Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge ngày 2-4 cho biết, hơn 95% trường hợp tử vong vì Covid-19 ở châu Âu có độ tuổi trên 60, nhưng những người trẻ tuổi không nên chủ quan. Quan chức này nhấn mạnh các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng đã được phát hiện ở những người trong độ tuổi thiếu niên hoặc độ tuổi 20, có nhiều trường hợp cần được chăm sóc y tế đặc biệt và một số trường hợp kém may mắn đã không qua khỏi.
Châu Âu
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng rất nhanh. Nước bị ảnh hưởng lớn nhất là Italia với 13.915 ca tử vong, Tây Ban Nha với 10.348 ca.
Đến nay, trên cả nước Đức đã ghi nhận 1.107 trường hợp tử vong vì Covid-19, 84.788 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và trên 22.000 người đã khỏi bệnh. Trong khi đó, Viện Dịch tễ liên bang Đức Robert Koch (RKI) đã bất ngờ thay đổi quan điểm trong việc đeo khẩu trang, theo hướng ủng hộ việc sử dụng đồ bảo hộ này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Cùng ngày, Cơ quan Y tế công cộng Thụy Sĩ thông báo đã ghi nhận tổng cộng 18.827 ca mắc Covid-19, 536 trường hợp tử vong. Tại Bồ Đào Nha, Nghị viện nước này ngày 2-4 đã phê chuẩn việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày nhằm ngăn chặn vi rút lây lan. Cho đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 9.034 ca nhiễm và 209 ca tử vong. Giới chức y tế nước này dự báo đỉnh dịch sẽ xảy ra vào cuối tháng 5.
Cùng ngày, tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết, Anh sẽ "tăng cường xét nghiệm hàng loạt" trong bối cảnh vi rút SARS-CoV-2 đang hoành hành mạnh tại nước này. Theo số liệu công bố ngày 2-4, Anh đã ghi nhận 2.921 ca tử vong và 33.718 trường hợp dương tính với vi rút này.
Tại Nga, nước này đã ghi nhận thêm 771 trường hợp mới nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại 29 tỉnh, thành và khu vực, đưa tổng số người mắc Covid-19 lên 3.548 người. Trong thông điệp lần thứ hai gửi tới người dân Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2-4 đã thông báo kéo dài thời hạn "ngày không làm việc” cho tới ngày 30-4 để chống lại sự lây lan của đại dịch.
Châu Mỹ
Ngày 2-4, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo cho biết, với tốc độ sử dụng máy thở cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhiều như hiện nay, tiểu bang chỉ còn đủ máy dùng cho người bệnh thêm 6 ngày nữa. New York đang cố gắng khắc phục tình hình bằng việc mua thêm máy thở từ nhiều nguồn khác nhau và cải biến một số máy áp lực dương liên tục thành máy trợ thở cho bệnh nhân. Hiện Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc bệnh Covid-19 với 241.658 trường hợp, trong đó có 5.827 người tử vong.
Cùng ngày, một hội đồng khoa học có uy tín của Mỹ đã thông báo với Nhà Trắng rằng nghiên cứu của họ cho thấy, vi rút SARS-CoV-2 có thể lây lan không chỉ khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, mà ngay cả khi họ nói chuyện và thậm chí là thở.
Trong một diễn biến liên quan, thiệt hại kinh tế của dịch bệnh đang ngày càng hiện rõ khi Bộ Lao động Mỹ ngày 2-4 thông báo có thêm 6,65 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, mức cao nhất trong lịch sử, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trên toàn đất nước.
Châu Á
Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 2-4 đưa tin, Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Larijani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Cho đến nay, ông này là quan chức cấp cao nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của Iran mắc Covid-19. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến nay Iran đã có 50.468 người nhiễm Covid-19 và 3.160 người tử vong vì dịch bệnh.
Diễn biến dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á cũng đang trở nên phức tạp. Trong phát biểu trên truyền hình chiều 2-4, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22h ngày 3-4 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo đó, người dân bị cấm ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian từ 22h đêm hôm trước đến 4h hôm sau, trừ đội ngũ y tế và những người có chức trách quan trọng. Theo Điều 18 của Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp, người vi phạm quy định này sẽ phải đối mặt với hình phạt không quá 2 năm tù, hoặc phạt tiền không quá 40.000 bath (1.200 USD) hoặc phải chịu cả hai hình phạt. Cho đến thời điểm này, Thái Lan đã ghi nhận 1.875 ca mắc Covid-19 và 15 ca tử vong.
Cùng ngày, WHO dự báo đỉnh dịch Covid-19 tại Malaysia có thể vào giữa tháng 4 khi mà có dấu hiệu số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đang chững lại. Malaysia hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất tại Đông Nam Á với 3.116 trường hợp và 50 người tử vong.
(Theo HNMO)