"Bộ Y tế và TP HCM cam kết không thiếu máy thở, khí oxy cho bệnh nhân, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm", ông Khoa nói với báo chí, hôm 18/7.
Bộ Y tế đã khảo sát và đánh giá năng lực sản xuất oxy trong nước. Kết quả, khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Do đó, theo ông Khoa, nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung hay tại TP HCM nói riêng đều không thiếu.
Từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 55.000 ca Covid, trong đó TP HCM gần 33.000 ca. Sự nguy hiểm của biến thể Delta cùng với số lượng ca nhiễm không ngừng gia tăng đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Do lo lắng, nhiều gia đình tự tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ bình oxy, đề phòng.
Ông Khoa cho biết bệnh nhân Covid-19 khi bị suy hô hấp, khó thở, cần thiết sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp đều cần đến máy thở.
Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này, khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% thở máy xâm nhập.
Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở cũng khác, yêu cầu cao hơn so với các thiết bị theo dõi sức khỏe thông thường tại nhà như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết... Theo ông Khoa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phù trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành. Quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được thầy thuốc kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.
"Trong điều kiện gia đình thì không thể thiết lập hệ thống máy thở, ngành y tế cũng không thể cắt cử các kíp chuyên môn đến vận hành và theo dõi việc sử dụng máy thở tại nhà riêng cho bệnh nhân", ông Khoa giải thích.
Vì vậy, ông cho rằng không nên mua, tích trữ máy thở tại nhà, vừa gây lãng phí do không thể tự dùng được, mà còn tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện không thể mua được máy cho bệnh nhân cần, trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến khó lường.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng 19/7 cũng gửi công văn tới các bệnh viện, Sở Y tế, cũng lưu ý về vấn đề oxy. Ông yêu cầu tất cả bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao (HFNC).
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp oxy y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu oxy y tế trong cấp cứu, điều trị.
Bộ Y tế đã thiết lập kho dã chiến thiết bị, vật tư y tế tại TP HCM, chuyển thêm 2.000 máy thở vào kho này để phục vụ điều trị ở thành phố và các tỉnh phía Nam.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch hôm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho "kịch bản xấu và xấu hơn"; đồng thời cam kết không để thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
(Theo Vnexpress)