Theo AFP, WHO ngày 9/7 đã lập ra một ủy ban điều tra độc lập cách ứng phó đại dịch Covid-19 toàn cầu. Ủy ban này có tên gọi là Ủy ban đánh giá độc lập mức độ sẵn sàng và cách ứng phó đại dịch Covid-19, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đứng đầu.
Bà Helen và ông Ellen sẽ tự chọn ra các thành viên của ủy ban và mỗi người họ có một thư ký riêng. Ủy ban sẽ đưa ra báo cáo hàng tháng để cập nhật thông tin điều tra. Tiếp đó, ủy ban này sẽ trình một báo cáo sơ bộ tại cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 11 tới. Báo cáo hoàn chỉnh sẽ được trình lên Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 năm sau. Bà Hellen cho rằng, đây là một nhiệm vụ "cực kỳ thách thức”.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, những đánh giá của ủy ban điều tra độc lập sẽ giúp thế giới hiểu cách thức để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. "Thông qua ủy ban này, thế giới sẽ hiểu được sự thật chuyện gì đã xảy ra cũng như giải pháp nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại", ông Tedros nói.
Tại cuộc họp Đại hội đồng Y tế Thế giới hồi cuối tháng 5, gần 200 thành viên của WHO đã thông qua một nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập và toàn diện về cách ứng phó đại dịch Covid-19 toàn cầu và bao gồm cả cách ứng phó của chính WHO.
Trong một diễn biến liên quan khác, cuối tuần này, WHO sẽ cử chuyên gia đến Trung Quốc để phối hợp điều tra nguồn gốc của Covid-19.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái và đến nay vẫn có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của virus gây đại dịch chết chóc này cũng như chỉ trích cách ứng phó của Trung Quốc và WHO. Giới chức Trung Quốc và WHO nhiều lần khẳng định, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên, song Mỹ và nhiều nước phương Tây nghi ngờ virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch và WHO "thiên vị” Trung Quốc dẫn đến việc chậm trễ ứng phó đại dịch. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đầu tuần này chính thức gửi thông báo lên Liên Hợp Quốc để bắt đầu quá trình rút khỏi WHO kéo dài 1 năm.
Tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 9/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ đang tìm kiếm một tổ chức có thể thay thế WHO.
"Chúng tôi chi gần nửa tỷ USD trong một năm để chống lại đại dịch toàn cầu. Chúng tôi cần tìm một tổ chức khác có thể cung cấp hỗ trợ quốc tế và đáp ứng nhu cầu an ninh toàn cầu trong vấn đề này, điều mà WHO không làm được", ông Pompeo nói. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ một lần nữa cáo buộc WHO "không hoàn thành được chức năng của mình", "không cảnh báo quốc tế và cũng không ngăn được đại dịch".
(Theo Dân Trí)