Châu Âu
Người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge cảnh báo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 sẽ trở lại Lục địa già trong mùa thu, dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch Covid-19 đang giảm trên toàn châu lục. Chuyên gia này cũng đồng thời kêu gọi người dân châu Âu di chuyển có trách nhiệm trong kỳ nghỉ hè.
Theo ông Kluge, biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất đáng lo ngại, và các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa hè năm ngoái ngay cả khi các chiến dịch tiêm phòng hiện đang được đẩy nhanh khắp khu vực. Đến nay, mới chỉ 30% dân số châu Âu được tiêm liều vắc xin đầu tiên, chưa đủ đề ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các nước châu Âu chứng kiến số ca nhiễm mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8-2020. Thực tế này khiến chính phủ nhiều nước, bao gồm cả Đức và Pháp, quyết định nới lỏng đáng kể các quy định phòng dịch.
Cùng ngày, EU đã thông báo quyết định không chọn mua bổ sung 100 triệu liều vắc xin của Johnson & Johnson, và nếu có đặt hàng thì sẽ cân nhắc dùng số vắc xin này để viện trợ cho các nước nghèo. Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện một số vấn đề về nguồn cung và an toàn của vắc xin này. Các cuộc thảo luận trong EU đã cho thấy niềm tin giảm đối với loại vắc xin chỉ tiêm một liều duy nhất này, dù ban đầu được ca ngợi là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tiêm phòng thành công ở châu Âu.
Đan Mạch quyết định dừng yêu cầu đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng, đồng thời cho phép 25.000 cổ động viên tới xem các trận thi đấu của Giải bóng đá vô địch các câu lạc bộ châu Âu diễn ra tại Copenhagen.
Anh sẽ khởi động việc quyên góp vắc xin cho các nước có nhu cầu kể từ đầu tuần tới. Theo kế hoạch, nước này sẽ chuyển giao ít nhất 5 triệu liều vắc xin trong tháng 9 tới, sau đó tiến tới mốc 25 triệu liều trong năm 2021 và ít nhất 100 triệu liều trước khi năm 2022 kết thúc. Đảo quốc sương mù hiện chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh ở mọi khu vực của vùng England.
Nga đã quyết định nối lại các chuyến bay tới các nước Áo, Hungary, Liban, Luxembourg, Mauritius, Maroc, Croatia cũng như các chuyến bay thuê bao đến Albania.
Bulgaria quyết định nới lỏng quy định đeo khẩu trang tại một số khu vực, trong đó có phòng tập thể hình, tiệm hớt tóc, các dịch vụ kinh doanh nhỏ và văn phòng... nếu tất cả người làm việc tại đây được tiêm vắc xin đầy đủ.
Ukraine tuyên bố sẽ chỉ cho phép người nước ngoài đã tiêm phòng vắc xin Sputnik V của Nga nhập cảnh nếu họ cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Châu Á - Thái Bình Dương
Tình hình dịch bệnh ở châu Á vẫn diễn biến phức tạp với 151.520 ca nhiễm mới, thêm 4.448 trường hợp tử vong. Tổng cộng, lục địa này đã có 53.076.097 ca mắc Covid-19, nhiều nhất thế giới.
Tại Hàn Quốc, người dân bắt đầu tiêm vắc xin Janssen của Johnson & Johnson do Mỹ cung cấp, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Janssen là vắc xin thứ tư được nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau các vắc xin của AstraZeneca, Pfizer/BionTech và Moderna.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh ở Singapore tiến triển tích cực với số ca lây nhiễm trong cộng đồng được ngăn chặn và số ca nhiễm mới giảm mạnh. Giới chức Singapore quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo 2 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 14-6.
Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo sẽ xem xét kế hoạch thiết lập "bong bóng du lịch" trong tháng 7, sau khi kế hoạch này bị hoãn lại lần thứ hai trong tháng 5 vừa qua do số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến tại Đảo quốc sư tử. Được biết, Cathay Pacific và Singapore Airlines sẽ là những hãng hàng không thực hiện các chuyến bay đầu tiên trong khuôn khổ của chương trình này.
Việc thiếu nguồn cung vắc xin đã buộc Philippines đóng cửa một số trung tâm tiêm phòng tại thủ đô Manila và nhiều khu vực khác.
New Zealand sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động du lịch miễn cách ly với bang Victoria của Australia thêm 7 ngày nữa.
Tại Trung Đông, Abu Dhabi, tiểu vương quốc đông dân nhất của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thông báo từ ngày 15-6 chỉ những người đã được tiêm chủng và xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 mới được đến các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê và nhiều nơi công cộng khác.
Châu Mỹ
Mỹ đã tiêm được 305.687.618 liều vắc xin Covid-19, trong đó 172.423.605 người đã nhận ít nhất một liều tiêm, 141.583.252 người đã hoàn tất việc chủng ngừa.
Venezuela thông báo không thể thanh toán nốt 10 triệu USD trong tổng số 120 triệu USD cần thiết để đủ điều kiện tiếp nhận vắc xin từ cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX. Theo Tổng thống Nicolas Maduro, lý do của việc này là các lệnh cấm vận của Mỹ.
Châu Phi
Nam Phi chính thức đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba với 9.149 ca nhiễm mới.
(Theo HNMO)