Châu Âu
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất thế giới, với 17.432.375 ca mắc Covid-19 và 400.142 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Lục địa già đón tín hiệu vui khi các nhà sản xuất vắc xin lớn gồm BionTech/Pfizer (Đức) và Moderna (Mỹ) đã nộp đơn cấp phép vắc xin Covid-19 lên Liên minh châu Âu, mở ra kỳ vọng về khả năng triển khai tiêm phòng ngay trong tháng 12 này.
Tại Nga, thủ đô Mátxcơva đã bắt đầu kết nối hệ thống mã QR với các thẩm mỹ viện, nhà tắm hơi, rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng để ghi nhận những người đến các cơ sở này, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của vi rút.
Đức quyết định chi khoảng 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) để xây dựng 19 trung tâm dự trữ nguồn cung y tế trên khắp nước phòng ngừa các tình huống khẩn cấp, nhằm tránh lặp lại tình huống giống như hồi đầu năm khi thiếu nghiêm trọng vật tư y tế vào thời điểm dịch bùng phát mạnh. Đây là nguồn cung cấp đồ bảo hộ cá nhân, với số lượng vật tư đảm bảo ít nhất một tháng, cho các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và phòng khám địa phương.
Số ca tử vong do Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ở mức kỷ lục suốt 9 ngày liên tiếp. Chỉ riêng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 190 trường hợp thiệt mạng. Quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu này hiện có 668.957 người mắc Covid-19 (30.110 trường hợp nhiễm mới).
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng cải thiện, Ireland quyết định chấm dứt đợt phong tỏa một phần lần thứ hai sau 6 tuần thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Theo đó, bảo tàng, phòng triển lãm nghệ thuật, thư viện, rạp chiếu phim và các địa điểm tín ngưỡng tại Ireland được mở cửa trở lại. Quán rượu và nhà hàng phục vụ đồ ăn cũng sẽ nối lại hoạt động từ ngày 4-12. Tuy nhiên, hoạt động thăm viếng giữa các hộ gia đình vẫn phải hạn chế và người dân không được ra khỏi khu vực cư trú của mình.
Bỉ đã chính thức được đưa vào nhóm 10 quốc gia kiểm soát sự lây lan của SARS-CoV-2 tốt nhất châu Âu, với chỉ 315 ca nhiễm mới trên 100.000 dân. Hiện nay, bể bơi, bảo tàng và cửa hàng không thiết yếu tại nước này đã được mở cửa trở lại, nhưng với điều kiện hạn chế số người nhằm đảm bảo các quy định về phòng dịch.
Châu Á – châu Đại Dương
Châu Á hiện có 16.871.967 ca nhiễm Covid-19, trong đó Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhiều nặng nề nhất với 9.495.661 ca nhiễm và 137.816 ca tử vong; tiếp theo là Iran với 975.951 ca nhiễm và 48.628 ca tử vong.
Cơ quan an ninh xã hội Malaysia (Socso) đã bắt đầu cung cấp các bộ xét nghiệm cho gần 1 triệu công nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của cơ quan này, trong đó ưu tiên các địa điểm có số ca nhiễm cao và có nhiều công nhân nước ngoài sinh sống, làm việc.
Singapore bắt đầu cho phép các phòng khám tư nhân được cấp phép thực hiện xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR).
Tại Australia, Queensland đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại khu vực biên giới với New South Wales (NSW) và Victoria. Đây là lần đầu tiên bang này dỡ bỏ ngăn cách trong hơn 8 tháng qua, giúp đoàn tụ gia đình giữa các bang, đồng thời hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Australia.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, với tốc độ gia tăng gần 150.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày, số ca mắc Covid-19 đã chính thức vượt mốc 14 triệu. Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vừa kết thúc, bang Texas và thành phố New York đã hối thúc người dân đi xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong khi đó, bang Washington đã ra mắt ứng dụng "WA Notify", công cụ thông báo nguy cơ phơi nhiễm cho người dân, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm Covid-19.
Tại Nam Mỹ, Brazil ghi nhận số ca nhiễm cao nhất khu vực với 6.336.278 ca, trong khi cả Argentina và Colombia đều ghi nhận hơn 1,3 triệu ca.
(Theo HNMO)