Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin ước tính số ca nhiễm còn tăng nữa sau khi tiếp nhận báo cáo từ các tỉnh, cùng với việc đẩy mạnh công tác xét nghiệm và truy vết. Quốc gia đông dân thứ tư thế giới sẽ tăng năng lực xét nghiệm từ 200.000 lên 400.000 mỗi ngày, ông Sadikin báo cáo trước Quốc hội Indonesia ngày 13/7.
Indonesia đang gặp vấn đề là nhiều tỉnh, thành và cơ quan quản lý không báo cáo số ca mắc kịp thời và minh bạch. Quốc gia này có 34 tỉnh, trong đó có 500 thành phố và khu vực, trải dài trên khắp 17.000 hòn đảo.
Giống như nhiều nước khác, Indonesia đang chật vật đối phó với làn sóng bùng phát do biến chủng Delta. Biến chủng này đã lan ra hơn 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. "Báo cáo tình hình kịp thời sẽ tốt hơn. Vấn đề xảy ra từ trước đến nay là báo cáo không đúng thực tế. Không có nhiều ca mắc được báo cáo, nhưng đột nhiên có một làn sóng bệnh nhân ào vào bệnh viện”, ông Budi nói.
Phát biểu này được đưa ra hôm 13/7, cùng ngày Indonesia báo cáo số ca mắc kỷ lục, với 47.899 ca mắc và 40.427 trường hợp tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này có hơn 40.000 ca mắc mới. Cùng ngày, Ấn Độ, với số dân gấp gần 5 lần của con số 270 triệu của Indonesia, ghi nhận số ca mắc xuống dưới 33.000. Indonesia hiện có hơn 2,61 triệu ca mắc và khoảng 68.219 người tử vong do COVID-19.
Các quy định giãn cách xã hội khẩn cấp được áp dụng từ đầu tháng này chỉ giúp giảm 6-16% lưu lượng đi lại, trong khi cần tối thiểu 20% để giảm bớt áp lực lên các bệnh viện, ông Budi cho biết.
Malaysia hôm qua có thêm 11.618 ca mắc COVID-19, một kỷ lục mới trong làn sóng lây nhiễm mà nước này đang chật vật khống chế. Hơn một nửa số ca này được phát hiện trong vùng thung lũng Klang, nơi có thủ đô Kuala Lumpur. Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết số ca mắc tăng vì nước này đang tăng số lượng xét nghiệm. Ông Abdullah khẳng định vắc-xin là giải pháp để thoát khỏi đại dịch và thúc giục người dân đi tiêm phòng. Tính đến hôm qua, Malaysia có gần 870.000 ca mắc và 6.385 người tử vong vì đại dịch.
Mỹ, Nga tăng chóng mặt
Tính đến 14/7, Nga xác nhận hơn 5,8 triệu ca mắc và 144.492 trường hợp tử vong do COVID-19, theo số liệu của Trung tâm thông tin COVID-19 quốc gia. Giới chức Nga cho biết nguyên nhân gây ra làn sóng bùng phát lây nhiễm lần này là biến chủng Delta nguy hiểm và tốc độ tiêm vắc-xin chậm.
Đường cong COVID-19 tại Mỹ đang đi lên sau một thời gian đi xuống, với số ca mắc mới mỗi ngày tăng gấp đôi trong tuần qua vì sự lây lan của biến chủng Delta, tốc độ tiêm vắc-xin chững lại và các cuộc tụ tập ăn chơi dịp quốc khánh. Các bang miền nam và trung tây đang trở thành tâm dịch mới, khi biến chủng Delta đang càn quét một dải đất rộng lớn với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong những tuần gần đây, hơn 98% số người phải nhập viện vì COVID-19 ở Arkansas và Oklahoma là những người chưa tiêm vắc-xin. Tại Arkansas, giới chức cho biết có nhiều người trong độ tuổi 20, 30 và 40 phải nhập viện. Diễn biến này có thể trở thành bước lùi đối với những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm khống chế đại dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Trung Quốc tiêm vắc-xin cho trẻ em
Trung Quốc đến nay đã tiêm 1,4 tỷ mũi vắc-xin, chiếm 2/5 tổng lượng vắc-xin COVID-19 được sử dụng trên toàn cầu. Trong tháng này, tỉnh Quảng Tây và TP Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, sẽ bắt đầu tiêm cho những người trong độ tuổi từ 15-17, sau đó tiêm cho nhóm 12-14 trong tháng 8. Giới chức những địa phương này đặt mục tiêu đến tháng 10 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho nhóm từ 12-17 tuổi.
Trung Quốc không thường xuyên cập nhật số liệu người được tiêm đầy đủ. Nhưng cuối tháng trước, một đài truyền hình Trung Quốc cho biết tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước đã vượt 40%. Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm cho ít nhất 70% dân số, Xinhua đưa tin.
Một nhà virus học đang cố vấn cho Chính phủ Thái Lan vừa lên tiếng bảo vệ cách tiêm vắc-xin AstraZeneca cho những người đã tiêm vắc-xin Sinovac. Chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc trộn hai loại vắc-xin, nhưng ngày càng nhiều quốc gia đang áp dụng cách làm này. Tại cuộc họp báo ngày 14/7, ông Yong Poovorawan, chuyên gia về virus tại ĐH Chulalongkorn, cho biết 1.200 người nước này đã được tiêm kết hợp vắc-xin Sinovac và AstraZeneca. "Không có tác dụng phụ nào, cho thấy đây là cách làm an toàn”, ông Yong nói. Theo chuyên gia này, nghiên cứu ban đầu dựa trên 40 chủ thể cho thấy một mũi vắc-xin bất hoạt Sinovac kết hợp với một mũi tiêm công nghệ véc-tơ của AstraZeneca tạo ra lượng kháng thể tương đương những người đã tiêm hai mũi vắc-xin AstraZeneca.
(Theo TP)