauritania... đã ban bố lệnh giới nghiêm và cấm đi lại vào ban đêm.

Thủ tướng Đức có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2

Trong bức tranh u ám về dịch bệnh trên toàn cầu, vẫn có những thông tin tích cực.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert thông báo trong lần xét nghiệm đầu tiên, kết quả cho thấy Thủ tướng Merkel không bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông cho biết các cuộc xét nghiệm tiếp theo sẽ được thực hiện trong những ngày tới.

Theo ông Seibert, tình trạng sức khỏe của Thủ tướng Merkel vẫn ổn định và bà vẫn làm việc cũng như điều hành công việc của chính phủ trong thời gian tự cách ly tại nhà.

Trong khi đó tại Italy, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 dường như đang có xu hướng giảm. Theo đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 23/3 công bố, nước này ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm mới, giảm so với 5.560 ca trong ngày 22/3. Trong khi đó số ca tử vong trong ngày 23/3 tại Italy được ghi nhận là 601 người, giảm so với 793 ca tử vong trong ngày thứ Bảy, và 651 người trong ngày Chủ Nhật.

Vùng tâm dịch Lombardia cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực, tổng số ca mắc COVID-19 tính tới ngày 23/3 là 28.761 trường hợp, tăng 1.555 ca, so với mức 1.691 ca của ngày 22/3.

(Theo VTV)

Tags

Các tin khác
Hai đứa trẻ theo dõi Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu qua truyền hình ngày 23-3.

Theo lệnh phong tỏa được Thủ tướng Boris Johnson công bố, người dân Anh cũng sẽ phải tuân thủ các lệnh hạn chế đi lại chặt chẽ hơn.

Ảnh minh họa.

Bệnh nhân thứ 123 là nữ, 17 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Bệnh nhân sống tại Sarawar - Malaysia được 3-4 tháng nay.

Ông Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp nhận số tiền ủng hộ của bà Thịnh – Việt kiều ở bang Oklahoma (Mỹ).

Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái cung cấp Thông cáo báo chí số 14 về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (tính đến 18h30 ngày 23/3/2020) như sau:

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai thực hành xét nghiệm khẳng định Covid-19

15/15 mẫu xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đều trùng khớp hoàn toàn so với kết quả của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục