Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2021 | 6:26:22 PM

YênBái - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, chiều 26/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố.


Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19; đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo, tính đến 18h00 ngày 25/7, cả nước có 98.465 ca mắc Covid-19. Những ngày gần đây, liên tiếp ghi nhận khoảng hơn 7.000 ca mắc mới trong ngày, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long... 

Tỉnh Yên Bái, đến nay đã qua 90 ngày, không phát hiện ca nhiễm mới, chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch; ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh từng thời điểm. 

Công tác điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm được thực hiện đảm bảo; đến nay đã triển khai rà soát, thống kê 1.839 người nhập cảnh vào Việt Nam về đến Yên Bái, tất cả đã hoàn thành cách ly theo quy định; thực hiện lấy tổng số 74.116 mẫu xét nghiệm từ ngày 24/3/2020 đến nay… Tỉnh chưa điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19 nào; tuy nhiên, đã thực hiện điều trị 37 bệnh nhân nghi ngờ, xét nghiệm âm tính với Covid-19, đã khỏi và ra viện.

Cùng đó, tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm việc phong tỏa, giãn cách xã hội phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; duy trì hoạt động 9 chốt kiểm dịch y tế liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn tỉnh để kiểm soát nghiêm ngặt các trường hợp đi từ vùng có dịch về địa phương từ ngày 02/5/2021. 



Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh phát biểu định hướng về công tác phòng, chống dịch tại Hội nghị.

3.956 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 

Từ ngày 22/4 đến ngày 25/6/2021, tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 21.200 liều vắc xin AstraZeneca (đợt 1 là 4.800 liều, đợt 2 là 16.400 liều), triển khai tiêm chủng tại 12 cơ sở tiêm chủng (08 trung tâm y tế thành phố và huyện, 03 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Bệnh xá Công an tỉnh).

Kết quả đã triển khai 24.726 mũi tiêm (gồm 24.280 mũi 1 và 446 tiêm mũi 2) vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, UBND tỉnh Yên Bái ban hành kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 21/7/2021 triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh. Tính từ ngày 22/4 đến 25/7, toàn tỉnh đã triển khai 31.709 mũi tiêm cho 27.753 người, trong đó có 3.956 người đã tiêm đủ 2 mũi.



Thạc sỹ, bác sỹ Lê Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại Hội nghị.

Các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đã được triển khai

Về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thẩm định hỗ trợ đợt 1 đối với 39 đối tượng viên chức nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã đã rà soát giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho 1.363 đơn vị, 23.298 cá nhân; 2 đơn vị đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch về công tác triển khai hỗ trợ người lao động.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định thời gian qua cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn yêu cầu: Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế; các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả; đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. 

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch y tế trên địa bàn tỉnh. Cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, 100% người đến làm việc, giao dịch từ các tỉnh khác khi vào cơ sở sản xuất, kinh doanh, cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải được kiểm soát phòng dịch và yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 24h nếu là test nhanh kháng nguyên, 3 ngày nếu là Realtime RT-PCR).

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh không đi ra ngoài tỉnh vào thời điểm này, đặc biệt tại các tỉnh đang có dịch trong cộng đồng. Trường hợp có việc cần thiết đi ra ngoài tỉnh phải báo cáo và được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương, khi trở về phải đến ngay trạm y tế nơi lưu trú để khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. 

Tăng cường công tác giám sát phát hiện tại cộng đồng, tại cơ sở y tế; rà soát phát hiện các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định để thực hiện cách ly tập trung; tiếp tục theo dõi chặt chẽ các trường hợp đang được theo dõi, cách ly tại địa phương.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến khi có thông báo mới; yêu cầu các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn khi tiếp nhận người từ các tỉnh, thành phố đến lưu trú phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch. Quản lý chặt chẽ các chợ dân sinh trên địa bàn. Đối với phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và các xe con, xe cá nhân khác tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung theo yêu cầu tại Công văn số 2203 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh và các quy định hiện hành.

Tiếp tục rà soát, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực để sẵn sàng ứng phó với những tình huống dịch ở cấp độ cao hơn. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày theo quy định.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động 

Về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ: Để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành sớm tham mưu với UBND tỉnh để ban hành Kế hoạch số 165 về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết và Quyết định của Chính phủ. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đây là chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người dân nên các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương triển khai thực hiện. 

Cụ thể: khẩn trương hoàn thành việc rà soát các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ (ngoài các đối tượng do Bảo hiểm xã hội trực tiếp chi trả và đã có danh sách hỗ trợ), đặc biệt là các đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động, đối tượng cách ly (F0, F1) được hỗ trợ tiền ăn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến với người dân và rà soát, tiếp nhận thông tin các trường hợp người lao động và người sử dụng lao động đủ điều kiện hưởng chính sách. Hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động các thủ tục, hồ sơ hưởng chính sách. Từ nay đến 30/7, cập nhật hàng ngày tiến độ thực hiện chính sách, báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, đôn đốc thực hiện chính sách; cập nhật tiến độ theo tuần (trong tháng 8). 

Các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin 

Về việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 171, ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh: đây là biện pháp bảo vệ hàng đầu để phòng ngừa dịch Covid-19, vì khi tiêm vắc-xin trên diện rộng có thể giúp tăng mức độ miễn dịch của cộng đồng, vì vậy phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, an toàn, không để lãng phí vắc xin. 

Để đạt được mục tiêu đến hết năm 2021 tối thiểu 50% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến hết quý I/2022 trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng COVID-19; dự kiến, Chiến dịch sẽ triển khai tiêm chủng cho gần 670.000 người (xấp xỉ 80,6% dân số tỉnh Yên Bái). Các sở, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai Chiến dịch tiêm theo Kế hoạch số 171 của UBND tỉnh, với quan điểm chỉ đạo: 

Vắc xin có đến đâu, tổ chức tiêm ngay đến đó. Việc triển khai Chiến dịch tiêm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các địa phương phải thành lập ngay Ban chỉ đạo để chỉ đạo triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, để người dân thấy được đó vừa là quyền lợi đối với cá nhân vừa là trách nhiệm đối với cộng đồng; 

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế và các lực lượng được huy động tham gia tiêm chủng, bảo đảm các buổi tiêm an toàn, không để lãng phí vắc xin. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng như: thông báo, cập nhật liên tục thông tin về đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng trên cổng thông tin của Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
 
Qua đây, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và mỗi người dân phải luôn tin tưởng, kiên định vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, với các biện pháp, giải pháp, phương án, kịch bản đã được xây dựng; linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành; chủ động, sát sao, trách nhiệm cao trong mọi khâu của quy trình phòng, chống dịch; đảm bảo yêu cầu thực mục tiêu kép "Vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả”; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của công tác phòng chống dịch, vì sự bình yên của nhân dân.

Minh Huyền - Đức Toàn

Tags Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Covid-19 địa bàn tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Ảnh minh họa

Theo Bộ Y tế đây là các tử vong số 371-524 tại 10 tỉnh thành. Các trường hợp này được tính từ ngày 8 đến ngày 25/7.

Phong tỏa toàn bộ Viện Phổi Hà Nội sau khi phát hiện hàng loạt ca mắc Covid-19.

Đến sáng 26/7, BV Phổi Hà Nội phát hiện 29 ca dương tính qua test sàng lọc, trong đó có 21 người bệnh, 2 người nhà người bệnh và 6 nhân viên y tế.

Huyện Lục Yên đã thành lập chốt kiểm soát tạm thời  và triển khai đồng bộ các biện pháp tại các thôn có công dân nghi ngờ dương tính với Covid-19

Như tin đã đưa, ngày 23/7, Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Lục Yên thực hiện lấy mẫu gộp 4 trường hợp đi từ vùng dịch về. Chiều ngày 24/7 mẫu được chuyển về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ngày 25/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật trả kết quả mẫu gộp trên nghi ngờ có mẫu dương tính với Covid-19.

Lực lượng y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phố Tô Hiến Thành.

Sáng 26/7, Việt Nam ghi nhận thêm 2.708 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên 101.173 ca.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục