Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hành vi bạo lực nhắm vào người châu Á và người gốc Á trên toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành.
Mặc dù thông báo của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới không nêu tên quốc gia cụ thể, nhưng được đưa ra ngay sau vụ nổ súng tại thành phố Atlanta (Mỹ) hồi đầu tháng này. Vụ việc đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người là người Mỹ gốc Á.
Trong buổi họp báo chính thức về kết quả thử nghiệm tại Mỹ đối với vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển Mene Pangalos cho biết, tính hiệu quả trong các thử nghiệm đạt tới 79%. Cũng trong khuôn khổ họp báo, đại diện hãng dược phẩm này cũng kỳ vọng sản lượng vắc xin sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới, sau khi một nhà máy mới tại Hà Lan được châu Âu cho phép đi vào hoạt động.
Cũng tại châu Âu, Đức đã chính thức từ bỏ kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch và sẽ gia hạn lệnh phong tỏa một phần. Quyết định này đã được Thủ tướng Angela Merkel và 16 Thủ hiến các bang nhất trí áp dụng tới ngày 18-4.
Tương tự Đức, Áo cũng sẽ chưa mở lại các quán cà phê, nhà hàng và bar vào ngày 27-3 theo kế hoạch. Nước này cũng đang chuẩn bị cơ chế để cho phép từng địa phương áp dụng các quy định giới hạn phòng dịch khác nhau.
Tại Anh, việc đi lại không thiết yếu sẽ tiếp tục bị hạn chế trong toàn bộ vùng England kể từ đầu tuần tới. Ngoài ra, những người cố tình đi ra khỏi địa phận sẽ bị phạt tới 5.000 bảng Anh.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sẽ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, dự kiến vào ngày 23-3. Bộ trưởng Công nghiệp nước này Denis Manturov cùng ngày cũng cho biết, Nga đang theo đuổi lộ trình sản xuất hơn 80 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, riêng tháng 3 sẽ có khoảng 12,5 triệu liều xuất xưởng. Sản lượng dự kiến trong tháng 4 sẽ là 17 triệu liều.
Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, với 11.686.300 người bị mắc bệnh, trong đó 160.199 trường hợp đã tử vong.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Indonesia là điểm nóng về dịch, với 1.465.928 người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó 39.711 người đã tử vong. Tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, chỉ có 4 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca tử vong vì dịch trong 24 giờ vừa qua, gồm: Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong đó, Philippines vẫn chứng kiến dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới theo ngày nhiều nhất trong khu vực. Sau mấy tuần hạ nhiệt, nước này đang đứng trước lo ngại làn sóng dịch tái phát. Riêng trong ngày 22-3, Philippines đã đứng thứ hai châu Á về số trường hợp tử vong.
(Theo HNMO)