Căn cứ Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 100/QĐ-BCĐQG ngày 30/3/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 về việc phê duyệt kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ dịch COVID-19, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 31/01/2020 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 70-KH/BCĐ ngày 21/3/2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cụ thể nhu sau:
Phần I: GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
I. CÁC KHÁI NIỆM
1. "Ca bệnh nghi ngờ" là các ca bệnh có các trỉệu chứng sốt, ho đau họng, khó thở, hoặc vỉêm phổi có các yếu tố dịch tễ sau:
- Có tiền sử đến/qua/ở/về từ các quốc gia vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa theo thông tin của tổ chức y tế Thế giới trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh
- Có tiền sử đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.
- Có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.
2. "Ca bệnh xác định" là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với virus COVID-19 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép được xét nghiệm khẳng định.
3. "Người tiếp xúc gần" là người có tiếp xúc trong vòng 2 mét đối với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh bao gồm:
- Người sống trong cùng hộ gia đình cùng nhà với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thòi kỳ mắc bệnh.
- Người cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp,...với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.
- Người ngồi cùng hàng và trước sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy,...) với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh. Trong một số trường hợp cụ thể, tùy theo kết quả điều tra dịch tễ, cơ quan y tế sẽ quyết định việc mở rộng danh sách người tiếp xúc gần đối với hành khách đi cùng một phương tiện giao thông.
- Bất cứ người nào có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh ở các tình huống khác.
4. "Ổ dịch " là một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị...) ghi nhận từ 01 cá bệnh xác định trở lên.
II. CÁC TỪ VIẾT TẮT
1. BCĐ tỉnh: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.
2. BCĐ cấp huỵện: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của huyện, thị xã, thành phố.
3. BCĐ cấp xã: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của xã, phường, thị trấn.
4. BVĐK tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
5. BVĐK KV Nghĩa Lộ: Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.
6. TTKSBT tỉnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
7. TTYT: Trung tâm y tế.
8. F0: Ca bệnh xác định, ca bệnh nghi ngờ.
9. Fl: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F0.
10. F2: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F1.
11. F3: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F2.
12. F4: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F3.
13. F5: Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với F4.
III.PHÂN LOẠI CẤP ĐỘ DỊCH BỆNH TẠI TỈNH
1. Cấp độ 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại tỉnh Yên Bái (Cấp độ 1 quốc gia là có trường hợp bệnh xâm nhập).
2. Cấp độ 2: Có trường hợp bệnh xác định đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh và dịch có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh đến 10 trường hợp mắc (Cấp độ 2 quốc gia là dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước)
3. Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên 10 trường hợp đến 50 trường hợp (Cấp độ 3 quốc gia là dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước).
4. Cấp độ 4: Dịch lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 50 trường hợp đến 100 trường hợp (Cấp độ 4 quốc gia là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc).
5. Cấp độ 5: Dịch lây lan rộng trong cộng đồng khi ghi nhận tổng số trên 100 trường hợp (Cấp độ 5 quốc gia là dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng từ trên 3.000 đến 30.000 và trên 30.000 trường hợp mắc).
Phần II: TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
1. Trên thế giới
Tính đến 10h00' ngày 06/4/2020, thế giới đã ghi nhận tổng số 1.278.253 người nhiễm vi rút COVID-19, trong đó có 69.533 người đã tử vong (chiếm 5,4% tổng số người nhiễm vi rút), 262.387 người được chữa khỏi (chiếm 20,5%). Dịch bệnh đang tăng nhanh, lan rộng tại 209 quốc gia/vùng lãnh thổ.
2. Tại Việt Nam
Tính đến 10h00’ ngày 06/4/2020, toàn quốc đã có 241 người mắc COVID-19, tại 26 tỉnh, thành phố; bao gồm: 149 người nước ngoài, 92 người lây nhiễm thứ phát (61 người tại ổ dịch trong nước). Trong đó có 91 bệnh nhân đã bình phục, 150 người đang điều trị cách ly. Tại 03 địa phương gần Yên Bái là Thành phố Hà Nội có 103 ca va Lào Cai có 02 ca, Phú Thọ 01 ca, Vĩnh Phúc 11 ca. Ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 quy mô toàn quốc.
3. Tại tỉnh Yên Bái
Đến 10h00' ngày 6/4/2020, chưa phát hiện các trường hợp nhiễm vi rút COVID-19. Tổng số trường hợp nghi ngờ, được theo dõi, cách ly điều trị là 26 người (07 người Trung Quốc và 19 người Việt Nam).
Tất cả 26 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính vi rút COVID-19, đã ra viện là 25 người, 1 người đang cách ly, điều trị bệnh khác tại bệnh viện. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh tại tỉnh Yên Bái là rất lớn.
Phần III: MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút COVID-19 gây ra theo phương châm "Bốn tại chỗ", sẵn sàng ứng phó với các cấp độ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch (nếu có), hạn chế thấp nhất tình huống dịch lây lan ra cộng đồng. Đảm bảo đời sống, sinh hoạt bình thường cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Phải tổ chức thu dung, điều trị được 21 bệnh nhân nặng tại các cơ sở y tế của tỉnh; 129 bệnh nhân nhẹ tại 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 08 trung tâm y tế tuyến huyện, nếu số bệnh nhân tiếp tục tăng thì huy động bổ sung nhân lực, phương tiện đáp ứng khả năng điều trị thêm đến 15 bệnh nhân nặng, 108 bệnh nhân nhẹ.
Trường hợp dịch diễn biến phức tạp, khởi động bệnh viện dã chiến đáp ứng khả năng điều trị tối đa 04 bệnh nhân nặng, 250 bệnh nhân bệnh nhân nhẹ. Khi số lượng bệnh nhân nặng vượt khả năng thu dung và điều trị, tiếp tục mở rộng bệnh viện dã chiến, thực hiện chuyển tuyến, đề nghị Trung ương chi viện hoặc hỗ trợ điều trị trong trường hợp cần thiết.
- Bố trí các khu cách ly y tế tập trung tuyến tỉnh, tuyến huyện, phải đảm bảo cách ly được trên 1.700 người, trong đó các khu vực cách ly y tế của tỉnh cách ly được 698 người; các khu cách ly của các huyện, thị xã, thành phố cách ly được 1.038 người. Tiếp tục mở rộng các khu cách ly trong trường hợp dịch lan rộng.
- Khi có dịch lây lan trong cộng đồng, tổ chức cách ly y tế vùng dân cư là thôn, xóm, tổ, khu phố, khu du lịch, khu lưu trú...; xã, phường, thị trấn; trường hợp dịch lan rộng thì phải thực hiện cách ly y tế một vùng là huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
- Thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm vi rút COVID-19 nhanh chóng, chính xác, đảm bảo năng lực xét nghiệm toàn tỉnh đạt tối đa 60 mẫu/ngày, tăng cường năng lực xét nghiệm đạt 90 mẫu/ngày trường hợp dịch diễn biến đến cấp độ 3. Đề nghị trung ương hỗ trợ trong trường hợp vượt công suất đáp ứng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
- Giữ vững trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; duy trì ổn định hoạt động sản xuất, cung cấp các hàng hóa thiết yếu, đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân ở từng cấp độ của dịch bệnh.
- Đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động mai táng và hoả táng theo quy định; khả năng xử lý, không phát sinh lây nhiễm dịch bệnh trong trường hợp có bệnh nhân theo các cấp độ (từ 01 đến 10 bệnh nhân tử vong, từ 10 - 20 bệnh nhân hoặc trên 20 bệnh nhân tử vong).
II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
1. Chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai Kế hoạch đáp ứng từng cấp độ dịch bệnh theo phương châm: (1) Siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; (2) Ngăn chặn ngay sự lây lan từ ca bệnh đầu tiên; (3) sẵn sàng đáp ứng với tình huống dịch lây lan ra cộng đồng.
2. Công tác thông tin, tuyên truyền: Tổ chức các hình thức thông tin, tuyên truyền, ra thông cáo báo chí hoặc họp báo phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở từng cấp.
3. Thực hiện điều tra dịch tễ, lập danh sách người tiếp xúc gần và tiếp xúc liên quan để thực hiện xét nghiệm, cách ly, điều trị theo quy định.
4. Tổ chức thực hiện xét nghiệm phân công tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, thực hiện xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và công bố kết quả xét nghiệm theo quy định.
5. Xử lý ổ dịch: Xác định giới hạn ổ dịch trong trường hợp xuất hiện ca bệnh đâu tiên xâm nhập vào địa bàn, cũng như khi xuất hiện các bệnh nhân lây nhiễm thứ phát, có dấu hiệu dịch lây lan ra cộng đồng. Thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
6. Tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng dân cư khi có dấu hiệu dịch bắt đầu lây lan ra cộng đồng, có từ 01 ca lây nhiễm thứ phát trở lên thì ngay lập tức thực hiện việc khoanh vùng cách ly y tế vùng dân cư.
7. Mở rộng các điểm, khu cách ly y tế tập trung cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó cấp tỉnh có 04 khu cách ly tập trung, mỗi địa phương có ít nhất một khu cách ly tập trung (trừ thành phố Yên Bái).
8. Khởi động bệnh viện dã chiến khi có từ 10 bệnh nhân trở lên theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có 50 giường (cấp độ 3), giai đoạn 2 có 100 giường (cấp độ 4), giai đoạn 3 có 200 - 250 giường (cấp độ 5) và tiếp tục mở rộng bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
9. Xử lý khi có bệnh nhân tử vong do vi rút COVID-19 đảm bảo vệ sinh môi trường, không lây nhiễm trong hoạt động mai táng và hoả táng.
10. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hàng ngày kể từ khi bắt đầu có ca nhiễm bệnh đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
Phần IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TỈNH
1. Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban
- Chủ trì họp khẩn, các cuộc họp của Ban chỉ đạo tỉnh để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, các ngành thành viên tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch và tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 tương ứng với diễn biến từng cấp độ của dịch hênh,
- Tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh cho báo chí.
- Báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch về tình hình dịch bệnh của tỉnh khi xuất hiện các trường họp nhiễm vi rút COVID-19 trên địa bàn tỉnh (nếu có) theo quy định.
- Chỉ đạo, điều hành phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn tỉnh.
- Đánh giá mức độ nghiêm trọng theo tình hình thực tế để đề xuất cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp (nếu cần).
- Kêu gọi sự trợ giúp của các nước, các tổ chức quốc tế cho các hoạt động dập dịch và khắc phục hậu quả.
- Chỉ đạo điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 34/NQ-NĐND ngày 29/11/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái năm 2020.
2. Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực
- Giúp Trưởng ban Chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch theo Kế hoạch này.
- Trực trực tiếp chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch cụ thể theo phân công tại từng cấp độ dịch của Kế hoạch như: tuyên truyền ổn định tư tưởng nhân dân, chỉ đạo xử lý dịch, đảm bảo an sinh xã hội trong vùng cách ly, xử lý tình huống bệnh nhân tử vong (nếu có)...
- Chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, hộ nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội...; đảm bảo đời sống, sinh hoạt bình thường cho nhân dân khi dịch bệnh xảy ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công.
3. Đồng chí Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng ban
- Thường xuyên nắm bắt tình hình, cập nhật, tổng hợp tình hình dịch quốc tế, trong nước và trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo diễn biến thực tế.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện các thủ tục báo cáo Bộ Y tế công bố dịch (nếu có) theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì tham mưu chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban Chỉ đạo tỉnh theo phân công tại từng cấp độ dịch. Tổ chức các cuộc họp Ban chỉ đạo của ngành để thống nhất các phương án chống dịch lan ra cộng đồng.
- Là đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội... giám sát chặt chẽ các trường hợp công dân của tỉnh, người nước ngoài đi/đến, lưu trú trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường hợp đi/đến từ vùng/lãnh thổ có dịch bệnh; phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức tiếp nhận, phân loại, cách ly các trường hợp thuộc diện cách ly tập trung, các trường hợp kết thúc cách ly ở các điểm cách ly tập trung trong nước trở về tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch; triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống dịch tại cộng đồng; cung cấp nội dung, tài liệu liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 cho các ban, ngành, đoàn thể liên quan.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở từng cấp độ như: giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh và cộng đồng (cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5), giám sát y tế tại các chốt kiểm dịch (các câp độ của dịch); điều tra dịch tễ, lập danh sách người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch (các cấp độ của dịch), xác định ranh giới khoanh vùng dân cư khi có yêu cầu (cấp độ 2, 3, 4, 5)...
- Chỉ đạo tổ chức thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đồng thời đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia và trang thiết bị hỗ trợ công tác điều trị; chỉ đạo việc chuyển tuyến đối với những trường hợp bệnh nặng về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
- Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố kích hoạt các đội điều trị, giám sát điều tra, thanh khiết môi trường, cần thiết huy động đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ (danh sách tại các phụ lục kèm theo) để thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh COVID-19.
- Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hướng dẫn tự theo dõi về y tế và công tác khử khuẩn, theo dõi sức khỏe cho các đối tượng được cách ly tại nhà; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức phun khử trùng tại các địa điểm có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo vận hành bệnh viện dã chiến theo kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp phải khởi động bệnh viện dã chiến trong các tình huống dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5.
- Đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, thuốc... cho công tác phòng, chống dịch. Duy trì hoạt động của các đội đáp ứng nhanh để sẵn sàng điều tra, xử lý dịch, hỗ trợ các tuyến khi có yêu cầu; tổ chức tốt công tác trực dịch 24/24 giờ, trực cấp cứu, phân tuyến, phân luồng, cách ly điều trị bệnh nhân.
- Tiếp tục duy trì hệ thống đường dây nóng của Ban chỉ đạo tỉnh, trong đó ngành y tế làm nòng cốt để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình dịch bệnh để có các biện pháp phòng chống hiệu quả.
- Giám đốc Sở Y tế thực hiện nghiêm túc chức trách phát ngôn và cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để mọi người dân được biết và có biện pháp phòng, tránh phù hợp.
- Thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ để nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh.
- Chủ trì phối hợp thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
4. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh
a) Nhiệm vụ chung:
- Cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch chi tiết ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh theo các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này trước ngày 08/4/2020.
- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tại địa phương được phân công phụ trách.
- Ngoài những nhiệm vụ được giao cụ thể tại Kế hoạch này, chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh các giải pháp chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực được phân công quản lý để đáp ứng hiệu quả với từng cấp độ dịch bệnh.
- Chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
- Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo để người dân bình tĩnh, không hoang mang về tình hình dịch bệnh.
- Quán triệt lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong kỷ luật phát ngôn, việc chấp hành nghiêm các khuyến cáo, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong từng cấp độ dịch; không tích trữ lương thực khi chưa thực sự cần thiết, chia sẻ trách nhiệm cùng chính quyền và cộng đồng, góp phần cùng chiến thắng dịch bệnh.
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định tại Phần V, Kế hoạch này.
b) Nhiệm vụ cụ thể:
(1) Đồng chí Đặng Trần Chiêu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh
- Chủ trì chỉ đạo tổ chức rà soát từng hộ dân, từng tổ dân, khu phố, lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về địa phương, người đến/về Yên Bái từ các vùng có dịch; phối hợp, cung cấp thông tin cho Sở Y tế để tiến hành các biện pháp giám sát, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.
- Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức cách ly cho người nước ngoài; cán bộ y tế, công an, quân đội, các cán bộ khác làm công tác phòng chống dịch nếu cần phải cách ly.
- Phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý đối tượng, thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các đối tượng không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, nội quy của khu vực cách ly.
- Chủ động theo dõi và phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kiểm soát các thông tin sai lệch, xấu độc, chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong cộng đồng về tình hình dịch bệnh và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.
- Huy động xe chuyên dụng chữa cháy phối hợp cùng ngành y tế phun tẩy uế, thanh khiết môi trường khi cần thiết.
- Huy động lực lượng tham gia theo đề xuất của cơ quan y tế hoặc các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương khi phải xử lý các tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
- Chỉ đạo triển khai hiệu quả các chốt kiểm dịch y tế tại các cửa ngõ giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trên địa bàn tỉnh theo quyết định cua Chủ tịch UBND tỉnh.
- Phối hợp với Giám đốc Sở Y tế, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo thực hiện việc vận chuyển người cách ly và đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà; triển khai phương án thành lập, vận hành bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi theo 3 giai đoạn.
(2) Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giảo Tỉnh ủy
- Lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, tuyên truyền của tỉnh thông tin kịp thời về việc triển khai, các hoạt động của Kế hoạch này; các biện pháp phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch để người dân được biết, chủ động phòng, chống dịch.
- Chủ trì chỉ đạo công tác định hướng thông tin, ra thông cáo báo chí theo phân công tại các tình huống dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5, nhất là công tác tuyên truyền để ổn định tư tưởng, không gây hoang mang, sợ hãi trong nhân dân.
- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái trên không gian mạng, không để xuất hiện các thông tin không chính thống hoặc chưa được kiểm chứng về tình hình dịch bệnh.
(3) Đồng chí Giàng A Tông -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
- Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành y tế và chính quyền các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện các biện pháp của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh theo Kế hoạch này.
- Chủ trì vận động, tiếp nhận và phân bổ các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch này.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo an sinh xã hội trong các vùng cách ly y tế; đảm bảo an sinh xã hội trong tình trạng khẩn cấp.
- Phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, theo dõi, nắm bắt tình hình người dân đang sinh sống, cư trú trên địa bàn, nhất là các trường hợp đi từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tỉnh là vùng có dịch trở về địa phương.
(4) Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Chỉ đạo hệ thống dân vận từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, các cơ sở tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở theo Kế hoạch này.
(5) Đồng chí Vũ Xuân Sáng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Ngoại vụ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo cục lãnh sự các trường hợp người nước ngoài phải áp dụng hình thức cách ly, theo dõi, điều trị trên địa bàn tỉnh.
- Kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện công tác phòng, chống dịch của tỉnh, nhất là hỗ trợ về phương tiện phòng hộ, các thiết bị cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân, các trang thiết bị thành lập bệnh viện dã chiến...
- Bố trí phiên dịch viên phối hợp với các đội đáp ứng nhanh dịch bệnh để điều tra dịch tễ các trường hợp nghi ngờ là người nước ngoài.
- Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đối với người nước ngoài nhập cảnh, vào làm việc, lưu trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái theo quy định.
(6) Đồng chỉ Trần Công Ứng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận, phân loại cách ly tập trung đối với các trường hợp phải áp dụng hình thức cách ly tập trung.
- Làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan có liên quan đảm bảo về cơ sở vật chất, hậu cần, phục vụ và tổ chức lực lượng chỉ huy điều hành, bố trí lực lượng tham gia phục vụ và duy trì hoạt động trong các cơ sở cách ly.
- Có phương án sẵn sàng huy động lực lượng quân đội tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh; phối hợp các ngành tổ chức cách ly y tế vùng có dịch COVID-19, đề xuất hỗ trợ của Binh chủng Hóa học và Quân khu 2 trong công tác xử lý, thanh khiết môi trường trong trường hợp quy mô dịch lan rộng.
- Phối hợp huy động phương tiện tham gia vận chuyển người bệnh về các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến; vận chuyển đối tượng cách ly về các khu cách ly tập trung; hỗ trợ vận chuyển tử thi (nếu có).
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí trình UBND tỉnh để đảm bảo các hoạt động tại khu cách ly.
- Chủ động xây dựng phương án sẵn sàng mở rộng các khu vực cách ly tập trung trong trường hợp số lượng người cách ly vượt quá số lượng cho phép. Phối hợp với Sở Y tế trong việc xây dựng các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
(7) Đồng chí Nguyễn Minh Toàn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham mưu xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh và đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tỉnh Yên Bái.
- Đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời phân bổ và giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 (đối với các nguồn vốn chưa phân bổ chi tiết) cho các dự án hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành và địa phương tổ chức rà soát, thống kê đối tượng gặp khó khăn (người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) do dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đề xuất các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
(8) Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Giám đốc Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch theo các cấp độ dịch tại Kế hoạch này.
- Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu việc cân đối, đảm bảo kinh phí mua nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân tại các điểm cách ly, khu vực cách ly vùng dân cư theo đúng quy định của pháp luật.
- Tham mưu cân đối, tiếp tục bổ sung kinh phí mua trang thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường họp cần tiếp tục bổ sung trên nguyên tắc ưu tiên mọi nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch nhưng phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các ngành có liên quan đánh giá tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đề xuất các giải pháp để đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết đinh việc hoãn, giãn thu nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài chính kết quả thực hiện nhiệm vụ trên.
- Đề xuất nguồn dự trữ của tỉnh hoặc huy động từ các nguồn khác thuốc men, hàng hóa để chữa trị và cứu trợ cho nhân dân ở vùng có dịch bệnh trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
(9) Đồng chí Vũ Vinh Quang - Giảm đốc Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt tình hình, thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo cung cầu, dự trữ hàng hóa, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa trên địa bàn, đặc biệt là đối với các vùng dân cư đang thực hiện cách ly y tế. Đề xuất, kiến nghị việc hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho các địa phương khi cần thiết.
- Phối hợp chặt chẽ và làm việc, thống nhất phương án cụ thể với các nhà sản xuất, nhà phân phối lớn trong và ngoài tỉnh, lập phương án chủ động nguồn cung hàng hóa tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh; không để xảy ra tình trạng gây khan hiếm giả tạo trên thị trường để trục lợi.
- Chỉ đạo, phối hợp với Công ty Điện lực Yên Bái thực hiện tốt công tác điều độ điện năng, đảm bảo đủ nguồn điện cung ứng cho các điểm cách ly, các vùng cách ly y tế, bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và các điểm nóng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức phòng, chống dịch trên địa bàn.
- Tham mưu áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt về giá đối với lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh và một số hàng hóa thiết yếu khác trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương trên địa bàn toàn tỉnh.
(10) Đồng chí Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Xây dựng, triển khai phương án sản xuất, phương án đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở tương ứng với tình huống dịch bệnh ở các cấp độ theo phân công tại Kế hoạch này.
- Chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với diễn biến dịch bệnh do vi rút COVID-19 gây ra; kế hoạch đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt trong mọi cấp độ dịch.
- Chủ trì phối họp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo lịch thời vụ và chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020.
- Triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đảm bảo không phát sinh "dịch chồng dịch"; phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
(11) Đồng chí Hà Ngọc Văn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông của tỉnh, các huyện, thành phố phối hợp với ngành y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến của dịch bệnh, các nội dung phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh theo Kế hoạch này.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính- viễn thông nâng cao chất lượng các dịch vụ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống dịch, đáp ứng nhu cầu trao đổi nắm bắt thông tin, việc học tập và làm việc tại nhà qua mạng internet của cán bộ, học sinh.
- Phối hợp với các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh xem xét, thực hiện việc miễn cước dịch vụ viễn thông phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
(12) Đồng chí Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức rà soát, thống kê đối các đối tượng là công nhân, người lao động bị ảnh hưởng (số lượng người lao động bị mất việc làm, giảm lương, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp...); các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng (số đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng...) gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đề xuất giải pháp hỗ trợ.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
- Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Trung tâm Điều dưỡng cán bộ tỉnh đê phục vụ cách ly tập trung cho các trường hợp là cán bộ y tế, các cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch khác phải áp dụng các biện pháp cách ly y tế ở tuyến tỉnh; đề xuất bổ sung trang thiết bị, các điều kiện cần thiết khác phục vụ việc cách ly (nếu cần).
(13)Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tham mưu trưng dụng ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố 01 khách sạn/nhà khách/nhà nghỉ có đầy đủ tiện nghi để tổ chức cách ly tập trung cho các trường hợp người nước ngoài và các đối tượng khác là cán bộ y tế, các cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch khi có yêu cầu phải áp dụng các biện pháp cách ly y tế.
- Chỉ đạo các công ty du lịch, khách sạn, nơi lưu trú quản lý, nắm bắt tình hình sức khỏe hàng ngày, lịch trình của du khách và kịp thời thông báo cho cơ sở y tế hoặc chính quyền nếu phát hiện du khách nghi ngờ bị mắc bệnh (đặc biệt là khách du lịch đến từ vùng dịch).
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, bảo đảm du lịch an toàn. Chỉ đạo các đơn vị du lịch phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức cách ly, quản lý du khách ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh. Khuyến nghị không di chuyển du khách từ vùng dịch đến Yên Bái.
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như vui chơi, giải trí, lễ hội, tiệc cưới, sự kiện ăn uống đông người... tại tất cả các cấp độ dịch bệnh theo kịch bản.
- Chủ trì, phối họp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc tang, hình thức mai táng ứng phó với từng cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khi dịch chuyển sang tình trạng khẩn cấp.
(14) Đồng chí Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì chỉ đạo việc phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện giao thông vận tải, nhất là tại các bến tàu, bến xe; phối hợp kiểm soát dịch tễ đối với các hành khách đến Yên Bái.
- Xây dựng, triển khai phương án chi tiết phân luồng giao thông đi qua vùng cách ly (trong trường hợp thực hiện cách ly y tế vùng dân cư), đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của nhân dân ngoài vùng cách ly.
- Tham mưu cho UBND tỉnh quy định các phương tiện giao thông được phép hoạt động trong tình huống áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ở cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5.
- Tham mưu việc trưng tập xe ô tô của các doanh nghiệp vận tải, phương tiện giao thông cá nhân trong trường hợp cần thiết để vận chuyển đối tượng cách ly về các khu tập trung của tỉnh, của huyện; huy động mọi phương tiện cần thiết và ưu tiên chuyên chở thuốc men đến vùng có dịch bệnh (cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5) - vận chuyển tử thi khi dịch bệnh diễn ra ở cấp độ 5, trong tình huống người tử vong vì dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vượt quá 20 người (nếu có).
- Duy trì phân tuyến hoạt động của các phương tiện vận tải hàng hóa đảm bảo việc vận tải được thông suốt trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
(15) Đồng chí Phan Bá Hùng - Quyền Cục trưởng Cục Quản ỉý thị trường tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả, buôn bán hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác; tập trung kiểm tra, kiểm soát các siêu thị, đơn vị phân phối các mặt hàng lương thực, mỳ gói, nước uống, xăng dầu, chất đốt... đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn.
- Phối hợp với chính quyền địa phương vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như: khử khuẩn, đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách tối thiểu khi bán hàng.
II. BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ
1. Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch chi tiết của huyện, thị xã, thành phố ứng phó với 5 cấp độ dịch bệnh và các tình huống diễn biến phức tạp hơn nhằm cụ thể hóa và thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này tại địa phương mình.
2. Trưởng ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các xã, phường, thị trấn quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp theo các cấp độ dịch bệnh chi tiết tại Kế hoạch này. Phối hợp với Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
3. Tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo mọi điều kiện để thực hiện nhiệm vụ cách ly đối tượng tại các khu cách ly tập trung của huyện. Đối với các địa phương có khu vực cách ly tập trung của tỉnh, chủ động phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các lực lượng thực hiện công tác tiếp nhận, cách lỵ; đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trong các khu vực thực hiện cách ly y tế vùng dân cư, khi thực hiện các hoạt động cách ly xã hội.
4. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có khu vực cách ly y tế tập trung trên địa bàn thành lập các tổ, đội để phối hợp thực hiện công tác cách ly; thường xuyên nắm bắt tình hình, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh, của huyện, thị xã và thành phố. Duy trì hoạt động của các tổ tự quản phòng, chống dịch tại các thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn.
5. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh xác định và có phương án khoanh vùng, cách ly phù hợp; chỉ đạo tổ chức phun khử trùng các khu vực liên quan mà ca bệnh dương tính (nếu có) đã lưu trú.
6. Chỉ đạo công an, ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố, lực lượng dân quân các xã, phường, thị trấn phối hợp duy trì hiệu quả hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch y tế các khu cách ly tập trung; tuyên truyền, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các quy định về cách ly y tế vùng dân cư trên địa bàn; đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tham gia các chốt kiểm dịch y tế cấp tỉnh và các lực lượng tham gia chốt kiểm dịch y tế cấp huyện, cấp xã.
7. Quản lý, giám sát, bố trí phương tiện vận chuyển để chuyển các trường hợp phải cách ly tập trung về các khu vực cách ly tập trung, các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung trong nước trở về địa phương, vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển tử thi theo phân công tại kịch bản cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5 của dịch bệnh.
8. Chủ động bảo đảm cung cấp đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch. Đảm bảo công tác hậu cần, các nhu yếu phẩm thiết yếu (lương thực, thực phẩm, xăng dầu....); bảo đảm vật tư, trang thiết bị để xử lý thi thể bệnh nhân tử vong (không do nguyên nhân dịch bệnh) theo quy định của pháp luật.
9. Bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực tại địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương theo tinh thần chủ động, "bốn tại chỗ”, trong trường hợp cần thiết, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ.
10. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trưng dụng ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố 01 khách sạn/nhà khách/nhà nghỉ có đầy đủ tiện nghi để tổ chức cách ly tập trung cho các trường hợp người nước ngoài và các đối tượng khác là cán bộ y tế, các cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch khi có yêu cầu phải áp dụng các biện pháp cách ly y tế.
11. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân trên địa bàn, tại các vùng cách ly dân cư thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như: tự chăm sóc bản thân, nâng cao thế trạng, rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang, lau sàn nhà, bàn làm việc, tay nắm cửa... bằng dung dịch khử khuẩn thông thường. Khi có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi hoặc khó thở cần đến ngay cơ sở y tế hoặc thông báo cho tổ y tế của khu cách ly tập trung để được khám và điều trị.
12. Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực công cộng, nhà máy, công trường xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh, trung tâm thương mại, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
13. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực chống dịch 24/24h khi dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
14. Huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và quần chúng nhân dân tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ an ninh, trật tự trong trường hợp khẩn cấp về dịch.
15. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo hàng ngày theo quy định * tại phần V, Kế hoạch này.
Phần V: CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO, KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT
I. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
1. Báo cáo nhanh khi có tình huống dịch bệnh
- Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo nhanh ngay khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
- Các sở, ban, ngành, địa phương: Gửi báo cáo nhanh về Sở Y tế (qua email) ngay sau khi xuất hiện tình huống dịch bệnh, các tình huống khẩn cấp khác liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách để tổng hợp.
2. Báo cáo định kỳ
a) Báo cáo định kỳ hàng tuần
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVTD-19 cấp huyện chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng tuần kết quả thực hiện Kế hoạch này và kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của sở, ngành, địa phương mình; gửi báo cáo về Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh trước 15h00 thứ Sáu hàng tuần để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
b) Báo cáo định kỳ hàng ngày
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước 15h00 hàng ngày, gửi về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền và phát hành thông cáo báo chí.
- Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể khác thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 và tình hình triển khai Kế hoạch này tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình định kỳ trước 15h00 hàng ngày, gửi về Sở Y tế để tổng hợp từ khi bắt đầu có ca nhiễm bệnh đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh (nếu có).
3. Báo cáo đột xuất
Thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
III. KIỂM TRA, GIÁM SÁT
1. Giao Sở Y tế chủ trì tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất của tỉnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Kế hoạch này và việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
2. Các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác thực hiện việc kiểm tra, giám sát các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và tại các địa phương được phân công phụ trách và các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; báo cáo kết quả thực hiện chậm nhất sau 05 ngày kết thúc các đợt kiểm tra.
3. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động thành lập các đội kiểm tra liên ngành, đội đáp ứng nhanh thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn và việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này tại địa phương, cơ sở.
Phần VI: ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG KẾ HOẠCH
1. Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 31/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 70-KH/BCĐ ngàỵ 21/3/2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về ứng phó chi tiết của "Tình huống 2" - Khi có trường hợp nhiễm vi rút COVID-19 đầu tiên xâm nhập vào địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, các kiến nghị, đề xuất của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và diễn biến thực tế của tình hình dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung nội dung của Kế hoạch này cho phù hợp.
Trên đây là Kế hoạch Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 31/01/2020 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 70-KH/BCĐ ngày 21/3/2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các địa phương; các sở, ngành, đơn vị có liên quan làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó, phối hợp triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Đỗ Đức Duy
(đã ký)