Châu Âu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu kêu gọi các gia đình đeo khẩu trang trong những cuộc tụ tập gia đình vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới sau khi cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể gia tăng hơn nữa vào đầu năm 2021.
Nhiều nước ở Lục địa già cũng siết chặt các biện pháp hạn chế trước thềm Giáng sinh. Đức đã có kế hoạch đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu và trường học, trong khi phần lớn các khu vực của vùng England (Anh) áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn. Về phần mình, Italia, Pháp và Thụy Sĩ cũng đang cân nhắc gia tăng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong các dịp lễ sắp tới. Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen xác nhận nước này sẽ phong tỏa toàn phần trong dịp Giáng sinh và năm mới.
Đức dự kiến từ ngày 27-12, tại thủ đô Berlin, sẽ tiêm chủng vắc xin do BionTech/Pfizer sản xuất ngay sau khi vắc xin này được Liên minh châu Âu phê duyệt. Trong khi đó, Pháp dự kiến sẽ nhận được 1,16 triệu liều vắc xin Covid-19 ngay cuối năm nay và 2,3 triệu liều bổ sung trong hai tháng sau đó. Thủ tướng Pháp Jean castex cho biết, lượng vắc xin này đủ để tiêm chủng cho 1,7 triệu người dân, trong đó ưu tiên người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Tại Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã phê duyệt thủ tục cung cấp vắc xin ngừa bệnh Covid-19. Bộ Y tế Nga cũng thông báo tất cả các khu vực của Nga đã bắt đầu tiến hành tiêm chủng.
Cựu Tổng thống Thụy Sĩ Flavio Cotty qua đời ở tuổi 81 do Covid-19 và một số bệnh lý nền.
Châu Mỹ
Mỹ cũng đã cấp phép sử dụng bộ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại nhà, có thể cho kết quả trong khoảng 20 phút. Bộ xét nghiệm này sẽ được bán tại các hiệu thuốc. Động thái mới diễn ra trong bối cảnh xứ Cờ hoa đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 với 17.348.689 ca nhiễm (trong đó có tới 203.230 ca nhiễm mới) và 314.140 trường hợp tử vong.
Số ca mắc Covid-19 tại Brazil đã chính thức vượt mốc 7 triệu người, khiến quốc gia này vẫn là điểm nóng về dịch bệnh tại Nam Mỹ.
Chính phủ Peru yêu cầu người dân không mời bạn bè và người thân tới nhà trong dịp Giáng sinh và năm mới nhằm hạn chế vi rút SARS-CoV-2 lây lan. Bộ trưởng Y tế nước này Pilar Mazzetti cũng cho biết việc thử nghiệm vắc xin Covid-19 do hãng dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc sản xuất sẽ được nối lại.
Châu Á
Ấn Độ chỉ xếp sau Mỹ về số ca mắc Covid-19, với 9.954.997 ca nhiễm và 144.487 ca tử vong.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 1.078 ca trong 24 giờ qua, trong đó 1.054 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 45.442 ca. Nước này cũng có thêm 12 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 612 người. Do số ca nhiễm mới trong cộng đồng gia tăng đáng báo động, giới chức y tế Hàn Quốc đang xem xét có nên áp đặt các biện pháp hạn chế lây lan ở mức cao nhất hay không.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo cũng thông báo ghi nhận thêm 678 ca mắc mới, mức tăng trong vòng một ngày cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca mắc lên 48.668 ca. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền Tokyo đã quyết định gia hạn yêu cầu các nhà hàng, quán bar, karaoke, các cơ sở bán rượu, bia rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng cho đến ngày 16-1-2021. Tokyo cũng thông qua khoản ngân sách bổ sung lần thứ 13 trong tài khóa 2020 lên đến 230 tỷ yen (tương đương 2,2 tỷ USD) để triển khai các chính sách phòng, chống dịch.
Tại Đông Nam Á, Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngừng việc tổ chức bầu cử bổ sung tại hai đơn vị bầu cử Bugaya ở Sabah trên đảo Borneo và Gerik thuộc bang Perak, dự kiến diễn ra vào tháng tới, sau khi số ca nhiễm mới ở nước này không ngừng tăng cao trong những tháng qua.
Cùng ngày, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 6.725 ca mắc mới và 137 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 636.154 ca và 19.248 ca. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra toàn bộ 34 bang của nước này.
Philippines ghi nhận tổng cộng 452.988 ca mắc Covid-19 (1.156 ca mắc mới), trong đó 8.833 trường hợp đã tử vong. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền đã hối thúc người dân cảnh giác và tuân thủ nghiêm hướng dẫn y tế trong dịp Giáng sinh và năm mới đang tới gần.
Tại Trung Đông, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, dự kiến ngay trong cuối tuần này.
(Theo HNMO)