COVID-19 tới 6 giờ 1/5: Thế giới gần 3,2 triệu ca tử vong; Ấn Độ và Brazil thành tâm dịch mới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/5/2021 | 7:57:29 AM

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 151.942.634 ca, trong đó có 3.191.685 người tử vong.

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở bang Amazonas, Brazil, ngày 15/4/2021.
Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở bang Amazonas, Brazil, ngày 15/4/2021.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 129.780.828 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.970.121 ca và 111.350 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 30/4, thế giới có tới 117 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 108 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức ngày 28/4/2021

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 590.002 ca tử vong trong tổng số 33.098.234 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 211.835 ca tử vong trong số 19.157.094 ca bệnh. Đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan và quốc gia Nam Á này đang là tâm dịch của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục phá kỷ lục mỗi ngày.

Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 402.110 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và 3.522 người tử vong. Brazil có số ca tử vong và mắc mới nhiều thứ 3 thế giới trong mấy ngày qua.

Để từng bước kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ dự kiến từ ngày 1/5 bắt đầu mở rộng chương trình tiêm phòng COVID-19 đến những người từ 18-45 tuổi. Tuy nhiên nhiều bang thông báo chưa thể triển khai nỗ lực này vào thời điểm hiện tại do không có sẵn vaccine trong kho và phải ưu tiên tiêm liều thứ hai cho những người trên 45 tuổi.

Chú thích ảnh

Ngày 28/4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden (trong ảnh, giữa) có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Đây được xem là sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Biden lên nắm quyền, trong bối cảnh ông phải đương đầu với những vấn đề cấp thiết, trong đó có đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những khó khăn kinh tế mà nước Mỹ đang phải đối mặt. 

Ngày 30/4, Nhà Trắng thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cấm hầu hết các trường hợp nhập cảnh từ Ấn độ trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-COV-2 mới gia tăng ở mức báo động ở quốc gia Nam Á này.

Trong một thông báo, Thư ký Nhà Trắng  Jen Psaki cho  biết: "Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Chính phủ Mỹ bắt đầu hạn chế việc đi lại từ Ấn Độ ngay lập tức", đồng thời thông báo lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/5. Theo bà  Jen Psaki, quy định này được đưa ra do số ca nhiễm COVID-19 vô cùng cao với quá nhiều biến thể của virus SARS-COV-2 đang bùng phát tại Ấn độ.

Theo quy định này, các công dân nước ngoài có mặt tại Ấn Độ trong 14 ngày trước sẽ không được vào Mỹ. Quy định này không áp dụng cho công dân Mỹ và một vài trường hợp miễn trừ khác. Tuy nhiên, những người này khi trở về Mỹ từ Ấn Độ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay, và phải cách ly nếu chưa tiêm phòng. Trước đó, Mỹ đã áp dụng các hạn chế đối với đi lại quốc tế, theo đó yêu cầu hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến Mỹ.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của BionTech/Pfizer cho người dân tại Derby, Anh, ngày 31/3/2021

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 30/4 thông báo chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này sẽ được mở rộng cho tất cả nhóm đối tượng là người trưởng thành kể từ ngày 15/6 tới. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Pháp đặt mục tiêu sớm mở cửa trở lại đất nước và kiểm soát làn sóng dịch bệnh thứ ba đang tấn công nước này.

Trên trang Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo Pháp cho biết những người trên 50 tuổi có thể đăng ký tiêm vaccine từ ngày 15/5. Trước đó, Pháp quy định chỉ những người từ 55 tuổi trở lên mới được đăng ký.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng thông báo chiến dịch tiêm chủng vaccine sẽ được mở rộng từ cuối tuần này, cho phép 4 triệu người trong độ tuổi từ 18-50 mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, huyết áp hoặc béo phì cũng được tiêm phòng.

Đến nay đã có hơn 15 triệu người Pháp được tiêm mũi đầu tiên, chiếm khoảng 29% nhóm người trưởng thành. Tuy nhiên, nhóm đối tượng ưu tiên chính hiện nay vẫn là người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai với tổng cộng khoảng 6,2 triệu người, chiếm gần 12% nhóm người trưởng thành. Theo số liệu  thống kê mới nhất, Pháp đã ghi nhận tổng cộng 5,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 104.253 ca tử vong.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 8/4/2021. 

Ngày 30/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị giúp Ấn Độ chống COVID-19, đồng thời gửi lời chia buồn tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước bối cảnh New Delhi phải hứng chịu cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay. Đài truyền hình nhà nước dẫn lời ông Tập Cận Bình nói: "Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cung cấp những ủng hộ và hỗ trợ cho Ấn Độ".

Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latin, cả Brazil và Cuba đều ghi nhận số ca mắc và tử vong cao đột biến. Bộ Y tế Brazil cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 3.001 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong từ đầu dịch bệnh đến nay lên 401.186 người, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Như vậy, Brazil đã vượt con số 400.000 người tử vong do COVID-19 chỉ sau hơn 1 tháng kể tử khi ghi nhận tổng cộng 300.000 ca hồi cuối tháng 3 vừa qua. Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chương trình tiêm chủng tiến triển chậm và công tác phòng chống dịch để lộ nhiều yếu kém. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này cũng đã lên tới 14,5 triệu người.

Chuyên gia dịch tễ học Ethel Maciel thuộc trường Đại học Espiritu Santo (UFES) thừa nhận Brazil đang phải chịu tác động mạnh trong làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 với sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở vùng Amazona và lây lan ra nhiều vùng trên cả nước với tốc độ nhanh hơn trước đây.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 15/4/2021. 

Bộ Y tế Cuba thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 1.149 ca mắc mới COVID-19, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 18 ca, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đáng chú ý, trong báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày, Bộ Y tế Cuba cho hay trong tổng số ca mắc mới trên có tới 172 trường hợp dưới 18 tuổi và 11 trong số đó là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Tháng 4 được ghi nhận là tháng có số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất tại đảo quốc Caribe này, với trung bình hơn 1.000 ca/ngày. Tính tới nay Cuba đã ghi nhận tổng cộng 105.661 ca mắc trên cả nước, trong đó 632 người không qua khỏi.

Phần lớn các ca nhiễm đều ở "tâm dịch" La Habana với 2,2 triệu dân. Hiện chính quyền thành phố vẫn đang tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm được ban hành từ tháng 2 vừa qua, đóng cửa toàn bộ các trường học, nhà hàng, quán bar và bãi biển, cũng như hạn chế giao thông liên tỉnh.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sejong, Hàn Quốc, ngày 31/3/2021. 

Tại châu Á, tình hình dịch bệnh phức  tạp không kém, Hàn Quốc đã thông báo gia hạn giãn cách xã hội thêm 3 tuần. Quyền Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 30/4 cho biết Chính phủ nước này đã quyết định gia hạn áp dụng thêm 3 tuần các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập trên 5 người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Hiện tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang áp dụng giãn cách xã hội Cấp độ 2 - mức cao thứ 3 trong hệ thống 5 mức hiện hành ở Hàn Quốc, trong khi các địa phương còn lại trên cả nước áp dụng Cấp độ 1,5. Các biện pháp giãn cách này ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào ngày 2/5 tới.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.610 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 67.830 người.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. 

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn "tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 17 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Chú thích ảnh

Cảnh vắng lặng tại thủ đô Manila, Philippines sau khi Chính phủ ban bố các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. 

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/4 ghi nhận thêm 1.583 ca bệnh mới và có tới 15 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 761 bệnh nhân mới và 2 ca tử vong trong ngày 30/4. "Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 67.837 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 307 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.403.243 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.085.046 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

 (Theo Tin Tức)

Các tin khác
Sáng 1/5, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới

Tính từ 18h ngày 30/4 đến 6h ngày 1/5, Bộ Y tế cho biết Việt Nam tạm thời chưa ghi nhận thêm ca mới, cả trường hợp lây nhiễm cộng đồng và ca nhập cảnh.

Lực lượng chức năng thị trấn Yên Thế xử phạt hành chính các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh minh họa

Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái cung cấp Thông cáo báo chí ngày 30/4/2021 về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (tính đến 18h00 ngày 30/4/2021) như sau:

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu cách ly cơ sở 1 Trung đoàn 121.

Tối 30/4, UBND tỉnh Yên Bái đã hỏa tốc có Công điện số 02/CĐ-UBND gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Dưới đây là nội dung chi tiết.

Ảnh minh họa

Sở Y tế Yên Bái đã có Văn bản số 533/SYT-NVY gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về việc thông báo các khu vực phong tỏa và khu vực có bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục