Bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 liên tục "lập đỉnh", ngày 20/7, người dân Indonesia vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha.
Đây là lần thứ 2 kể từ khi xảy ra đại dịch, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất trên thế giới này tổ chức lễ Eid al-Adha, diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa hành hương hằng năm đến Thánh địa Mecca.
Trước đó, nhà chức trách Indonesia đã cấm tập trung đông người, tổ chức các buổi lễ truyền thống, hiến tế động vật, cũng như khuyến cáo người dân không tụ tập cầu nguyện hoặc thực hành tín ngưỡng. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu người dân cầu nguyện ở nhà thay vì tập trung đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, tại thủ đô Jakarta và nhiều nơi khác, dù không vào bên trong thánh đường, song người dân lại tập trung cầu nguyện ở các đoạn đường gần đó. Thậm chí người dân tại Bandung còn trải thảm cầu nguyện ngay trên các con ngõ nhỏ bên ngoài nhà của mình. Trong khi đó, hàng nghìn người dân ở Banda Aceh lại tập trung bên ngoài Thánh đường Baiturrahman.
Số ca nhiễm mới đã tăng cao tại Indonesia sau khi hàng triệu người dân nước này đi lại khắp cả nước nhân dịp kết thúc tháng lễ Ramadan hồi tháng 5 vừa qua. Trong những ngày gần đây, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil trở thành "tâm dịch" của thế giới, với số ca tử vong trong ngày 19/7 ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 1.338 ca.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong ngày cũng lên tới hơn 50.000 ca, cao gấp khoảng 10 lần so với mức trung bình hồi đầu tháng 6, do sự xuất hiện của biến thể Delta trên khắp cả nước. Số ca nhiễm mới tăng đã chất thêm gánh nặng đối với hệ thống y tế nước này. Nhiều bệnh viện ở thủ đô Jakarta và trên khắp đảo Java đông dân đã rơi vào cảnh quá tải và thiếu oxy trầm trọng.
Trước tình hình trên, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 20/7, Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã ban hành thông tư quy định hành khách đi máy bay tại Java và Bali. Cụ thể, đối với các chuyến bay đến/rời đi hai đảo này, hành khách phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, giấy xét nghiệm PCR âm tính trong tối đa 48 giờ hoặc kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trong tối đa 24 giờ trước khi khởi hành.
Đối với người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu, quan trọng, khi đi lại bằng đường hàng không, cần xuất trình giấy chứng nhận lao động (STRP), giấy chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc quyết định bổ nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản.
Thông tư miễn trừ việc xuất trình chứng nhận tiêm vaccine đối với hành khách vì lý do y tế theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và phụ nữ có thai đi cùng 1 thành viên gia đình phải xuất trình giấy giới thiệu của bệnh viện, giấy giới thiệu của chính quyền địa phương.
Thông tư này nhằm hạn chế du khách nội địa sử dụng phương tiện hàng không, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha từ ngày 19-25/7 tới.
Theo kế hoạch, việc thực hiện lệnh Hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) Khẩn cấp trên đảo Java và Bali sẽ kết thúc trong ngày 20/7. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhưng đến nay Chính phủ Indonesia vẫn chưa chính thức ra lệnh gia hạn PPKM hay đưa ra các biện pháp khác.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận hơn 2,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 75.000 người không qua khỏi. Do tỷ lệ xét nghiệm và truy vết ở nước này còn thấp, nên giới chuyên gia cho rằng số người mắc và tử vong do COVID-19 trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Trước đó, ngày 19/7, Indonesia đã tiếp nhận thêm 1.184.000 liều vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) để sử dụng cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong do các công ty tự chi trả. Như vậy, tổng số liều vaccine của Sinopharm mà Indonesia đã tiếp nhận hiện đã lên 6,68 triệu liều.
Cũng trong ngày 20/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 170 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay tại Lào.
Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, ngày 20/7 - ngày đầu tiên Lào thực hiện đợt phong tỏa lần thứ 6, nước này không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, đặc biệt là ở các nước láng giềng của Lào vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế Lào yêu cầu các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi đang có lây nhiễm trong cộng đồng hoặc tiếp nhận số lượng lớn ca bệnh nhập cảnh cần khẩn trương mở rộng quy mô tiếp nhận điều trị, tăng cường nguồn nhân lực y tế; đồng thời nghiên cứu cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa các địa phương để đảm bảo công tác phòng và điều trị COVID-19 hiệu quả.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.710 ca mắc COVID-19 và 5 người tử vong./.
(Theo Vietnam+)