Châu Mỹ
Mỹ vẫn là điểm nóng hàng đầu thế giới về dịch Covid-19, với hơn 15 triệu trường hợp nhiễm bệnh và hơn 290.000 bệnh nhân đã tử vong. Theo số liệu của CNN, nước này ghi nhận trung bình gần 200.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào tuần trước.
Ngày 7-12, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm lo ngại tình trạng lây lan dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới sẽ là thử thách lớn và phức tạp hơn so với kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, bởi đây là một kỳ nghỉ dài. Ông cũng kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, nhất là trong thời điểm quan trọng hiện nay.
Ngày 7-12, bang California (Mỹ) đã bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa, trong đó khoảng 85% cư dân được yêu cầu không ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, các văn phòng, công sở, địa điểm vui chơi giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải tạm thời đóng cửa, còn các nhà hàng chỉ được phục vụ cho việc giao hàng và mua hàng mang đi. Các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 trong ngày 6-12 tại bang đông dân nhất nước Mỹ này đã đạt kỷ lục với hơn 30.000 ca, trong khi số ca nhập viện và phải điều trị trong khu vực chăm sóc đặc biệt cũng tăng mạnh.
Trong một thông báo ngày 7-12, Chính phủ Canada cho biết, nước này sẽ nhận được 249.000 liều vắc xin Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BionTech (Đức) vào cuối tháng này, nếu vắc xin này được Bộ Y tế Canada phê duyệt.
Ngày 7-12, giới chức y tế Chile thông báo tiến hành một đợt phong tỏa mới ở thủ đô Santiago sau khi các ca mắc Covid-19 tăng 18% vào tuần trước.
Châu Âu
Trong một cuộc họp báo vào ngày 7-12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo, nước này sẽ phong tỏa một phần đối với một số khu vực từ ngày 9-12-2020 đến ngày 3-1-2021 để hạn chế sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke nhận định, tình hình dịch bệnh ở nước này đang bước vào giai đoạn mới khi tốc độ lây nhiễm tăng theo cấp số nhân. Các quan chức Đan Mạch cũng kêu gọi người dân thận trọng trong mùa Giáng sinh, bởi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở nước này đã tăng gấp đôi sau kỳ nghỉ mùa thu kéo dài 1 tuần.
Phát ngôn viên của Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết, các lệnh giới nghiêm vào ban đêm và lệnh cấm đi lại giữa các khu vực ở nước này sẽ được duy trì đến ngày 7-1-2021. Bên cạnh đó, tất cả các trường học, nhà hàng, quán bar, địa điểm giải trí, khu trượt tuyết phải đóng cửa cho đến khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ vào năm mới. Ông S.Petsas cũng cho biết, tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang dần cải thiện, song những tiến triển mới diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Số lượng bệnh nhân phải nhập viện và bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt vẫn ở mức cao, gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ngày 7-12, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mà nước này đang triển khai là phù hợp và không cần thiết phải áp đặt các biện pháp phong tỏa bổ sung. Bên cạnh đó, ông D.Peskov cũng nhắc lại rằng, quyền hạn đặc biệt đã được trao cho người đứng đầu các khu vực trong việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Reuters, Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, cuộc họp thường niên của diễn đàn này vào năm tới, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp, sẽ được tổ chức tại Singapore thay vì Thụy Sĩ. Quyết định này được đưa ra do lo ngại sự lây lan của đại dịch Covid-19 sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức sự kiện tại châu Âu.
Châu Á
Ngày 7-12, tại cuộc họp với đội ngũ cố vấn của Phủ Tổng thống, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã xin lỗi vì gây ra gánh nặng và bất tiện cho người dân khi chính phủ liên tục nâng mức độ giãn cách xã hội, đồng thời kêu gọi người dân nước này cùng chung sức chống dịch. Ông Moon Jae-in cũng nhận định, đây là thời điểm bước ngoặt cuối cùng để có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong lúc chờ đợi các loại vắc xin và thuốc điều trị hữu hiệu ra mắt.
Ngày 7-12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, chính phủ nước này sẽ chi gần 45 triệu USD để mua vắc xin ngừa Covid-19. Nước này cũng đầu tư 19,6 triệu USD để mua vật tư y tế hỗ trợ chương trình tiêm chủng, và 13,4 triệu USD cho các thiết bị lưu trữ và bảo quản vắc xin.
Ngày 7-12, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết đã yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Kinh tế - Tài chính nước này chuẩn bị ngân sách để mua 1 triệu liều vắc xin Covid-19 nhằm cung cấp miễn phí cho người dân.
(Theo HNMO)