Ngày 6-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ GD-ĐT về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại các yêu cầu cấp bách hiện nay trong phòng chống Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không hoang mang lo sợ. Với hơn 1,2 triệu giáo viên, gần 24 triệu học sinh, sinh viên, bằng 1/4 dân số cả nước, ngành giáo dục cần phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, đồng thời phải có các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Thủ tướng nêu rõ, GD-ĐT là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước; cần phải thực hiện yêu cầu "học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu nêu một số khó khăn, thách thức với ngành, trong đó có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết, cả nước vẫn thiếu 95.000 giáo viên; việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đặt yêu cầu phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục Việt Nam trên bình diện quốc tế cũng như những bước tiến đã đạt được từ khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Theo đó, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đứng khoảng thứ 120 trên thế giới, nhiều chỉ số ở khoảng thứ 70-80, nhưng giáo dục phổ thông của chúng ta hiện đứng thứ 40. Trước khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, giáo dục đại học của Việt Nam không được xếp hạng thì đến nay nhiều trường đại học đã có mặt trong những bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Tỷ lệ công bố quốc tế các nghiên cứu khoa học của các trường đại học tăng từ 15% lên 70% đến 80%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, xã hội vẫn còn có một số bức xúc với ngành, như tình trạng thiếu trường lớp ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích trong giáo dục… Do đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt chuyên môn, chính quyền các địa phương bảo đảm về cơ sở vật chất, giáo viên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của giáo dục phổ thông như phải bảo đảm đủ trường lớp, giáo viên cho học sinh học 2 buổi; không có lựa chọn đầu vào; đổi mới công tác quản trị nhà trường phổ thông theo hướng tự chủ, có sự tham gia của đại diện cộng đồng; siết lại việc thành lập các hội đồng trường đại học…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để có nguồn lực con người thì ngoài truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc, có vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục.
Nhấn mạnh 4 khó khăn, hạn chế rất cơ bản của ngành giáo dục, trong đó có vấn đề nhiều vụ việc riêng lẻ, các vấn đề không được giải quyết, giải trình đến nơi đến chốn dễ dẫn tới bức xúc trong xã hội, Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Lãnh đạo Bộ phải thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân, xã hội và dư luận biết, hiểu đúng về tình hình thực tế của ngành. Chủ động giải quyết công việc, phối hợp tốt hơn với các bộ ngành, địa phương.
Thủ tướng cho rằng, việc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong ngành, trong đó có tình trạng "chạy trường, chạy lớp”. Phải có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, thiết kế quy chế, quy định, công cụ luật pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong ngành, đi đôi với kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát tinh thần Nghị quyết 29 và Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, Luật Giáo dục và các nghị định có liên quan. Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên. Chủ trương, chính sách giáo dục khi triển khai phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, có bước đi phù hợp. Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường (cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án) là nền tảng, giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển quan hệ hữu cơ giữa học sinh - nhà trường - giáo viên. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý học tập, giảng dạy, đồng thời tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Trước mắt, ngành cần hoàn thiện kịch bản chống Covid-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, đồng thời là cơ sở kinh nghiệm để ứng phó những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.
(Theo SGGP)