Châu Mỹ
Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với gần 27 triệu trường hợp nhiễm bệnh và hơn 450.000 bệnh nhân tử vong. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, 22% trong số các ca tử vong do đại dịch ở nước này được ghi nhận vào tháng 1-2021, với trung bình hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày.
Tháng 12-2020 là tháng có số trường hợp tử vong cao thứ hai với 77.000 ca tử vong được ghi nhận. Tiếp theo là tháng 4-2020 với 61.000 trường hợp. Hơn một nửa số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ được ghi nhận trong 3 tháng này.
Châu Âu
Ngày 1-2, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã cảnh báo về tình trạng các băng nhóm tội phạm có tổ chức làm giả và buôn bán giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 tại các sân bay. Theo cơ quan này, chừng nào các biện pháp hạn chế đi lại nhằm phòng, chống đại dịch còn được áp dụng, những kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội để thực hiện các hành vi phạm pháp như buôn bán giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm giả.
Ngày 1-2, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, chính phủ nước này sẽ theo dõi chặt chẽ số ca mắc Covid-19 trong tuần này với hy vọng Pháp có thể tránh được một đợt phong tỏa tiếp theo.
Bộ trưởng B.Maire cho biết, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm tiêu tốn của nước này khoảng 7,2 tỷ USD mỗi tháng, thì việc phong tỏa toàn bộ sẽ khiến nước này thiệt hại tới 18 tỷ USD mỗi tháng. Quan chức này cũng nhắc lại nhận định của Thủ tướng Pháp Jean castex hồi cuối tuần trước rằng, nước này vẫn còn cơ hội để không phải áp đặt lệnh phong tỏa.
Ngày 1-2, Chính phủ Anh đã tăng cường xét nghiệm đại trà ở những khu vực dịch bệnh bùng phát, sau khi phát hiện 11 người ở các vùng khác nhau nhiễm biến thể của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi. Bộ Y tế Anh cũng kêu gọi công dân trên 16 tuổi ở nhiều khu vực đi xét nghiệm trong tuần này, dù có hay không các triệu chứng bệnh.
Tại một cuộc họp trực tuyến với đại diện các công ty dược phẩm và thủ hiến các bang của Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, những nút thắt trong nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được giải quyết nhanh chóng và cam kết người dân nước này được cung cấp đủ vắc xin vào cuối mùa hè. Chính phủ Đức dự kiến đến cuối năm nay có thể nhận được 323 triệu liều vắc xin các loại.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết, số ca mắc biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh chiếm một nửa số ca nhiễm mới ở nước này trong những ngày gần đây. Chính phủ Hà Lan cảnh báo, các biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh hơn có thể gây ra làn sóng dịch bệnh mới ở nước này mặc dù số ca nhiễm mới kể từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh.
Tại Bồ Đào Nha, tình hình dịch bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn khi số ca tử vong do Covid-19 trong tháng 1 chiếm gần một nửa tổng số ca tử vong do đại dịch tại nước này. Bồ Đào Nha có tổng cộng 726.321 ca mắc Covid-19, trong đó có 12.757 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm trong tháng 1 cũng chiếm tới 43% tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại nước này. Giới chức y tế nước này nhận định, sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc Covid-19 có liên quan tới các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 vốn có khả năng lây lan nhanh hơn.
Nghiên cứu của Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa Tây Ban Nha công bố ngày 1-2 cho thấy, nếu lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm phòng, chống dịch Covid-19 được áp đặt, các công ty nước này ước tính sẽ thiệt hại 1,8 tỷ euro về doanh thu, trong đó các công ty nhỏ và vừa chiếm 60% thiệt hại.
Còn tại Italia, Cơ quan thống kê quốc gia ước tính hơn 100.000 người lao động ở nước này đã bị mất việc làm trong tháng 12-2020. Ngân hàng Italia cũng tính toán rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của nước này giảm kỷ lục 9,2% và phải đến năm 2023 mới có thể phục hồi lại mức trước đại dịch.
Châu Phi
Ngày 1-2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã công bố một số biện pháp nới lỏng hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19, khi tỷ lệ lây nhiễm ở nước này có xu hướng giảm. Theo ông C.Ramaphosa, nước này đã ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm mới ở mức thấp kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, đồng thời, số người phải nhập viện cũng giảm đáng kể trong những ngày gần đây.
Trong bối cảnh đó, các không gian công cộng, hồ bơi sẽ mở cửa trở lại. Lệnh cấm vận chuyển và bán rượu được hủy bỏ song vẫn kèm theo một số hạn chế nhất định. Lệnh giới nghiêm toàn quốc cùng một số hạn chế đối với các cuộc tụ họp tôn giáo cũng được nới lỏng.
Cùng ngày, Nam Phi đã tiếp nhận lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên gồm 1 triệu liều do hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phát triển. Số vắc xin này dự kiến được sử dụng cho các nhân viên y tế tuyến đầu bắt đầu từ giữa tháng này.
(Theo HNMO)