Số ca mắc chưa hạ nhiệt, hơn 1.300 lượt người đăng ký hỗ trợ TP.HCM

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/7/2021 | 6:34:31 PM

Đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký hỗ trợ TP.HCM, trong đó đối tượng là bác sỹ có trình độ đại học gần 300 người; dược sỹ là 200 người; các ngành nghề khác gần 700 người; độ tuổi tham gia từ dưới 20.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết trong ngày 25/7, cả nước có 7.531 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh con số mắc vẫn ở mức cao với 4.555 ca, Bình Dương 1.249 ca, Tây Ninh 313 ca, Đồng Nai 253 ca, Tiền Giang 218 ca, Khánh Hòa 172 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu 126 ca, Phú Yên 109 ca…; trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.

Trong ngày có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 19.342 ca.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến lúc này một số ổ dịch trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát triệt để, nhưng tình hình chung Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang kiểm soát được dịch.

Phó Thủ tướng đề nghị, trên tinh thần giữ cho tỉnh an toàn, vì vậy, tỉnh cần khoanh lại những khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao để tập trung dồn lực lượng nhanh chóng dập dịch, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở lại trạng thái bình thường. Tỉnh thực hiện phòng, chống dịch không chỉ người dân thực hiện 5K mà tất cả các công sở, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm, bởi chủng mới này lây lan rất nhanh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp cận vaccine nhanh nhất để phân bổ cho tỉnh tiêm cho người dân, nhưng tỉnh vẫn phải thực hiện tinh thần chống dịch như chưa có vaccine, thực hiện tốt việc giãn cách, cách ly, tuyệt đối không để giãn cách vẫn tụ tập đông người, cách ly thì lại để lây nhiễm chéo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị, Bà Rịa-Vũng Tàu cố gắng bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế vận dụng với thực tế địa phương về công tác xét nghiệm, quy trình cũng như phương thức xét nghiệm phải đúng và trên tinh thần tiết kiệm nhưng hiệu quả.

Theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, cùng với sự chung tay của lực lượng cán bộ y tế trên cả nước, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phát tán nhanh của SARS-CoV-2 với biến chủng Delta khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, trong đó hệ thống điều trị bị quá tải.

[Ngày 25/7, Việt Nam tiếp tục ghi nhận 7.531 ca mắc mới COVID-19]

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều động 5.000 nhân sự hỗ trợ cho Thành phố, gồm: 927 bác sỹ (150 bác sỹ hồi sức, 777 bác sỹ khám và điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X-quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh). Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đề nghị được hỗ trợ thêm 2.000 nhân viên có chuyên môn y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

Sau 1 ngày kể từ khi Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh có Thư ngỏ kêu gọi các anh chị em đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp gần xa cùng chung tay tham gia vào các hoạt động chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến 17h00 ngày 25/7 bộ phận thường trực cho biết tổng số đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký, trong đó đối tượng là bác sỹ có trình độ đại học gần 300 người; dược sỹ là 200 người; các ngành nghề khác gần 700 người.

Độ tuổi tham gia tình nguyện viên rất phong phú, trong đó dưới 20 tuổi là 47 người; từ 20-50 tuổi là 1.197 người; trên 50 tuổi là 94 người.

Những tình nguyện viên này chủ yếu hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có một số nhỏ là ở khu vực ngoại thành.

Dự kiến, trong ngày 26/7, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phân bổ số nhân lực tình nguyện này đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố./.

Tính đến chiều 25/7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

(TTXVN)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Danh sách cập nhật ổ dịch Covid-19 tại các tỉnh có ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa qua 14 ngày theo thông báo của Sở Y tế Yên Bái, áp dụng từ 17h ngày 25/7/2021. Đề nghị người dân theo dõi, nắm bắt để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch!

Người dân thực hiện khai báo y tế tại chốt khiểm dịch. Ảnh: Quyết Thắng.

Từ 6h sáng đến 12h ngày 25/7, Yên Bái đã thực hiện 96 mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm dịch. Lũy kế: 12.941 mẫu. Yên Bái chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Tổ Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 của địa phương sẽ là đầu mối phối hợp với Trung tâm công nghệ quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp công nghệ phòng chống dịch.

Bộ Thông tin -Truyền thông (TT&TT) vừa đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19.

Tối 24/7, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long xác nhận, tỉnh có ghi nhận các ca dương tính nCoV liên quan đến một đám tang tại xã Tân Lộc, huyện Tam Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục