Châu Âu
Chính phủ Ireland công bố một số biện pháp bổ sung nhằm khống chế số ca mắc Covid-19 đang gia tăng mạnh tại nước này. Cụ thể, tất cả hành khách từng đến Anh và Nam Phi muốn nhập cảnh vào Ireland phải cung cấp giấy tờ xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này. Quy định này sẽ có hiệu lực ngay sau nửa đêm 8-1, khi lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ hai nước nói trên hết hạn.
Đức có thể phải áp đặt một đợt phong tỏa dài hơn nếu chính quyền các bang không thực hiện đồng bộ các hạn chế phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt hơn, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan cao. Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch công bố ngày 7-1, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 26.391 ca mắc Covid-19, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 1,84 triệu trường hợp. Số ca tử vong cũng tăng 1.070 ca lên 37.607 ca.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 7-1 cho biết nước này đang chuẩn bị ứng phó trong trường hợp số ca mắc mới bệnh Covid-19 gia tăng tại London, đồng thời cho biết bệnh viện dã chiến gọi là "Nightingale" sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng để giảm áp lực cho hệ thống y tế. Gần đây, Anh đã thông báo phát hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phải áp đặt hạn chế đi lại đối với Anh nhằm ngăn chặn biến thể này lây lan. Hiện nhiều khu vực trên thế giới đã xuất hiện biến thể này.
Trước tình trạng đáng báo động về sự lây lan của biến thể mới nói trên, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 7-1 cho biết, cần phải hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề này. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Hans Kluge nhấn mạnh, nếu không tăng cường kiểm soát nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch, các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng và áp lực sẽ chịu tác động mạnh. Ông Kluge cũng đưa các biện pháp phòng dịch quen thuộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, duy trì khoảng cách và rửa tay.
Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Jean castex tối 7-1 cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới với Anh "cho đến khi có thông báo mới”. Thủ tướng J.castex đưa ra thông báo kéo dài thời gian đóng biên với Anh sau khi cơ quan y tế nước này xác nhận đã có thêm 19 ca nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.
Chính phủ Séc đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế trên cả nước ở mức nghiêm ngặt nhất của hệ thống cảnh báo Covid-19 (PES) ít nhất đến ngày 22-1 tới, thay vì vào ngày 10-1 như trước. Chính phủ Séc cũng không loại trừ việc siết chặt hơn nữa các biện pháp, liên quan về các hạn chế ở các nước láng giềng, phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Còn chính phủ Hungary cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng học trực tuyến tại các trường trung học cơ sở đến sau ngày 11-1.
Châu Á
Ngày 7-1, Nhật Bản đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày vượt quá 7.000 ca lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước này. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, trong thời gian từ ngày 8-1 đến 7-2. Cùng với quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua văn bản hướng dẫn mới về phòng chống dịch Covid-19. Văn bản trên nêu rõ các biện pháp sẽ được áp dụng tại các tỉnh, thành nằm trong phạm vi hiệu lực của tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi một số nước trong khu vực ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới trong 24 giờ qua.
Ngày 7-1, Indonesia thông báo nước này có thêm 9.321 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 797.723 ca. Malaysia cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này với 3.027 ca. Cùng ngày, Bộ Y tế (DOH) Philippines đã thông báo số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt quá 482.000 ca sau khi có thêm 1.353 ca nhiễm mới.
Châu Mỹ
Ngày 7-1, Bolivia thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu để ngăn ngừa biến thể của vi rút SARS-CoV-2 đến ngày 15-2.
Chính quyền thủ đô Bogota của Colombia đã ban bố tình trạng báo động đỏ, đồng thời ra lệnh cách ly trong 4 ngày để ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch Covid-19, cũng như nguy cơ xuất hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đang theo dõi cẩn thận các phản ứng dị ứng với vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna, đồng thời yêu cầu các cá nhân bị dị ứng nặng không tiêm mũi thứ hai. Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc họp trực tuyến với báo chí ngày 6-1, cơ quan y tế cộng đồng Mỹ cho biết các phản ứng dị ứng đang xảy ra với tỷ lệ 11,1 người/1 triệu người tiêm vắc xin Covid-19. So với vắc xin phòng cúm mùa, tỷ lệ dị ứng sau tiêm ghi nhận được là 1,3 người/1 triệu người tiêm. Dù vậy, CDC khẳng định các phản ứng nghiêm trọng với vắc xin Covid-19 vẫn "cực kỳ hiếm gặp", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm phòng sớm.
(Theo HNMO)