Chiều 22-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin (vaccine) trên thế giới và của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), hiện có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển, với các loại vắc xin được đánh giá tốt và có triển vọng.
Cụ thể, đối với vắc xin NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4-2021 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin NanoCovax, dự kiến đầu tháng 5-2021 sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và kỳ vọng cuối quý 3-2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm.
Đối với vắc xin Covivac, dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng được đánh giá có chất lượng rất tốt, giá thành dự kiến rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng 1/2 giá vắc xin hiện có trên thị trường), với tiến trình thử nghiệm lâm sàng sẽ nhanh hơn.
Với vắc xin của VABIOTECH, dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác nên có bước chậm hơn, song các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan và dự kiến triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4-2021. Ưu điểm của vắc xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
"Hi vọng vào cuối quý 3-2021, Việt Nam sẽ có vắc xin đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước", ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khẩn trương hơn nữa bởi theo các nhà khoa học, vắc xin phòng COVID-19 phải tiêm nhắc lại, chứ không phải 1 đợt hay 1 năm. Do đó, cần phải có giải pháp để có vắc xin Việt Nam, vừa phòng chống và ứng phó dịch bệnh.
Nhập vắc xin ngừa COVID-19 do Bộ Y tế quyết
Đối với việc triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca, thông tin nhiều người hiểu rằng các công ty được nhập vắc xin ngừa COVID-19 về Việt Nam để tiêm, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì.
Do đó, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để tiêm.
Theo đó, hiện các công ty sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế.
Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu mới được nhập khẩu, việc tiêm theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như nghị quyết 21 và do cơ sở y tế thực hiện.
(Theo TTO)