Châu Á
Hãng tin AP ngày 30-7 cho biết, Quốc hội Israel đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 1,9 tỷ USD cho tất cả công dân nước này bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo, từ đầu tuần tới, người dân Israel sẽ nhận một khoản tiền được gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng.
Theo kế hoạch, những người trưởng thành độc thân sẽ được nhận 750 shekels (218 USD), các gia đình có 1 con nhỏ nhận 2.000 shekels (583 USD), gia đình 2 con nhỏ nhận 2.500 shekels (729 USD) và gia đình 3 con nhận 3.000 shekels (875 USD). Quốc hội Israel cũng nhất trí, những cá nhân có thu nhập từ 640.000 shekels (188.000 USD) trở lên sẽ không được nhận tiền hỗ trợ của chính phủ.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào giữa tháng 3 ở Israel, đến nay đã có khoảng 850.000 người mất việc làm, đẩy quốc gia Do Thái rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có và hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra hằng tuần nhằm phản đối cách thức ứng phó đại dịch của chính phủ trong hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính của người dân.
Trong khi đó, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết, nước này có thể phải tái áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách kiên quyết như từng áp dụng trước đó để chống đại dịch, gồm cả việc tái đóng cửa các hoạt động nếu số ca mắc Covid-19 tăng cao hơn.
Trước đó, người đứng đầu Ủy ban Chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế Ai Cập Hossam Hosny nhận định rằng, làn sóng thứ hai của dịch có thể xảy ra vào tháng 11 tới ở Ai Cập và có thể trùng vào thời điểm diễn ra dịch cúm mùa. Ông H.Hosny khẳng định, Bộ Y tế Ai Cập đã sẵn sàng ứng phó tất cả các kịch bản có thể xảy ra và các bệnh viện đều có công cụ chẩn đoán nhanh cần thiết cho giai đoạn này.
Châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) đã dành ra 45 triệu euro (tức 53 triệu USD) nhằm tăng cường thu thập huyết tương từ những người đã khỏi Covid-19 để điều trị cho những người đang mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Động thái trên cho thấy EU ngày càng tin tưởng vào liệu pháp điều trị bằng huyết tương, vốn đang áp dụng trong các bệnh viện để truyền trực tiếp cho các ca bệnh nặng và đang được thử nghiệm để phát triển thành thuốc điều trị Covid-19.
Số tiền trên được lấy từ quỹ khẩn cấp mà đến nay EU chỉ dùng cho các vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong đại dịch, như mua thuốc điều trị Covid-19 và các loại vắc xin tiềm năng. Các khoản hỗ trợ cũng được phân phát đến các trung tâm thu thập máu để giúp mua các trang thiết bị mới, như bộ xét nghiệm và máy móc để tách huyết tương trong máu. Một quan chức EU cho biết, các trung tâm thu thập huyết tương do các công ty tư nhân vận hành cũng có thể tiếp cận quỹ trên.
Trong một diễn biến khác, Nga thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất 2 vắc xin tiềm năng vào tháng 9 và tháng 10 tới. Tại một hội nghị do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova đã nêu tên 2 vắc xin đang được viện nghiên cứu Gamaleya bào chế.
Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, số ca bệnh ở nước này đã giảm dần, song tình hình vẫn khó khăn và có thể nhanh chóng xấu đi. Ông V.Putin kêu gọi người Nga tuân thủ các quy định đang được áp dụng để ngăn chặn vi rút lây lan nhằm tránh phải tái áp dụng các hạn chế, đặc biệt là các hạn chế quy mô lớn.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 29-7 cảnh báo, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài và kêu gọi người dân tuân thủ những quy định về giãn cách xã hội, vì chính quyền muốn tránh việc phải áp đặt một lệnh phong tỏa quốc gia khác.
Tại Kazakhstan, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ngày 29-7 cho biết, nước này quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan thêm 2 tuần nữa, đến giữa tháng 8 tới. Sau đó, các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng.
Châu Mỹ
Bộ Y tế Brazil cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 1.595 ca tử vong do Covid-19, con số kỷ lục trong 24 giờ kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 90.134 người.
Các ca nhiễm bệnh mới trong 24 giờ qua cũng là con số cao nhất kể từ đầu dịch với 69.074 trường hợp, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Brazil lên 2.552.265 người. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, con số này vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều do hệ thống y tế Brazil hiện không thể thực hiện xét nghiệm cho tất cả trường hợp nghi nhiễm.
Mặc dù là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, song chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn kiên quyết không triển khai các biện pháp đối phó quyết liệt với lý do có thể gây sụp đổ nền kinh tế. Các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện một cách không đồng bộ tùy thuộc vào quyết định của từng địa phương.
Cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, sự gia tăng các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mới tại một số bang của Mỹ cùng với việc gia hạn các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã bắt đầu ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Theo Chủ tịch FED, đã có sự suy giảm rõ rệt về nhu cầu tiêu dùng cũng như sự chậm lại trong việc đưa người lao động quay trở lại làm việc.
(Theo HNMO)