Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 832 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể một số nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
Công văn nêu rõ:
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bênh COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, chấp hành, tổ chức thực hiện nghiêm lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 31/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 31/3/2020 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng, chống dịch với phương châm "thần tốc, đồng bộ, toàn dân, toàn diện; không để ai đứng ngoài, không để ai phía sau".
Thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ ngày 01/4/2020, cụ thể như sau:
Đối với các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp phù hợp làm việc tại nhà, trừ những trường hợp cần thiết, trong đó yêu cầu: thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện việc giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm, yêu cầu thời hạn báo cáo kết quả thực hiện cụ thể đối với từng nhiệm vụ, công việc đã giao; không để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao vì lý do không đến cơ quan làm việc; cán bộ, công chức, viên chức được bố trí làm việc tại nhà phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp phù hợp để giải quyết công việc; đảm bảo hoàn thành tốt, đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công.
Những trường hợp phải trực cơ quan để xử lý công việc gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; lãnh đạo các cơ quan, phòng, ban chuyên môn thuộc Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và tương đương. Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, trưởng các đoàn thể cấp xã. Thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người làm việc trong các ngành y tế, quân đội, công an.
Đối với những vị trí làm việc cần thiết, cấp bách, quan trọng như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, thực hiện thủ tục hành chính và các nhiệm vụ cần thiết khác: Do thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định, đảm bảo nguyên tắc làm việc luân phiên, số người làm việc tại cơ quan không quá 50% tổng số biên chế của cơ quan, đơn vị (trường hợp đặc biệt cần bố trí số người làm việc nhiều hơn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định).
Các cơ quan, đơn vị phải chủ động đảm bảo công tác đảm bảo an ninh, an toàn cơ quan, không để người xấu, kẻ gian lợi dụng sơ hở để trộm cắp, phá hoại tài sản của cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại công sở. Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giữ khoảng cách tối thiểu khi làm việc...).
Đối với các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện: Đối với các đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo các dịch vụ xã hội thiết yếu: Bố trí làm việc luân phiên tại cơ quan, đơn vị không quá 50% tổng số lao động của đơn vị (trường hợp đặc biệt cần bố trí số người làm việc nhiều hơn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định). Thực hiện giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm cho cán bộ, viên chức; yêu cầu báo cáo tiến độ triển khai, thời hạn báo cáo kết quả thực hiện công việc cụ thể.
Đối với những đơn vị sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ không cấp bách, chưa thực sự cần thiết (như các đơn vị sự nghiệp văn hóa, giáo dục, thể thao...): Cơ bản bố trí cán bộ, viên chức làm việc ở nhà; bố trí cán bộ lãnh đạo và một số cán bộ để trực cơ quan và giải quyết các công việc phát sinh, đột xuất, quan trọng. Thực hiện việc giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm cho cán bộ, viên chức; yêu cầu báo cáo tiến độ triển khai, thời hạn báo cáo kết quả thực hiện công việc cụ thể.
Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, viên chức đơn vị mình lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch tại đơn vị.
Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh: Người đứng đầu các doanh nghiệp, nhà máy, công xưởng, công trình thi công xây dựng, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình (đảm bảo khoảng cách giữa người lao động theo quy định, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn...), đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Thủy Thanh