4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt lên
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, tính đến 12h ngày 6/4, tại Việt Nam đã ghi nhận 91/241 trường hợp đã khỏi bệnh. 4 bệnh nhân nặng đang có tiến triển tốt lên; 58 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên (bao gồm 24 trường hợp âm tính từ 2 lần).
Thống kê trong số 150 trường hợp đang điều trị cho thấy độ tuổi của các bệnh nhân trung bình là 34 tuổi; 40% là nam, 60% là nữ. Về quốc tịch có 123 bệnh nhân Việt Nam và 27 bệnh nhân nước ngoài, nhiều nhất là Anh (11), Brazil (6), Pháp (3). Chỉ 14 bệnh nhân có bệnh nền, trong đó tăng huyết áp là 7, ung thư là 3, còn lại là các bệnh khác.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, đã thực hiện 8.683 xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trong đó có 8.652 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố chủ yếu từ Công ty Trường Sinh.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại quán Bar Buddha, đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Liên quan đến bệnh nhân số 237 (người Thụy Điển), đã thực hiện rà soát, cách ly 455 trường hợp; lấy mẫu và xét nghiệm 101 nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân (trong đó có 45 nhân viên y tế của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương). Kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ 101 mẫu xét nghiệm đối với nhân viên y tế đều có kết quả âm tính (lần 1).
Không được chủ quan
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Chỉ thị số 15, 16. Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, nhân dân cả nước đã chấp hành tốt các Chỉ thị trên nên nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
Thủ tướng cũng nêu rõ vấn đề không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đã xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.
Thủ tướng nhận xét, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới có ít hơn và cùng với đó, số ca được công bố khỏi bệnh ngày càng nhiều hơn. Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm của các lực lượng Quân đội, y, bác sỹ, Công an - những người ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cách ly xã hội mạnh mẽ, thay đổi nếp sống của người dân để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Cùng với đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt, "nhường cơm sẻ áo" hỗ trợ những người trong tuyến đầu chống dịch trong mọi tầng lớp xã hội. Những hành động đẹp đó đã đem lại nhiều ý nghĩa to lớn, lan tỏa tinh thần đoàn kết, "anh em, đồng chí" của đồng bào, chiến sỹ cả nước chung tay chống dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Nhấn mạnh đến yêu cầu không được chủ quan, "say sưa với chiến thắng bước đầu", Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với sự bùng phát ở giai đoạn 2 của dịch bệnh. Do đó, để bảo tồn những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều thống nhất phải tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội.
"Chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch theo phương pháp "khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong"; tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến 15/4, cả hệ thống chính trị, các địa phương, ngành y tế và các đơn vị liên quan cần nắm chắc tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tăng cường phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở thờ tự, đám đông, các siêu thị, phương tiện công cộng tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao.
Thủ tướng đề nghị cần chuẩn bị tốt phương án bệnh viện dã chiến để không bị động trong mọi tình huống. Ban Chỉ đạo cần tập trung nắm vững các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả về công nghệ, giám sát, đánh giá. Điều phối các nguồn lực, hướng dẫn, đào tạo, tăng cường năng lực y tế cho các địa phương; hỗ trợ tăng cường công nghệ kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng một lần nữa chỉ đạo cần thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng; cho rằng, nếu làm tốt việc này sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.
Đi liền với đó, các địa phương có dịch xuất hiện cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân; thực hiện nghiêm ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng công nhân, giám sát việc tuân thủ phòng, chống dịch cho các cơ sở sản xuất. Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ sở sản xuất như Chỉ thị 16 đã quy định.
Về vấn đề máy thở, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình sản xuất máy thở; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.
Về công tác tuyên truyền, Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần phản ảnh đầy đủ, toàn bộ cuộc sống và công tác phòng, chống dịch, đề cao việc phản ảnh gương người tốt, việc tốt; nhân rộng truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn; phản ánh những ưu việt của chế độ, tính nhân văn của xã hội trong những tình huống khẩn cấp cần bảo vệ người dân.
Thủ tướng nêu rõ: Đội ngũ phóng viên cũng là những người trong tuyến đầu chống dịch, nhất là những "phóng viên chiến trường". Do đó, các cơ quan báo chí, cơ quan y tế cần quan tâm, tạo điều kiện bảo vệ phóng viên tác nghiệp trong dịch bệnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường hợp tác toàn cầu về phòng, chống dịch; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác về kinh tế. Việt Nam có thể xuất khẩu gạo có kiểm soát, xuất khẩu khẩu trang và phần mềm liên quan cho các nước có nhu cầu.
Thủ tướng lưu ý, hiện nay, những tiến bộ trong phòng, chống dịch đang diễn ra từng ngày, nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Thủ tướng chỉ đạo cần thành lập riêng một bộ phận chuyên gia của ngành y tế để theo dõi, đề xuất thông tin với Ban Chỉ đạo và Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị tạo điều kiện cho người Việt Nam, nhất là các nhóm yếu thế như trẻ em vị thành niên, người đi chữa bệnh nặng bị kẹt ở nước ngoài về nước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng biểu dương các địa phương bước đầu hỗ trợ người nghèo trên địa bàn.
Cho rằng đại dịch COVID-19 tuy mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, thời điểm này cũng mang đến nhiều cơ hội. Do đó, các ngành, các cấp và người dân cần đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động, tập trung phát triển các ngành, dịch vụ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, xử lý công việc, tăng cường phát triển vấn đề Chính phủ số, kinh tế số; sản xuất, xuất khẩu hàng hóa y tế dự phòng với các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ.
Song song với phòng, chống dịch, cần chủ động chuẩn bị những giải pháp toàn diện về phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
(Theo Tin tức)