Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta, Trung tâm an toàn và đối phó với thảm họa của Hàn Quốc (CDSCH) ngày 29/6 công bố danh sách 21 quốc gia không được miễn cách ly 14 ngày, kể cả khi người nhập cảnh từ các nước này đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ.
Trong số các nước này có Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Philippines, Nam Phi...
Trước đó, Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch cho phép những người được tiêm vaccine đầy đủ nhập cảnh vào Hàn Quốc mà không phải trải qua thời gian tự cách ly. Chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới. Hàn Quốc mới chỉ mở cửa cho những người nhập cảnh vì mục đích kinh doanh, học thuật và nhân đạo.
Tuy nhiên, theo quyết định sửa đổi mới nhất, người đến từ 21 quốc gia trên sẽ không được miễn cách ly.
Ngày 28/6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 267 ca nhiễm 4 biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, trong đó có 73 ca nhiễm biến thể Delta.
Từ tháng 5, người Hàn Quốc đã tiêm phòng được miễn cách ly 14 ngày sau khi từ nước ngoài trở về, song vẫn cần có kết quả xét nghiệm âm tính và không có các triệu chứng bệnh.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Nội vụ cũng thông báo tạm dừng các chuyến bay và tất cả các chuyến bay thẳng từ Bangladesh, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka do sự bùng phát dịch COVID-19 liên quan đến các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Những người đến từ các vùng lãnh thổ khác nhưng đã từng ở các quốc gia được liệt kê trong danh sách trên trong vòng 14 ngày qua sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và những người này sẽ phải cách ly trong 14 ngày.
Trong khi đó, những hành khách đến từ Pakistan và Afghanistan hoặc đã ở đó trong 14 ngày qua sẽ cần phải cách ly ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 ngày sau khi nhập cảnh. Bộ này lưu ý thêm rằng những người đến từ Anh, Iran, Ai Cập và Singapore sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì cuộc họp thảo luận chi tiết về các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tờ Jakarta Post dẫn lời một số quan chức chính phủ cấp cao giấu tên cho biết, các biện pháp mới có thể yêu cầu tất cả người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà và không ăn uống tại nhà hàng.
Ngoài ra, các chuyến bay nội địa chỉ áp dụng với hành khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Hiện vẫn chưa rõ phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp trên toàn quốc hay các vùng dịch.
Thời gian qua, Indonesia vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế hoạt động cồng đồng vi mô mà nhiều người cho rằng không còn hiệu quả nữa vì số ca nhiễm vẫn liên tục tăng cao và các bệnh viện trong tình trạng quá tải. Theo đó, biện pháp mới sẽ áp dụng nghiêm ngặt hơn, nhằm giảm nguy cơ Indonesia trở thành một "Ấn Độ thứ hai”.
Tại Australia, Brisbane đã trở thành thành phố thứ 4 ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn virus lây lan. Như vậy lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng tới tổng cộng khoảng 10 triệu người Australia.
Theo quyết định mới nhất, từ đêm 29/6, Brisbane sẽ bắt đầu phong tỏa 3 ngày. Trước đó, người dân các thành phố Sydney, Perth và Darwin cũng đã phải ở trong nhà để phòng dịch.
Thủ hiến bang Queensland, bà Annastacia Palaszczuk cho biết: "Đây là những quyết định rất khó khăn."
Australia đã từng thành công trong việc kiểm soát các ổ dịch. Nhưng giờ đây cuộc chiến mới lại bắt đầu với biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.
Thủ tướng Scott Morrison cũng đã thông báo tiêm phòng bắt buộc đối với các nhân viên tại các khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly, và nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
Cũng trong ngày 29/6, New Zealand cho biết sẽ mở lại một phần chương trình "bong bóng du lịch" với Australia từ ngày 5/7 tới, áp dụng với các bang không ghi nhận ca nhiễm nào.
Cụ thể, hình thức du lịch không cách ly sẽ được nối lại với các bang Nam Australia, vùng lãnh thổ thủ đô (ACT), Tasmania và Victoria.
(Theo Vietnam+)