Nhân viên nghĩa trang làm việc suốt ngày đêm
Hình ảnh các thi thể bốc cháy ngùn ngụt tại các giàn thiêu ngoài trời trong giai đoạn đỉnh dịch Covid-19 ở Ấn Độ từng khiến thế giới kinh hoàng vào tháng 5/2021. Nhưng trong 2 tuần qua, 3 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Myanmar đã vượt qua mức cao nhất của Ấn Độ về tỷ lệ tử vong trên đầu người khi làn sóng Covid-19 mới, được đánh dấu bằng sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta đang thắt chặt sự kìm kẹp đối với khu vực.
Indonesia gần như chuyển đổi toàn bộ quá trình sản xuất oxy cho công nghiệp để sử dụng cho y tế nhằm cứu chữa những bệnh nhân khó thở vì mắc Covid-19. Các bệnh viện ở Malaysia quá tải đến mức người bệnh phải nằm la liệt trên sàn nhà. Còn tại Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar, nhân viên nghĩa trang phải làm việc suốt ngày đêm để chôn cất và hỏa táng thi thể người mắc Covid-19.
Số ca tử vong tăng cao cùng số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục trong nhiều ngày tại nhiều quốc gia trong khu vực đã khiến các hệ thống y tế phải gồng mình ứng phó. Chính phủ các nước cũng đang ráo riết ban hành những hạn chế mới để kiểm soát đà lây nhiễm.
Khi Eric Lam, 38 tuổi có kết quả xét nghiêm có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và nhập viện vào ngày 17/6 ở bang Selangor – tâm dịch của Malaysia, các hành lang của bệnh viện này đã chật cứng bệnh nhân vì trong phòng bệnh không còn chỗ trống cho họ nằm.
Tình hình cũng không khá khẩm hơn ở một số bệnh viện khác của Selangor – vốn là bang phát triển nhất và đông dân nhất Malaysia. Không có bất cứ giường bệnh miễn phí nào, bệnh nhân được điều trị trên sàn nhà hoặc trên cáng.
Kể từ đó, chính phủ Malaysia đã bổ sung thêm giường bệnh và thiết lập thêm nhiều khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Eric Lam cho biết, trong 3 tuần điều trị tại bệnh viện, có một lần anh nghe thấy tiếng máy kêu bip bip liên tục trong 2 tiếng đồng hồ, sau đó y tá mới đến tắt máy. Anh được biết là bệnh nhân này đã tử vong.
Bác sĩ Abhishek Rimal - điều phối viên y tế khẩn cấp tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng trong khu vực: người dân ngày càng mệt mỏi mới đại dịch và bỏ qua các biện pháp phòng ngừa, tỷ lệ tiêm chủng thấp, sự xuất hiện của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ.
Ông nhấn mạnh: "Với các biện pháp mà nhiều quốc gia đang thực hiện, nếu mọi người tuân thủ những quy trình cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tiêm phòng, số ca mắc có thể giảm trong một vài tuần tới”.
Thực tế đáng báo động
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, biện pháp phong tỏa trên toàn quốc của Malaysia vẫn chưa đạt hiệu quả trong việc hạn chế tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày. Quốc gia với khoảng 32 triệu dân này lần đầu tiên chứng kiến số ca mắc theo ngày tăng trên 10.000 ca vào ngày 13/7 và mốc này vẫn được duy trì kể từ đó.
Tốc độ tiêm chủng tại Malaysia dù vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực nhưng đã được đẩy mạnh, với gần 15% dân số hiện đã tiêm đầy đủ. Chính phủ Malaysia hy vọng phần lớn dân số sẽ được tiêm vaccine cho đến cuối năm nay.
Các bác sỹ và y tá đã phải làm việc không ngừng nghỉ để điều trị cho các ca bệnh và Lam là một trong số những người may mắn bình phục. Ban đầu, khi bệnh tình diễn biến xấu, Lam được nằm trong khu chăm sóc đặc biệt và sử dụng máy thở công suất cao. Sau đó sức khỏe của anh dần hồi phục và Lam xuất viện cách đây 2 tuần. Nhưng cha và anh rể anh thì không may mắn như vậy. Họ đã tử vong vì Covid-19, còn một người thân khác của anh vẫn phải sử dụng máy thở trong khu chăm sóc đặc biệt. "Tôi cảm thấy như được tái sinh và có cơ hội sống lần thứ 2”, Eric Lam chia sẻ.
Tại Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 thế giới với dân số gần 1,4 tỷ người, tỷ lệ tử vong vẫn cao hơn so với các nước Đông Nam Á. Theo dữ liệu từ Our World in Data, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên 1 triệu người tính theo tuần tại Ấn Độ là 3,04 trong tháng 5 - mức đỉnh điểm, nhưng con số này đang giảm dần.
Trong khi đó, số ca tử vong của Indonesia, Myanmar và Malaysia đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 6 và tỷ lệ tử vong trên 1 triệu người tính theo tuần tại các nước này lần lượt là 4,37, 4,29 và 4,14 tính đến ngày 21/7. Campuchia và Thái Lan cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ cả về số ca mắc và số ca tử vong, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đã khống chế được tỷ lệ này ở mức thấp hơn 1,55 và 1,38. Ông Abhishek Rimal nhận xét, đây là thực tế đáng báo động tại khu vực vốn kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt ở giai đoạn đầu.
Bài học từ Ấn Độ
Rút kinh nghiệm từ Ấn Độ, hầu hết các quốc gia tại Đông Nam Á đã triển khai biện pháp ứng phó tương đối nhanh chóng và ban hành thêm nhiều hạn chế mới để kiểm soát sự lây nhiễm, đồng thời nỗ lực đáp ứng nhu cầu của những bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông Abhishek Rimal cho biết: "Người dân tại Đông Nam Á thận trọng vì họ đã nhìn thấy kịch bản xấu ngay trước mắt – 400.000 ca mắc trong 1 ngày tại Ấn Độ và họ không muốn lặp lại kịch bản này. Tuy vậy, các biện pháp đó cần phải có thời gian để đạt hiệu quả như mong muốn”.
Indonesia – quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới với khoảng 270 triệu người thông báo ghi nhận 1.383 ca tử vong vào ngày 21/7 – ngày tang tóc nhất kể từ khi dịch bệnh hoành hành. Số ca mắc theo ngày tại nước này vào khoảng 8.000 vào giữa tháng 6, nhưng sau đó tăng đột biến và lên đến đỉnh điểm tuần trước với hơn 50.000 ca mắc mới mỗi ngày. Do tỷ lệ xét nghiệm của Indonesia thấp nên số ca mắc trên thực tế được cho là còn cao hơn nhiều.
Khi các bệnh viện bắt đầu cạn kiệt oxy, chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà sản xuất chuyển 90% lượng oxy phục vụ cho mục đích công nghiệp sang sử dụng cho mục đích y tế. Trước cuộc khủng hoảng, Indonesia cần gần 400 tấn oxy để cung cấp cho người bệnh mỗi ngày, nhưng hiện nay nhu cầu sử dụng oxy mỗi ngày đã tăng gấp 5 lần, lên đến hơn 2.000 tấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Dante Saksono cho biết.
Những người phụ trách an táng nạn nhân Covid-19 cũng kiệt sức vì quá tải. Ảnh: Reuters
Mặc dù lượng cung ứng oxy đã đủ nhưng ông Lia Partakusuma, tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện Indonesia nói rằng, do có vấn đề trong quá trình phân phối nên một số bệnh viện vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Tại Indonesia, khoảng 14% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, chủ yếu là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Hiện, Indonesia và Thái Lan đang có kế hoạch tiêm nhắc lại vaccine khác cho những nhân viên y tế đã được tiêm Sinovac.
Tại Myanmar, tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn sau cuộc chính biến vào ngày 1/2. Làn sóng biểu tình và tình trạng bạo lực đã khiến hệ thống y tế của nước này trên bờ vực sụp đổ. Chỉ trong những tuần gần đây, chiến dịch xét nghiệm mới được đẩy mạnh. Làn sóng virus mới tấn công Myanmar vào giữa tháng 5 đã khiến số ca mắc và số ca tử vong tăng lên nhanh chóng. Kể từ đầu tháng 7, tỷ lệ tử vong tại nước này tịnh tiến theo phương thẳng đứng.
Một nhóm nhân quyền cho biết: "Với năng lực xét nghiệm hạn chế, tỷ lệ tiêm vaccine thấp, thiếu hụt oxy và trang thiết bị y tế, hệ thống y tế suy yếu, tình hình dịch bệnh tại Myanmar dự kiến sẽ ngày càng tồi tệ hơn trong thời gian tới”.
Ngày 20/7 vừa qua, chính phủ nước này thông báo có 5.860 ca mắc mới và 286 ca tử vong. Không có số liệu rõ ràng về tỷ lệ tiêm chủng nhưng một số đánh giá ước tính, khoảng 3% dân số Myanmar có thể đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Nhiều bài đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, các nghĩa trang ở Yangon đã quá tải và không thể xử lý kịp số lượng người chết. Ông Cho Tun Aung – người đứng đầu cơ quan phụ trách các nghĩa trang cho biết, 350 nhân viên đã phải làm việc 3 cả kể từ ngày 8/7 để hỏa táng và chôn cất các thi thể tại 7 nghĩa trang lớn ở Yangon./.
(Theo VOV)